06:10 23/06/2011

Tướng Noriega - Đối tác và kẻ thù của Mỹ - Kỳ IV: Cuộc chiến không cân sức của Mỹ chống Noriega

Sau khi lên nhậm chức tháng 1/1989, theo một phong tục cũ, George Bush đã thay bức chân dung của người tiền nhiệm mà mình yêu thích nhất. Bức tranh sơn dầu của Tổng thống Calvin Coolidge, một người theo đường lối tự do kinh doanh, được hạ xuống và thay vào đó là chân dung...

Sau khi lên nhậm chức tháng 1/1989, theo một phong tục cũ, George Bush đã thay bức chân dung của người tiền nhiệm mà mình yêu thích nhất. Bức tranh sơn dầu của Tổng thống Calvin Coolidge, một người theo đường lối tự do kinh doanh, được hạ xuống và thay vào đó là chân dung của Tổng thống Teddy Roosevelt, một người liều lĩnh, thích sử dụng vũ lực.

Xe tăng Mỹ hùng hổ tiến vào Panama.


Chính Roosevelt là người đã tạo ra thách thức khó chịu nhất cho tới nay với Bush. Với chính sách đế quốc, năm 1903, Roosevelt đã tạo ra nhà nước nhân tạo Panama bằng cách buộc Côlômbia phải nhượng lại một tỉnh có rừng rậm để xây dựng kênh đào Panama.

Trên danh nghĩa giấy tờ, nhà nước mới được tạo ra là độc lập. Nhưng các tướng lĩnh và Tổng thống Panama hầu như luôn nghe theo mệnh lệnh từ Oasinhtơn. Chỉ có Manuel Antonio Noriega là không. Trong 2 năm trời, vị tướng mặt sần sùi này đã bêu riếu cường quốc Mỹ, khiến kế hoạch hạ bệ của Mỹ như những màn kịch rẻ tiền.

Tổng thống Mỹ George Bush, người ra lệnh xâm lược Panama để bắt giữ Noriega.


Ngày 20/12/1989, Tổng thống Mỹ George Bush đã ra tay. Đúng vào thời điểm khắp nơi trên thế giới đang có xu hướng hòa bình, Chiến tranh Lạnh đang đi tới hồi kết sau khi bức tường Béclin đã được mở trước đó hơn 1 tháng, Bush đã điều động 24.000 quân tiến vào Panama. Vào nửa đêm hôm đó, máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng quần đảo trên bầu trời thành phố Panama. Từ các căn cứ của Mỹ trên đất Panama, hàng đoàn xe tải chở đầy binh sĩ nhằm hướng đại bản doanh của các lực lượng vũ trang Panama hùng hổ kéo tới, chọc thủng phòng tuyến mà Noriega đã dựng lên trong nội thành ít ngày trước đó.

Sau đó, những quả bom đầu tiên được ném xuống. Chúng phá hủy cảng nước sâu của thủ đô, nhiều sân bay và cả bãi đỗ nhỏ Paitilla - nơi mà Mỹ phát hiện ra chiếc máy bay của Noriega sẵn sàng cất cánh. Bom đạn cũng phá hủy Cuartel General, đại bản doanh chỉ huy quân đội mà họ nghi Noriega ở đó. Đại bản doanh này nằm ở khu phố El Chorrillo, nơi đa số là dân nghèo và là những người ủng hộ trung thành nhất của Noriega.

Tại đây, dân thường đã trở thành những nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến mới. Chỉ vài giờ sau khi cuộc chiến bắt đầu, các bác sĩ ở bệnh viện Santo Tomas gần đó đã đếm được 50 người chết.

Xuất hiện trên đài truyền hình, Guillermo Endara - người được coi là đã thắng cuộc bầu cử tháng 5 mà Noriega tuyên bố vô hiệu hóa - tự nhận là tân tổng thống. Endara kêu gọi người dân ở trong nhà và khẳng định rằng họ tới đây để "xóa bỏ chính quyền phi pháp của Noriega".

