06:10 22/06/2011

Tướng Noriega - Đối tác và kẻ thù của Mỹ - Kỳ 3: Trăm phương ngàn kế nhằm loại bỏ Noriega

Theo Noriega, quan hệ giữa hai bên chỉ xấu đi từ tháng 12/1985, khi Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Poindexter trong một chuyến thăm Panama đã từ chối cử cố vấn quân sự người Panama sang với lực lượng Contra ở Nicaragoa do Mỹ dựng lên, một điều Mỹ không chấp nhận vì lý do chính trị.

Theo Noriega, quan hệ giữa hai bên chỉ xấu đi từ tháng 12/1985, khi Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Poindexter trong một chuyến thăm Panama đã từ chối cử cố vấn quân sự người Panama sang với lực lượng Contra ở Nicaragoa do Mỹ dựng lên, một điều Mỹ không chấp nhận vì lý do chính trị.

Mỹ muốn sử dụng Hội nghị Tổ chức các nước châu Mỹ để gây sức ép đòi Noriega từ chức, nhưng không xong.


Sau đó, mối quan hệ bằng hữu nhanh chóng suy giảm cho tới tháng 2/1988, Tướng Noriega bị hai tòa án Mỹ truy tố vì tội buôn bán ma túy. Họ cáo buộc Noriega tổ chức buôn lậu ma túy vào Mỹ và rửa tiền.

Ban đầu, những người hậu thuẫn Noriega ở Oasinhtơn muốn loại bỏ Noriega về mặt chính trị, người đã trở thành gánh nặng đối với họ. Nhưng họ đã đánh giá quá thấp Noriega. Theo gợi ý từ Oasinhtơn, tháng 2/1988, Tổng thống Panama Eric Delvalle đã đột ngột cách chức Tướng Noriega. Nhưng thay vì Noriega, chính Delvalle lại bị đổ.

Tổng thống Eric Delvalle định cách chức Noriega, nhưng chính ông lại bị lật đổ.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị cho Tướng Noriega được tự do thâm nhập những tài khoản của mình ở nước ngoài. Nhưng Noriega nghi ngờ cho rằng đây là một cái bẫy nên phớt lờ các nhà ngoại giao Mỹ. Ngay cả việc trừng phạt kinh tế, được ban hành sau khi Noriega bị truy tố, cũng không có tác dụng. Noriega vẫn tại chức mà chẳng thèm đếm xỉa gì tới Mỹ.

Trong năm 1989, Mỹ vội vã triệu tập một cuộc họp của Tổ chức các nước châu Mỹ ở Oasinhtơn, với biểu quyết 20/2 số phiếu coi Noriega là người gây ra mọi vấn đề của Panama - người đã gian lận trong bầu cử và phái tay chân hành hung ứng cử viên đối lập - qua đó gây áp lực đòi Noriega từ chức.

Nhưng Noriega không từ chức và đã từ lâu chứng tỏ rằng ông không nhân nhượng trước những áp lực ngoại giao và thất bại ngoại giao càng làm Mỹ bẽ mặt.

Bất chấp các kế hoạch loại bỏ phi bạo lực, Noriega vẫn đứng vững.


Khi chính quyền Bush phong tỏa không cho các tàu mang cờ của Panama vào các cảng của Mỹ, họ còn làm cho phe đối lập ở Panama chống lại họ. Cuối tháng 11 năm đó, thành viên Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Ricardo Arias Calderon đã cảnh báo "cảnh nghèo túng và thất nghiệp" sẽ là hậu quả của các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo ở Oasinhtơn đã nhận ra rằng loại bỏ được Noriega bằng con đường phi bạo lực, hoặc gần như phi bạo lực chẳng phải là điều đơn giản. Nhưng người ta sợ rằng nếu trực tiếp can thiệp bằng quân sự thì có thể làm cho cả Mỹ Latinh, từ Rio Grande tới Feuerland trở nên phẫn nộ đối với người Mỹ. Ngay cả nguy cơ rủi ro về mặt quân sự cũng khó lường trước. Trước đó, Noriega cũng đã cảnh báo đối với một vị khách Mỹ: "Chúng tôi chẳng phải là Grênađa". (Grênađa là một quốc đảo nhỏ nằm giữa Caribê và Đại Tây Dương, bị Mỹ cho quân nhảy vào lật đổ chính phủ cánh tả thân Cuba và Nicaragoa năm 1983).

