05:15 12/05/2020

Từng bước gỡ khó trong phát triển đảng viên nữ ở vùng cao Bát Xát 

Đảng bộ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã có nhiều nỗ lực phát triển đảng viên ở những địa bàn vùng cao, nhất là các đảng viên nữ.

Tuy nhiên, công tác này gặp rất nhiều khó khăn do ở nhiều khu vực của địa phương vẫn còn tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm và tư tưởng trọng nam khinh nữ với quan điểm phụ nữ sau khi lập gia đình an phận ở nhà chăm sóc gia đình không tham gia các hoạt động xã hội. 

Chú thích ảnh
Nữ đảng viên cơ sở phát huy vai trò trong lãnh đạo phát triển kinh tế. Ảnh: baolaocai.vn

Bà Giàng Thị Dung, Bí thư Huyện ủy Bát Xát cho biết, Bát Xát là huyện vùng cao, biên giới với nhiều dân tộc, địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều. Trước đây, việc phát triển Đảng, nhất là đảng viên nữ nông thôn đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều chi bộ không phát triển được đảng viên mới.

Để khắc phục khó khăn và đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc, Huyện ủy đã xây dựng đề án về “Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giai đoạn 2016 - 2020”. Đồng thời, Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nội dung Đề án phù hợp với từng địa phương, đơn vị; ban hành và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ trực thuộc đảng ủy các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020.

Hàng năm, Ban Tổ chức Huyện ủy triển khai Kế hoạch phát triển đảng viên, phát triển chi ủy chi bộ, chú trọng phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số, nữ đảng viên người dân tộc thiểu số; tập trung tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là đảng viên là người dân tộc thiểu số, nữ dân tộc ở thôn bản. 

Cùng với đó, Huyện ủy Bát Xát còn xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, kế hoạch phát triển chi ủy chi bộ cụ thể từng đảng bộ về kết nạp đảng viên, kết nạp đảng viên thôn bản, đảng viên nữ dân tộc, phát triển chi ủy chi bộ đối với từng đảng bộ cơ sở. Huyện ủy chỉ đạo các tổ chức đoàn thể cơ sở tập trung tạo nguồn từ cán bộ đoàn viên, hội viên, cán bộ giáo viên, lực lượng dân quân du kích, lực lượng Công an viên... Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng tại huyện hoặc trung tâm cụm xã; các lớp bồi dưỡng riêng cho cán bộ giáo viên; lớp bồi dưỡng riêng cho dân quân tự vệ; lớp bồi dưỡng riêng cho quần chúng vùng cao... Nội dung bài giảng biên soạn phù hợp với đặc điểm đối tượng cảm tình Đảng, chú trọng các đối tượng người dân tộc thiểu số vùng cao, nữ dân tộc thiểu số để tạo nguồn quần chúng cho các đơn vị. Từ năm 2015-2019, Trung tâm đã mở được 26 lớp đạt 108,3% kế hoạch giao.

Cùng với đó, huyện Bát Xát đã gắn công tác tổ chức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh với nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, nâng cao chất lượng cán bộ cấp ủy các cấp đặc biệt là bí thư chi bộ, đảng bộ. Huyện tập trung rà soát, tạo nguồn quần chúng ưu tú, nhất là quần chúng nữ dân tộc, dân tộc ít người để bồi dưỡng, giáo dục, giới thiệu cho Đảng; chú trọng phát triển đảng viên ở những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, những thôn bản có ít đảng viên để không ngừng củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với từng cơ sở.

Nhằm đẩy mạnh phát triển đảng viên nữ, huyện đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ các xã, thị trấn làm tốt công tác tạo nguồn quần chúng ưu tú tại thôn để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng, thẩm định những quần chúng ưu tú đã được bồi dưỡng cảm tình Đảng vào kế hoạch để bồi dưỡng kết nạp, lựa chọn quần chúng ưu tú là người dân tộc thiểu số, nhất là nữ dân tộc để bồi dưỡng kết nạp Đảng. 

Nhờ vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp sáng tạo, công tác phát triển Đảng ở huyện vùng cao, biên giới Bát Xát đã có nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng 4/2020, Đảng bộ huyện Bát Xát có 59 tổ chức cơ sở đảng; trong đó có 26 đảng bộ cơ sở, 33 chi bộ cơ sở và 280 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở (gồm 182 chi bộ thôn, tổ dân phố; 01 Chi bộ công an thị trấn; 56 chi bộ trường học; 18 chi bộ trạm y tế; 23 chi bộ trực thuộc các đảng bộ cơ quan).

Hiện nay, toàn Đảng bộ huyện có 4.056 đảng viên, trong đó, 1.347 đảng viên nữ ( chiếm 33,21%), đảng viên nữ là người dân tộc có 480 người. Một số đơn vị làm tốt công tác kết nạp đảng viên nữ dân tộc ở những địa bàn vùng cao trong thời gian qua như Trung Lèng Hồ, Dền Thàng, Mường Hum, Cốc Mỳ, Trịnh Tường.

Cũng theo bà Giàng Thị Dung, việc kết nạp đảng viên nữ dân tộc là nguồn cán bộ kế cận cho công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ ở các xã trong huyện. Công tác quy hoạch cán bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 được quan tâm nhất là cán bộ nữ, cán bộ nữ dân tộc. Trong nhiệm kỳ đã bổ sung quy hoạch 58 đồng chí cán bộ nữ dân tộc chiếm 36% đảng viên nữ mới kết nạp tại thôn bản. Trong tổng số 69 cán bộ quy hoạch cấp huyện có 40 người thuộc dân tộc thiểu số, chủ yếu ở những địa bàn vùng cao, chiếm gần 58%, trong đó nữ có 7 người, chiếm 10,1%. Đối với quy hoạch cấp xã, đảng viên là người dân tộc có 286/468, chiếm 61%, trong đó nữ có 58 người, chiếm 12,4%.

Đặc biệt, việc kết nạp đảng viên nữ dân tộc đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc về sự tiến bộ của phụ nữ. Việc kết nạp thêm nhiều đảng viên nữ người dân tộc đã tác động mạnh mẽ đến công tác tuyên truyền cải tạo tập quán lạc hậu như phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, kế hoạch hóa gia đình, sinh con tại cơ sở y tế…và làm thay đổi được tư tưởng trọng nam khinh nữ trong tư tưởng của nhân dân các dân tộc vùng cao.

Cùng với đó, nhiều phong trào ở cơ sở, các hoạt động ở các địa bàn vùng cao có sự tham gia tích cực của các đảng viên nữ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi kinh tế, xã hội ở địa phương.

Hồng Ninh (TTXVN)