05:17 28/05/2020

Tương lai OPEC sau 'bão' COVID-19

Ở thời điểm này, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang đối mặt với sóng gió bởi nhu cầu về dầu giảm mạnh do dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Logo của OPEC tại trụ sở tổ chức này ở Vienna (Áo). Ảnh: Reuters 

Trong lịch sử 60 năm thành lập, các nhà phân tích từng coi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã “chết về mặt chức năng” một vài lần.

Lần gần đây nhất là năm 2014 khi giá dầu giảm mạnh do cung từ Mỹ đã vượt cầu và OPEC từ bỏ nỗ lực tăng giá. Đến năm 2016, các thành viên OPEC cùng thành lập OPEC+ liên minh với Nga và một số nhà sản xuất khác ngoài OPEC để tăng thị phần và tầm ảnh hưởng đến thị trường.

Khi dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) chưa được chú ý đúng mức trên toàn cầu, OPEC+ từng tổ chức một cuộc họp để bàn luận cách phản ứng nhanh chóng trước nhu cầu tăng chậm tại Trung Quốc và có thể gây tổn hại đến thị trường dầu mỏ trong quý thứ hai năm nay.

Bà Sarah Ladislaw tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định chưa có dấu hiệu kết thúc tình trạng nhu cầu dầu mỏ sụt giảm, dù nhiều nền kinh tế đang tái khởi động khi dịch COVID-19 hạ nhiệt. Trong khi đó, nguồn cung vẫn duy trì, dẫn đến tình trạng các kho tích trữ tiếp tục bị đầy và quá tải một thời gian nữa. Theo bà Ladislaw, sản xuất dầu mỏ sẽ tạm dừng trong một vài tháng tới.

Ngoài ra, còn xảy ra cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia, hai trong số các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nga ngày 6/3 đã không ủng hộ kế hoạch của OPEC về việc giảm sản lượng khai thác dầu mỏ ở thời điểm nhu cầu “vàng đen” giảm do dịch COVID-19.

Saudi Arabia đáp trả bằng việc giảm giá dầu và cam kết tăng sản lượng từ 9,7 triệu thùng/ngày lên 12 triệu thùng/ngày. Trên thực tế, Saudi Arabia và Nga là hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu đến thị trường khổng lồ Trung Quốc.

Vậy điều này có ý nghĩa gì với OPEC và cuộc chiến giá dầu sẽ kết thúc vào thời điểm nào?

Có 2 giả thiết chính. Đầu tiên là OPEC+ thất bại vì khó có khả năng Nga và Saudi Arabia hòa giải. Và với tình trạng thị trường hiện nay, việc OPEC đi đến thỏa thuận về nguồn cung cũng khó khả thi. Saudi Arabia đã đi theo chiến thuật năng lượng mới khi cho rằng dầu mỏ là thị trường đang sụt giảm và bây giờ là thời điểm giành được càng nhiều thị phần càng tốt để tiền tệ hóa tài sản dầu mỏ trước khi “vàng đen” giảm giá trị với kinh tế toàn cầu.

Giả thiết thứ hai là OPEC có thêm thành viên mới là Mỹ. Tuy nhiên, chưa từng có ý kiến nào thực sự đề xuất Mỹ là thành viên chính thức của OPEC. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gợi ý rằng giá dầu thấp lại đem lại điều tốt lành cho nền kinh tế Mỹ.

Tổng thống Trump cũng ngỏ ý rằng Nhà Trắng sẵn sàng sử dụng phương thức ngoại giao để can thiệp vào cuộc chiến giá dầu. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng công khai thúc giục Saudi Arabia "thể hiện trách nhiệm" vì sự ổn định thị trường dầu mỏ.

Hai tháng tới được dự đoán sẽ rất u ám với ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt thế giới. Các nhà phân tích dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm từ 12-20 triệu thùng/ngày. Ngay cả khi lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19 được nới lỏng thì hồi phục kinh tế cũng không thể diễn ra trong "một sớm, một chiều".

Vai trò của OPEC hiện nay là định hướng về ổn định dài hạn đối với các quốc gia thành viên. Trên thực tế, nhiều quốc gia thành viên OPEC phải chịu đựng tình trạng giá dầu thấp trong một thời gian và điều này có thể ảnh hưởng đến họ trong tương lai. Điều xảy ra với thị trường vài năm tới có thể tác động đến vai trò của OPEC.

Hà Linh/Báo Tin tức