09:05 03/09/2021

Tựu trường mùa dịch

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều địa phương trên cả nước phải lùi thời gian tựu trường và điều chỉnh lịch khai giảng năm học mới.

Sau những ngày hè thì tựu trường và lễ khai giảng năm học mới là dịp đặc biệt với thầy cô giáo và các em học sinh. Đó không chỉ là ngày vui của thầy và trò mà còn là niềm vui của phụ huynh khi đưa con em mình tới lớp. Màu cờ đỏ rực trên sân trường, màu khăn quàng đỏ trên vai các em học sinh, tiếng trống khai trường… luôn là niềm háo hức say mê đến kỳ lạ của các thế hệ học trò. 

Nhưng năm học 2021-2022, với diễn biến còn phức tạp của dịch COVID-19 – vốn đã khiến hàng trăm triệu học sinh trên toàn thế giới bị gián đoạn việc học trong thời gian qua và Việt Nam cũng không ngoại lệ - đã làm đảo lộn mọi thứ. Mỗi địa phương đều nỗ lực chuẩn bị các kịch bản với tình huống khác nhau nhằm đảm bảo chất lượng học tập và an toàn nhất cho thầy và trò trước dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Giáo viên trường Tiểu học Việt Hồng, huyện Thanh Hà (Hải Dương) sắp xếp lại thư viện trước khi vào năm học mới. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Với những nơi là “vùng xanh”, kiểm soát tốt dịch thì tận dụng “thời gian vàng” tựu trường sớm để các em học sinh học trực tiếp tại trường và khai giảng đúng vào ngày toàn dân đưa trẻ đến trường như truyền thống lâu nay – ngày 5/9. Nhưng những nơi còn đang giãn cách xã hội và tăng cường các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng, ngành giáo dục địa phương đã phải điều chỉnh thời gian tựu trường, lịch khai giảng cũng chậm lại, thậm chí là không tổ chức khai giảng hoặc chuyển sang khai giảng trực tuyến.  

Như tại Sơn La, tỉnh cho học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tựu trường sớm nhất cả nước (ngày 16/8) nhưng hai ngày sau đã phải dừng cho học sinh đến trường vì phát hiện hai trường hợp dương tính. Tại Hà Nội, ngày 5/9 lễ khai giảng sẽ được tổ chức trực tuyến và từ ngày hôm sau học sinh sẽ học online, trừ bậc mầm non.

Những nơi đang là “điểm nóng” về dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… đều phải lùi lịch khai giảng. Trong đó, Đồng Nai dự kiến sẽ khai giảng ngày 12/9, trong khi thời gian tựu trường ở Long An phải đến tận 17/9. TP Hồ Chí Minh cũng đã có tờ trình đề xuất UBND Thành phố không tổ chức lễ khai giảng, bậc tiểu học phải đến ngày 20/9 mới có thể bắt đầu năm học mới. 

Đây là những điều chưa từng xảy ra trước đó, nhưng tất cả không chỉ có vậy. Tại những nơi đang giãn cách xã hội, việc chuẩn bị cho năm học mới trở nên khăn hơn khi nhiều gia đình và học sinh còn đang trong khu cách ly, là F0, F1; nhiều học sinh đang “mắc kẹt” ở các địa phương khác chưa thể quay về. Có nơi, nhiều trường lớp còn đang được trưng dụng làm địa điểm cách ly y tế tập trung, địa điểm tiêm vaccine, chưa thể ngày một ngày hai chuyển trả lại.

