08:00 30/08/2012

Tục lệ cúng rằm tháng bảy

Những ngày này phố phường mưa nhiều, dân tình bảo cũng không có gì lạ khi đã sắp tới rằm tháng bảy. Rằm tháng bảy nên nhà nào cúng rằm cũng dễ biết ngay.

Những ngày này phố phường mưa nhiều, dân tình bảo cũng không có gì lạ khi đã sắp tới rằm tháng bảy. Rằm tháng bảy nên nhà nào cúng rằm cũng dễ biết ngay. Một mâm cúng chúng sinh ngoài cửa với cháo thí, khoai, sắn, ngô, cộng thêm với cơ man nào là bỏng các loại xanh đỏ, rồi bánh đa bẻ nhỏ.

 

Mâm cỗ chúng sinh không thể thiếu trong ngày cúng rằm tháng bảy.

 Và, những chiếc chậu, những chiếc lò đốt vàng mã thật to cũng được khuân ra ngoài phố. Vì làm sao có thể đốt được ông ngựa lớn như thế, bộ thần linh, bộ chúa đất… tỉ mỉ nhiều phụ kiện trong chiếc chậu đốt vàng mã nhỏ được, cũng không thể đốt trong nhà, vì lửa bùng bùng lên, táp vào tường, không thấy yên tâm chút nào…

 

Rằm tháng bảy, không khí thật là chộn rộn. Các bà, các chị nhẩm tính xem ngày nào nên làm lễ ở nhà, rồi ngày nào nên đi chùa. Không cố định phải mười tư, mười rằm như những rằm khác, rằm tháng bảy bắt đầu cúng từ mùng mười đổ ra. Năm nay, do mùng mười rơi trúng chủ nhật, nên lại càng nhiều nhà cúng trước. Cúng rằm bao giờ cũng phải là hoa, quả, bánh trái, xôi, giò… hoặc sang thì con gà ngậm bông hoa hồng. Nhưng lỉnh kỉnh và “la ghim” nhất phải là rằm tháng bảy. Bởi với ý nghĩa của ngày rằm “Xá tội vong nhân”, ngày mở cửa ngục cho các cô hồn đi ăn xin… sau cả 1 năm đói khát; không nhà nào có thể cúng đơn giản được. Cũng là cái hay cho con trẻ khi thấy những món ăn vặt của mình được bày trên mâm cỗ cúng, trang trọng và ý nghĩa làm sao.


Cúng rằm tháng bảy như đã liệt kê, không thể quên cháo thí, xôi chè. Cháo thí đúng kiểu thì phải nấu thật loãng, rồi đổ lên những chiếc lá đa. Đúng như câu khấn “Sống thì nhờ miếng cơm, tấm áo. Thác lại nhờ hớp cháo lá đa”. Cháo lá đa ấy dành cho những cô hồn không nơi nương tựa khi còn sống, thác cũng chả có ai cúng hàng tháng… trở thành ma đói. Cả năm, mới có một lần là rằm tháng bảy, được mở cửa ngục, đi xin ăn. Và xôi, thì cũng phải nắm thành từng nắm “chim chim”, càng nhỏ càng tốt, càng nhiều càng tốt, để các cô hồn có thể đủ suất, không tranh cướp nhau. Ngoài ra, là sắn, khoai, ngô, bánh đa, bỏng. Thêm đĩa gạo, đĩa muối sẽ được tung vào cuối buổi cúng, như một cách tiễn người âm đi…

 

Cùng với những bộ quần áo được hàng mã làm riêng cho cúng chúng sinh, cắt nhỏ bé, khiêm tốn thôi, bộ nào cũng giống bộ nào, quần hơi loe ống, áo thì ngắn và cổ tròn, thật sự đơn giản nhất - dù giờ đây đồ hàng mã càng ngày càng cầu kỳ và lòe loẹt hơn. Quần áo cúng chúng sinh thường nhiều khôn kể, nhà nào dẫu không phong lưu cũng một năm một lần làm phúc cho “thập loại chúng sinh” nên chả ai tiếc. Thường, phải cả chiếc lồng bàn tre úp ngửa đựng mới hết được quần áo giấy. Mà cũng phải mất tới cả buổi, ngồi gỡ từng bộ quần áo ra, để xếp cẩn thận, không rách, không nhầm bộ…


Mâm cúng chúng sinh thường cúng ngoài trời. Và cúng xong là để lũ trẻ trong xóm tới cướp. Ngày xưa, bọn trẻ thích nhất là đi cướp các mâm cỗ chúng sinh, nhất là nhà nào giàu có, mâm cỗ cúng chúng sinh thịnh soạn, có khi có cả xôi, gà… thì khỏi nói, là bữa vui với lũ trẻ. Giờ đây phố xá ít thấy cảnh đó, lũ trẻ thời hiện đại có khi ngạc nhiên với việc cướp cỗ này, lại còn nghĩ đó là chuyện xấu… nên nhiều nhà cúng xong đành làm cái việc là chia túi mang đi cho. Cũng bởi cái tâm lý của cúng chúng sinh, là cúng xong phải tán lộc, chứ không thể giữ riêng trong nhà được, như thế sẽ không tốt.


Rằm tháng bảy cũng thường là dịp các gia đình “tâm tâm niệm niệm” để sắm sanh quần áo mới, đồ dùng mới cho các cụ nhà mình. Thường thì người con trưởng trong nhà, thông thường là dâu trưởng, sẽ phải nhớ cái việc này. Người thì ghi trong đầu, người cẩn thận có cả sổ ghi tên từng cụ, từng ông trẻ, bà trẻ… Nhưng tới ngày rằm tháng bảy thì tốt nhất ai cũng có 1 cuốn sổ, bắt đầu giở ra, tỉ mẩn ghi xem sẽ biếu các cụ những gì, cụ ông nên có áo, mũ phớt, cụ bà nên có áo dài, nón; bà cô trẻ nên có thêm gương lược… Rất là tỉ mẩn để không quên ai. