04:11 30/04/2020

Tuổi trẻ Sài Gòn-Gia Định khởi nghĩa trong nội thành-Bài cuối: Nơi phất cờ đầu tiên

Khu vực Bà Quẹo gồm ấp Tân Kỳ, Tân Phú, Tân Hương và Tân Thái Sơn là một trong 5 điểm khởi nghĩa của Thành đoàn Sài Gòn–Gia Định trong những ngày cuối tháng 4/1975, với lực lượng nòng cốt là thanh niên công nhân lao động và học sinh Công giáo.

Chú thích ảnh
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, bà Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy các trường đại học và trung học trọng điểm khu Sài Gòn – Gia Định) và ông Hoàng Đôn Nhật Tân (tức Sáu Triều, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ - bên phải) trao đổi với phóng viên TTXVN. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đặc biệt, tại Nhà thờ Nhơn Hòa - Tân Kỳ (nay là Giáo xứ Nhơn Hòa, số 45 đường Hồ Đắc Di, phường Tân Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những điểm cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đầu tiên ở khu vực Sài Gòn – Gia Định.

Chuẩn bị cùng đồng bào Công giáo

Theo chú Hoàng Đôn Nhật Tân (tức Sáu Triều, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ), tại thời điểm đó, địch xác định khu vực Bà Quẹo là "cánh cửa thép" sẽ khiến bộ đội giải phóng không thế tiếp cận, áp sát được. Đây cũng chính là vành đai phía Tây Nam của sân bay Tân Sơn Nhất, là "lá chắn sống" của trung tâm Sài Gòn lúc bấy giờ. “Một người lạ lảng vảng ở khu vực này rất dễ bị phát hiện và bị bắt. Tuy nhiên, nhờ có Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nên các cha xứ, lớp người tiến bộ thấy được con đường đi chung là tôn giáo hòa hợp và việc cần làm là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, chú Sáu Triều khẳng định.

Trong đó, nhà thờ Nhơn Hòa - Tân Kỳ đứng đầu bởi Linh mục chánh xứ Nguyễn Thiện Toàn, một trong những người có tinh thần yêu nước, tiến bộ và từng làm Tuyên úy Đoàn Nữ sinh Công giáo Gia Long, phong trào Thanh-Lao-Công từ năm 1964 và vẫn thường xuyên kín đáo hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh của thanh niên-sinh viên-học sinh. “Cho nên, nhà thờ Nhơn Hòa và nhà xứ được chọn làm điểm ém quân và cũng là nơi cất giấu phương tiện in ấn tài liệu, vải may cờ, lương thực thực phẩm, thuốc men và vũ khí… để chuẩn bị cho ngày giải phóng”, chú Sáu Triều chia sẻ.      

Từng chỉ huy chung 5 điểm khởi nghĩa của Thành đoàn, cô Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm) cho biết, mũi Bà Quẹo được triển khai ra nhiều điểm ở các ấp thuộc xã Tân Sơn Nhì (lúc đó thuộc quận Tân Bình). Lực lượng nòng cốt chuẩn bị cho việc nổi dậy gồm các gia đình, thanh niên Công giáo tại chỗ đã được gây dựng thành cơ sở cách mạng, còn lại là thanh niên-sinh viên-học sinh đấu tranh tăng cường từ nội thành tập trung về đây.

Ban chỉ đạo khởi nghĩa Thành đoàn quyết định chọn nơi có đông đồng bào Công giáo ở Tân Kỳ-Bà Quẹo để vận động quần chúng nổi dậy giành chính quyền là do đã gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng nơi đây, giao cho anh Phan Công Trình cùng Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Xuân Phổ thành lập Ban Chỉ huy khởi nghĩa ở điểm này.

Cùng với Tân Kỳ, tham gia nổi dậy còn có đông đảo người dân và đồng bào công giáo Tân Phú, Tân Hương, Tân Thái Sơn, nhóm hoạt động dưới danh nghĩa Cơ quan xã hội Quốc tế mở điểm cứu thương, làm nơi cứu trợ và một lực lượng không nhỏ là lính đào ngũ, thanh niên trốn lính trở về với gia đình…

Cô Tư Liêm hào hứng kể lại: Trong quá trình hoạt động, các đơn vị đã chuyển một máy in ronéo về Tân Hương, đặt dưới hầm bí mật do ông Chín Trung đào. Từ đây, máy ronéo liên tục in truyền đơn phục vụ cho các điểm nổi dậy, in “Lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời quận Tân Bình, huyện ủy Phú Tân Sơn” (địa danh cách mạng đặt cho vùng này thời kháng chiến). Căn nhà của mẹ chị Đặng Thị Thân là nơi tổ chức các lớp dạy may cờ Mặt trận Giải phóng. Sau khi may xong, những lá cờ được giấu trong bao và cho vào ruột gối chuyển cho các điểm Tân Hương, Tân Thới Sơn rồi phân phát cho đồng bào công giáo cất giấu, chờ ngày nổi dậy…

Vào trận từ rạng sáng 30/4

Theo lời chú Sáu Triều, sáng 29/4/1975, Trung đội địa phương quân chính quyền Sài Gòn canh gác nhà máy điện Bà Quẹo rã ngũ, giao nộp vũ khí cho tổ Tân kỳ. Tình thế mỗi lúc một căng thẳng, tiếng súng, tiếng pháo mỗi lúc một gần hơn, mọi người sẵn sàng nổi dậy, hồi hộp chờ hiệu lệnh. Địch từ vành đai xa lộ Đại Hàn co cụm sát vào nhà dân để “tử thủ”.

