05:00 17/05/2011

Tương lai Xinhgapo sau khi ông Lý Quang Diệu rút khỏi nội các

Các nhà phân tích cho rằng quyết định của ông Lý Quang Diệu, 88 tuổi, người sáng lập nước Cộng hòa Xinhgapo và đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền -rút khỏi nội các của con trai là Thủ tướng Lý Hiển Long, có thể mở đường cho công cuộc cải tổ tại Xinhgapo.

Các nhà phân tích cho rằng quyết định của ông Lý Quang Diệu, 88 tuổi, người sáng lập nước Cộng hòa Xinhgapo và đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền -rút khỏi nội các của con trai là Thủ tướng Lý Hiển Long, có thể mở đường cho công cuộc cải tổ tại Xinhgapo.

Thủ tướng sáng lập nước Cộng hòa Singapore Lý Quang Diệu. (Nguồn: Reuters)

Trong một tuyên bố chung đưa ra ngày 14/5, ông Lý Quang Diệu cho biết sẽ từ chức bộ trưởng cố vấn trong nội các nước này, đồng thời cho biết muốn trao cơ hội cho thế hệ trẻ. Theo tuyên bố này, cựu Thủ tướng thứ hai của Xinhgapo, ông Goh Chok Tong, 70 tuổi, cũng sẽ rút khỏi nội các và nghỉ hưu. Tuyên bố đầy bất ngờ trên được đưa ra một tuần sau khi phe đối lập ở Xinhgapo đạt được bước đột phá quan trọng trong cuộc bầu cử ngày 7/5, khiến PAP cầm quyền phải nhận kết quả bầu cử tồi tệ nhất kể từ khi nước này giành được độc lập năm 1965. Tại cuộc bầu cử ngày 7/5, PAP chỉ giành được 60% số phiếu, giảm so với 67% số phiếu bầu năm 2006 và 75% năm 2001. Đảng Lao động giành được 6 ghế - con số nhiều nhất mà một đảng đối lập giành được kể từ năm 1965 đến nay.

Trong tuyên bố chung, ông Lý Quang Diệu và ông Goh Chok Tong nói: "Thủ tướng hiện nay và nhóm làm việc của ông ta nên có sự khởi đầu mới. Đã đến lúc thế hệ trẻ hơn lên gánh vác, đưa Xinhgapo tiến lên trong tình hình phức tạp và khó khăn hơn hiện nay".

Bridget Welsh, Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Quản lý Xinhgapo nhận định: "Quyết định này của ông Lý Quang Diệu phản ánh bước quan trọng đầu tiên hướng tới công cuộc cải tổ PAP, một bước chuyển đổi mang tính thế hệ". Trong khi đó, phó giáo sư Eugene Tan của Đại học Quản lý Xinhgapo cũng có quan điểm tương tự như trên khi cho rằng động thái này là một "bước đột phá so với trước đây".

Theo thông tín viên Carrie Nooten tại Xinhgapo, với quyết định rút khỏi chính trường, ông Lý Quang Diệu và ban lãnh đạo Xinhgapo quả thực đã biết lắng nghe tiếng nói của người dân và thích nghi với bước chuyển mới, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời sống chính trị của đảo quốc này. Việc này cũng khiến người dân Xinhgapo cảm giác là chính quyền lắng nghe lời phản đối của họ thông qua cuộc bầu cử vừa qua.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, chắc chắn rằng những chính sách của ông Lý, vốn đã đem lại cho Xinhgapo mức tăng trưởng kinh tế vũ bão và một vị trí trong bảng xếp hạng những quốc gia giàu nhất thế giới, sẽ tiếp tục dẫn dắt quốc đảo này trong các thập niên tới. Bất kỳ sự thay đổi nào (nếu có) cũng chỉ là rất nhỏ. Phó Giáo sư Tan cho rằng sẽ có thay đổi về cách thức chính phủ phổ biến và thực thi chính sách.

Các nhà bình luận khác cho rằng, một số tuyên bố của ông Lý Quang Diệu đã khiến PAP mất phiếu bầu trong cuộc bầu cử ngày 7/5. Phát biểu tại một chiến dịch vận động tranh cử hai tuần trước, ông Lý Quang Diệu đã đe rằng cử tri sẽ phải "hối hận" nếu bỏ phiếu cho phe đối lập, khiến một bộ phận không nhỏ dân chúng bất bình và càng làm gia tăng thêm tâm lý bực tức đối với chính quyền. Lần đầu tiên trong 50 năm qua, người Xinhgapo đã dám chỉ trích công khai, phần đông là trên Internet, vị “Bộ trưởng Cố vấn” rất được tôn sùng này.

TTK