Mặc dù tờ Thời báo Oasinhtơn cực kỳ bảo thủ cho rằng, đối với quân đội Mỹ thì việc đánh bại đám quân ô hợp của Noriega chỉ dễ như "ăn sáng", nhưng Lầu Năm góc một thời gian dài e sợ có một thảm bại quân sự với việc có tới 500 lính Mỹ thiệt mạng hoặc dân thường Mỹ bị bắt làm con tin ở vùng kênh đào.

Ban đầu, Lầu Năm góc muốn để việc loại bỏ nhà độc tài Panama cho CIA và những đối thủ của Noriega trong lực lượng vũ trang. Đã hai lần, vào tháng 3/1988 và tháng 10/1989, các sĩ quan Panama được phép thử lật đổ vị tướng bất kham, nhưng đều thất bại.

Cuộc thử nghiệm thứ hai đã làm Mỹ đặc biệt mất thể diện: Mặc dù Tổng thống Mỹ Bush đã công khai khích lệ lực lượng vũ trang Panama làm đảo chính chống Noriega, nhưng rốt cuộc Mỹ chẳng ủng hộ gì cho những kẻ đảo chính cả.

Trong Quốc hội cũng như trong các phương tiện truyền thông đã nổi lên những lời chỉ trích gay gắt, khi tin tức được tiết lộ cho thấy chính quyền Bush phản ứng thụ động như thế nào đối với cuộc đảo chính. Một ngày sau khi cuộc đảo chính bất thành, Bush hùng hổ đe dọa không cho phép Noriega "coi Mỹ và thế giới như những thằng ngốc".

Vì vậy, CIA lại được phép ra tay: Giữa tháng 11/1989, Bush bật đèn xanh cho cơ quan mật vụ thực hiện chiến dịch "Panama 5" để loại bỏ Noriega. Chiến dịch này được chi 3 triệu USD và lệnh cấm CIA sát hại các chính khách nước ngoài có hiệu lực từ năm 1976 được tạm thời dỡ bỏ với việc đặt Noriega ra ngoài vòng pháp luật, có nghĩa là các điệp viên CIA có quyền động thủ.

Tại Oasinhtơn, chẳng thấy ai lên tiếng chống lại chính sách sử dụng sức mạnh này. Ngược lại, đại đa số nóng lòng muốn lật đổ Noriega, thậm chí cả những người dân chủ tự do cũng không phản đối việc can thiệp quân sự, giống như khi siêu cường Mỹ đổ bộ lên quốc đảo Grênađa nhỏ xíu. Thượng nghị sĩ John Chafee thuộc đảng Cộng hòa nhận xét: "Đột nhiên, tất cả nghị viện đều là diều hâu!".

Sau đó, Bush đã sử dụng không khí ủng hộ trong nước để tấn công. Nhiều người Mỹ cho rằng việc các binh sĩ Panama bắn chết trung úy Mỹ Robert Paz đã làm cho ông ta hầu như không còn sự lựa chọn nào khác. 24.000 quân Mỹ hùng hổ tấn công lực lượng vũ trang của tướng Noriega.

Chính Mỹ là người có lỗi trong phần lớn sự việc không hay ho này. Trong một báo cáo do Tiểu ban phụ trách ma túy và khủng bố của Thượng viện công bố năm 1989, người ta cho rằng trong thời gian dài trên 20 năm, các chính phủ Mỹ đã biết về các hoạt động tội phạm của các sĩ quan Panama (trong đó có Noriega), nhưng hầu như không làm gì để kiềm chế hoặc chống lại. Khi ra làm chứng, McNeil đã mô tả là Noriega đã biết cách sử dụng các cơ quan mật vụ Mỹ chống lại nhau.

Vũ Long (tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ 4: Cuộc chiến tranh không cân sức của Mỹ chống Noriega