Chú thích ảnh
Do tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, nhiều địa phương sẽ cho học sinh học trực tuyến từ đầu năm học. Ảnh: TTXVN

Việc học trực tuyến, mặc dù đã được các thầy cô giáo, học sinh và cả phụ huynh dần thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng với học sinh lớp 2 vẫn còn bỡ ngỡ, đặc biệt là học sinh lớp 1, bởi các bé cần được uốn nắn, thậm chí là cần có thầy cô giáo trực tiếp cầm tay dạy viết những nét chữ đầu tiên. Việc chuẩn bị đầy đủ phương tiện (điện thoại thông minh, máy tính, kết nối internet) trong điều kiện giãn cách xã hội thậm chí vượt quá khả năng của không ít phụ huynh, nhất là với những gia đình là lao động nghèo, cuộc sống thường ngày vốn đã hết sức bấp bênh.

Nhưng trong mùa tựu trường năm nay cũng như trong suốt gần hai năm dịch bệnh vừa qua, một lần nữa lại cho thấy sự nỗ lực của ngành giáo dục cũng như sự đồng hành của các bậc phụ huynh và toàn xã hội, tất cả vì các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước. 

Đó là hình ảnh của các thầy cô giáo không ngại vất vả dọn dẹp trường lớp, khử khuẩn bàn ghế, chuẩn bị chu đáo nước sát khuẩn, khẩu trang, in cài mã quét QR code để đón các em đến trường. Đó là sự nỗ lực của các thầy cô để hoàn thiện các kỹ năng về “công nghệ số” trong dạy học trực tuyến; tập huấn để kịp triển khai chương trình sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6.

Với những địa phương đón hàng ngàn lao động, thậm chí là hàng chục ngàn người từ vùng dịch trở về quê hương, cũng đồng nghĩa có hàng trăm, hàng nghìn học sinh trở về cùng gia đình. Để các em kịp bước vào năm học mới, ngành giáo dục địa phương sẽ tạo điều kiện để các em học trước rồi bổ sung hồ sơ, học bạ sau. Tất cả đều chung một mong muốn: Không để một học sinh nào trở về từ vùng dịch không được đến trường. 

Thiết thực hơn nữa, để chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng cho phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh, có những nơi đã quyết định miễn học phí cho học sinh. Tại TP Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã đồng ý miễn học phí học kỳ 1 cho học sinh trường công lập. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã quyết định hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh các trường phổ thông công lập trong suốt năm học. Còn tại Hà Nội, Thường trực Thành uỷ Hà Nội cũng đã thống nhất chủ trương về việc giảm 50% học phí cả năm học cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).

Chú thích ảnh
Chuyển sách giáo khoa đến tận nhà học sinh trong khu vực phong toả ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Bên cạnh đó, góp phần chung tay với ngành giáo dục để các em học sinh có một mùa tựu trường bớt khó khăn, có những nơi tổ COVID-19 cộng đồng của phường đã đến từng nhà học sinh trong khu phong toả để mang sách giáo khoa cho các em.

Như thế, có thể thấy tất cả các kịch bản, phương án tổ chức dạy học, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng đều đặt công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn lên trên hết, trước hết. Đây cũng chính là mục tiêu mà ngành giáo dục đặt ra cho năm học mới, như Bộ trưởng GD&DT Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định, cần phải chuyển trạng thái để ứng phó chủ động và thích nghi với dịch bệnh dự kiến còn kéo dài, tập trung để làm tốt cả hai việc: Cố gắng theo đuổi mục tiêu chất lượng và đảm bảo an toàn cho thầy và trò. 

Đặc biệt, để có thể đảm bảo an toàn trước dịch bệnh cho học sinh, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 ngày 28/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, tính toán nhu cầu từng lứa tuổi để có thể tiêm sớm nhất.

“Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập không để ai bị bỏ lại phía sau, các cháu bị thất học”, Thủ tướng khẳng định.

Một mùa tựu trường đã tới, một năm học mới lại bắt đầu. Năm học này, cũng như năm học trước, sẽ có không ít khó khăn và cả thách thức với cả thầy và trò. Nhưng mọi sự cố gắng và nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng, bởi mọi thành công đi lên từ gian khó sẽ giá trị và càng được trân trọng, nhất là trong sự nghiệp “trồng người”.

Xuân Phong