Tuy nhiên, cuộc tấn công do Oasinhtơn quyết định diễn ra không hoàn toàn suôn sẻ. Ngay từ đầu, mục tiêu được tuyên truyền ầm ĩ là "bắt giữ Noriega" đã không thực hiện được. Khi biết được các đơn vị của Sư đoàn đổ bộ đường không số 82 cất cánh từ Fort Bragg ở North Carolina thâm nhập không phận Panama, vị tướng này đã lặng lẽ lánh đi nơi khác mà người Mỹ không biết.

Các binh sĩ của Noriega cũng không bỏ mặc vị chỉ huy của mình theo lời kêu gọi của Endara. Nhiều đơn vị quân đội Panama đã chống trả quyết liệt sự tấn công của quân Mỹ. Những sĩ quan trung thành với Noriega đã động viên được "Các tiểu đoàn danh dự" khét tiếng, lực lượng dân quân Panama tấn công các khách sạn và bắt giữ công dân Mỹ làm con tin.

Khoảng 500 người Panama đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Mỹ.


Khi bình minh bắt đầu cũng là lúc xảy ra điều mà Mỹ lo sợ nhất - đó là các cuộc chiến trên đường phố ở El Chorrillo. Những người bắn tỉa rình các đoàn xe Mỹ. 12 lính Mỹ đã thiệt mạng và kế hoạch hành quân chớp nhoáng đã thất bại.

Phát biểu trên truyền hình buổi sáng, Tổng thống Mỹ Bush đã phải thú nhận rằng Noriega đã trốn thoát. Năm ngày trước lễ Giáng sinh, Bush quả thực rơi vào tình trạng chiến tranh với Panama, điều mà Noriega đã tuyên bố từ trước.

Cách đó mấy hôm, một trong những người đã bầu Noriega lên làm Thủ tướng Panama với quyền lực tuyệt đối đã hùng hổ tuyên bố: "Chúng ta phải giết chết bọn Gringos (ám chỉ người Mỹ) và những người bạn của chúng".

Bất chấp những thất bại ban đầu, Bush vẫn rêu rao chiến dịch của mình là thành công: Mỹ công nhận Endara là tổng thống hợp pháp, bãi bỏ lệnh trừng phạt thương mại đối với Panama và chỉ thị cho các ngân hàng Mỹ dỡ bỏ lệnh phong tỏa các tài sản của chính phủ Panama. Khi đó, Tướng Colin Powell, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tuyên bố: "Chiến dịch Sự nghiệp chính nghĩa" đã kết thúc thành công và chỉ cần "dọn dẹp" nữa thôi”. Nhưng vào thời điểm này, người ta còn chưa biết Noriega đang ẩn náu ở đâu.

Nhằm biện minh cho cuộc tấn công quân sự, Mỹ đã tung ra một đòn chiến tranh tâm lý khi tuyên bố rằng cuộc chiến tranh 5 ngày chống lại Manuel Antonio Noriega là cuộc chiến chống lại những thế lực đen tối. Theo Trung sĩ James Dibble, chuyên gia về phép ma thuật trong quân cảnh Mỹ, họ đã tìm thấy trong phòng riêng của Tướng Noriega di vật của pháp thuật. Trong những con cá hôi thối bọc trong bánh làm bằng ngô đã mốc meo, người ta tìm thấy tên những đối thủ của Noriega đã bị bỏ bùa, trong đó có cả tên của Tổng tư lệnh Mỹ George Bush. Nhưng quyền lực của ma thuật đã không làm gì được sức mạnh của 24.000 binh sĩ Mỹ. Dibble tự hào tuyên bố: "Chúng tôi đã huy động được lực lượng mạnh hơn".

Vào đúng ngày Giáng sinh, Noriega, một người tin vào ma thuật đã phải chạy trốn vào Đại sứ quán của Vatican ở Panama. Sự kháng cự của những người trung thành cuối cùng đã bị bẻ gãy. Mỹ tỏ ra lúng túng khi Noriega tị nạn trong nhà thờ. Mỹ có thể mất mặt nếu Noriega được người của Giáo hoàng hộ tống tới nơi lưu vong một cách an toàn.

Vũ Long (tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Hết tù ở Mỹ lại đến tù ở Pháp