08:08 26/08/2011

Tương lai mờ mịt

Khi phe đối lập ở Libi hùng hồn tuyên bố "chiến thắng", chiến sự ở quốc gia Bắc Phi này có vẻ như sắp đi đến hồi kết. Nhưng cái gọi là "chiến thắng" ấy có đồng nghĩa với việc đem lại hòa bình, ổn định cho Libi hay không? Tương lai Libi chắc chắn còn mờ mịt cho dù khói súng có tan.

Khi phe đối lập ở Libi hùng hồn tuyên bố "chiến thắng", chiến sự ở quốc gia Bắc Phi này có vẻ như sắp đi đến hồi kết. Nhưng cái gọi là "chiến thắng" ấy có đồng nghĩa với việc đem lại hòa bình, ổn định cho Libi hay không? Tương lai Libi chắc chắn còn mờ mịt cho dù khói súng có tan.

Phải chăng là quá sớm khi nói về “chiến thắng”? Súng vẫn nổ tại nhiều nơi ở Tripôli, thậm chí người đứng đầu Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) của phe đối lập Libi đã phải thừa nhận vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn thủ đô. Không chỉ vậy, các nguồn tin tình báo và quân sự Mỹ đã phải thừa nhận chưa thể xác minh phe nào đang kiểm soát các kho vũ khí của chính phủ Libi, từ 10 tấn khí độc và các nguyên liệu hạt nhân thô cho tới khoảng 30.000 quả rốckét vác vai có thể tiêu diệt máy bay, một lượng vũ khí đủ để phương Tây và phe đối lập Libi đứng ngồi không yên nếu nằm trong tay của lực lượng trung thành với ông Kadhafi. Hơn nữa, có vẻ như ông Kahdafi đã chuẩn bị tinh thần bước vào cuộc "kháng chiến trường kỳ".

Tiếp theo là sự tiếp quản quyền lực của phe đối lập, điều mà giới phân tích dự đoán là thách thức lớn nhất cho sự ổn định và hòa bình của Libi thời hậu Kadhafi. Lực lượng đối lập, mà đại diện là NTC, thực chất chỉ là một tập hợp vội vàng từ nhiều nhóm với một mục tiêu chung là "lật đổ Kadhafi", không có tiềm lực quân sự và cũng không có tổ chức. Vì thế, chẳng có gì đảm bảo rằng tập hợp này sẽ tiếp tục cùng một chiến hào sau khi "mục tiêu chung" đã được thực hiện. Bên cạnh đó, phe đối lập còn đối mặt với một thách thức lớn trong việc xây dựng thể chế nhà nước. Và khi chưa có một nhân vật hay một tổ chức nào đủ uy tín để đứng lên xây dựng nhà nước, nhiều khả năng đạo Hồi sẽ quay trở lại chính trường Libi vì với đa số tín đồ Hồi giáo, người dân nước này sẽ dễ dàng ủng hộ việc dùng đạo Hồi làm nền tảng chủ chốt của thể chế nhà nước tương lai.

Cuối cùng là cuộc tranh giành giữa các nước về quyền tiếp cận dầu mỏ, nguồn tài nguyên quan trọng nhất ở Libi. Các nhà phân tích lo ngại cuộc tranh giành này cũng có nguy cơ nhuốm mùi súng đạn vì mỗi nước với toan tính tìm "một đại diện" cho mình tại Libi, có thể sẽ hỗ trợ, thậm chí viện trợ quân sự cho một phe nhóm và đây có thể là mồi lửa cho một cuộc nội chiến mới.

Những ngày qua, khi các phương tiện truyền thông thế giới dồn dập đưa về một “thời đại Kadhafi đang đi đến hồi kết”, thì kèm theo đó, cũng chính giới truyền thông đã cảnh báo rằng hồi kết đó không đồng nghĩa với sự kết thúc của bạo loạn, mà có thể là sự khởi đầu của một cuộc tranh giành mới trên phạm vi rộng lớn hơn, bao trùm nhiều lĩnh vực hơn, vì thế phức tạp hơn. Libi đang đứng trước ngã ba đường. Liệu người dân Libi, sau hơn bốn tháng tang tóc và loạn lạc, có tiếp tục phải trả giá cho các toan tính chính trị khi đất nước vẫn tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ trượt vào một giai đoạn khủng hoảng mới?

Cẩm Tuyến