Chiều xuống, đường liên lạc giữa mũi xung kích ở Tân Kỳ với Ban Chỉ huy khởi nghĩa ở Tân Hương bị cắt đứt. Đến 20 giờ ngày 29/4, các đơn vị trinh sát của quân giải phóng đã thấp thoáng xuất hiện trên địa bàn, Ban Chỉ huy khởi nghĩa quyết định ngay rạng sáng 30/4, các bộ phận đồng loạt tổ chức nổi dậy không cần chờ đoàn quân giải phóng.

Đúng 0 giờ ngày 30/4, ngay sau loạt đại bác cuối cùng báo lệnh tiến công vào nội thành chấm dứt, từ nhà Linh mục chánh xứ Nhơn Hòa Nguyễn Thiện Toàn, nơi đóng chốt của tổ xung kích, tiếng loa phát liên tục “Lời kêu gọi của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, của Ủy ban nhân dân cách mạng Lâm thời quận Tân Bình-Huyện ủy Phú Tân Sơn”.

Chú thích ảnh
Chú Hoàng Đôn Nhật Tân (tức Sáu Triều, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ), Cô Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy các trường đại học và trung học trọng điểm khu Sài Gòn – Gia Định) với phóng viên TTXVN. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Chú Sáu Triều bồi hồi nhớ lại: "Lúc bấy giờ, tổ các má, tổ dạy may, tổ buôn rau, tổ trốn lính tung ra, rải truyền đơn, treo cờ Mặt trận Giải phóng, phát loa kêu gọi đồng bào nổi dậy diệt ác phá kiềm, kêu gọi binh lính bỏ súng đầu hàng. Các anh Thanh, Lý, Xé, chị Lan, cô Tuyết, cô Quân thoăn thoắt treo cờ Mặt trận Giải phóng ở trụ sở xã Tân Nhì, chợ Bà Quẹo, trường Đặng Trần Côn. Trong đó, lá cờ hơn 2m do anh Thanh treo trên điểm cao nhất tại tháp nước của nhà máy điện Bà Quẹo phất phới tung bay từ đêm 29, rạng sáng 30/4. Đó cũng là thời điểm đám lính dù chốt chặn ở bến xe ô-tô buýt xanh rút chạy. Cánh biệt động K7 ém quân bí mật nơi đây cũng tiếp sức với lực lượng nổi dậy, đến 5 giờ sáng hợp lực với đơn vị bộ đội giải phóng quân tiền tiêu tiến vào Sài Gòn".

Tại Tân Hương, ngay khi trời sáng, anh Nguyễn Văn Ngọc và Đinh Bùi Chư liên hệ Linh mục quản xứ người Pháp mượn loa phóng thanh của nhà thờ Tân Hương phát thanh lệnh khởi nghĩa từ 8 giờ.

Chú Sáu Triều nhớ lại, tiếng loa phát thanh từ nhà thờ Tân Hương đã vang khắp một vùng rộng lớn, kêu gọi nhân dân, đồng bào vùng dậy giành chính quyền, treo cờ, căng biểu ngữ. Đến 9 giờ, Đoàn thanh niên, quần chúng Tân Phú-Tân Hương-Tân Thái Sơn-Tân Kỳ-Bà Quẹo tràn ra khắp phố phường, đón mừng chiếc xe tăng đầu tiên của bộ đội quân giải phóng tiến vào Sài Gòn; đến 11 giờ 30, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng…

Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, căng thẳng, sôi sục, giờ đây cô Tư Liêm, chú Sáu Triều cùng những đồng đội Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định năm xưa tóc đã bạc, mắt đã mờ. Thế hệ đoàn thanh niên Sài Gòn-Gia Định năm xưa vẫn nhớ như in những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 45 năm.

Chú Sáu Triều kể: "Trong ngày vui rộn ràng mừng chiến thắng có đồng bào Công giáo ở đây nói: Tưởng Cộng Sản là ai chớ, té ra cũng là mấy cô, mấy cậu… Vì mới hôm trước, anh em còn đem đến cho khu xóm những bài ca, lớp học, lon gạo nghĩa tình... vậy mà bây giờ đứng lên phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền".

Âm mưu của quân địch muốn dùng đồng bào khu vực Bà Quẹo-Tân Kỳ, Tân Phú, Tân Hương, Tân Thái Sơn làm lá chắn cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn không thành. Ngược lại, đồng bào Công giáo nơi đây không chỉ che giấu đùm bọc cán bộ Thành đoàn, Ban Chỉ huy khởi nghĩa, mà còn tích cực tham gia chung sức, cùng với đồng bào địa phương giành lại chính quyền từ rất sớm. Chú Sáu Triều khẳng định: “Đó chính là kế thừa truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc của các thế hệ cha anh đi trước, là tinh thần yêu nước nồng nàn trong các thế hệ thanh niên và trong mỗi con người Việt Nam”.

Thanh Vũ - Thành Chung (TTXVN)