07:22 15/07/2012

“Tường lửa” của Nga có thể che chở cho cơ sở hạt nhân Iran

Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến tranh mạng do Mỹ tiến hành nhằm vào chương trình hạt nhân Iran chỉ vừa mới bắt đầu và có thể sẽ leo thang nhanh chóng, với các vụ nổ được gây ra bởi sự phá hoại bằng công nghệ kỹ thuật số này.

Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến tranh mạng do Mỹ tiến hành nhằm vào chương trình hạt nhân Iran chỉ vừa mới bắt đầu và có thể sẽ leo thang nhanh chóng, với các vụ nổ được gây ra bởi sự phá hoại bằng công nghệ kỹ thuật số này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, các tường lửa của Nga sẽ bảo vệ Têhêran trước các đòn tấn công tương tự như vụ virút "Stunext" thâm nhập hệ thống và làm gián đoạn các hoạt động làm giàu urani của Iran năm 2010.


 

Nhân viên an ninh canh gác tại cơ sở hạt nhân Bushehr nằm ở phía Tây Nam Iran. Ảnh: Internet

Giám đốc Viện Khoa học và Hòa bình Quốc tế, David Albright, cho rằng chương trình hạt nhân (của Iran) "thực sự không đủ sức chống chọi" với nhiều cuộc tấn công mạng và Iran sẽ phải nỗ lực rất nhiều để bảo vệ các hoạt động làm giàu urani trước các chương trình phá hoại. Ông nói: "Họ (Iran) phải mất tới một năm để phục hồi các thiệt hại. Loại virút này (Stunext) đã gây ra nhiều rắc rối bởi Têhêran không biết rõ thứ gì đang phá hoại mình. Có vẻ như sử dụng các phần mềm độc hại là cách hay nhất để cản trở chương trình hạt nhân mà Iran theo đuổi".


Các nhà phân tích cho rằng Mỹ - được cho là đã cùng với Ixraen "đạo diễn" chiến dịch sử dụng virút Stuxnet để phá hoại Iran - đang tích cực thúc đẩy một chiến dịch mới sử dụng công nghệ số nhằm làm tiêu tan tham vọng hạt nhân của Iran.


Cuộc tấn công tiếp theo có thể sẽ được kết hợp với các hoạt động gián điệp truyền thống như tiến hành tắt các van (trong lò phản ứng) hoặc làm sai lệch vị trí các thiết bị và gây ra các vụ nổ tại khu vực nhạy cảm. Trao đổi với AFP, Albright nói: "Tôi cho rằng cuộc tấn công tiếp theo sẽ mạnh mẽ hơn, và sẽ có thêm nhiều cơ sở hạt nhân của Iran bị 'thổi bay'". Tháng 11/2011, một vụ nổ lớn tại nhà máy chế tạo tên lửa của Iran đã làm dấy lên các nghi ngờ về khả năng nhà máy này đã bị phá hoại ngầm.


Nhà nghiên cứu kỹ thuật David Lindahl tại Cục Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển nhận định: "Có thể họ sẽ bí mật cài gián điệp vào các khu vực nhạy cảm, làm thay đổi hệ thống, rồi sau đó mới sử dụng các phần mềm độc hại để kích hoạt tấn công". Chuyên gia Lindahl cũng cho rằng các kế hoạch này có thể bao gồm việc cài đặt các con chíp nhiễm virút vào hệ thống - được thực hiện bởi các mật vụ hoặc các nhân viên bị mua chuộc, hoặc tiến hành thâm nhập các chương trình chuyên dụng dùng để đo độ làm giàu urani hoặc các quy trình khác.


Tuy nhiên, một số chuyên gia an ninh mạng đang tính đến khả năng các "tường lửa" của Nga sẽ bảo vệ Iran trước các cuộc tấn công mạng, và thậm chí có thể giúp Têhêran truy tìm máy chủ tạo ra Stunext. Nhà nghiên cứu cấp cao James Lewis của Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu nhận định: "Chúng ta đã sơ suất khi không tính đến sự trợ giúp của Nga trong vấn đề này. Tự bản thân Iran không thể giải quyết vấn đề".


Stuxnet là một loại virút máy tính khá tinh vi, được lập trình để tấn công vào các thiết bị được gọi là "ổ đĩa chuyển đổi tần số". Stuxnet mang theo các mã độc hại, sẽ làm rối loạn tần số của hệ thống các máy ly tâm làm giàu urani. Đồng thời, loại virút máy tính này sẽ cướp quyền điều khiển và gửi các tín hiệu giả mạo về trung tâm điều khiển cho biết hệ thống vẫn hoạt động bình thường. Sau khi được phát hiện năm 2010, Têhêran đã phải loại bỏ ít nhất 1.000 máy ly tâm. Các nhà phân tích ước tính rằng chương trình hạt nhân của Iran đã bị gián đoạn ít nhất là một năm.


Cùng với việc mở rộng chiến tranh mạng, Mỹ đang tích cực tiến hành các hành động trả đũa và trừng phạt Iran. Các quan chức Mỹ cũng nhận thức rõ những mạo hiểm về khả năng bùng phát xung đột và nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu một cuộc chiến tranh toàn diện với Iran nổ ra. Lewis cho rằng không kích Iran "sẽ làm bùng nổ trong khu vực và có thể dẫn tới một cuộc xung đột với Iran. Tình hình sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Chiến tranh mạng là lựa chọn có vẻ an toàn hơn".


Theo Lewis, mặc dù các quan chức giấu tên cho biết Mỹ và Ixraen đứng đằng sau các chiến dịch tấn công mạng, song không giống như các cuộc tấn công quân sự, những người thực hiện chiến tranh mạng có thể "phủi tay" trách nhiệm dễ dàng hơn.


Cố vấn Sean McGurk, phụ trách vấn đề an ninh mạng tại Ban An ninh Nội địa cho rằng virút Stuxnet đã đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực đột nhập các phần mềm kiểm soát nhà máy điện, hoặc các hệ thống công nghiệp lớn khác. Ông nói: "Virút Stuxnet có khả năng đột nhập và từng bước phá hủy hệ thống. Đó là điều khiến loại virút này trở nên đặc biệt". Loại virút này cũng đặc biệt ở chỗ nó có khả năng xác định mục tiêu cụ thể và gạt bỏ các chương trình không liên quan.


TTK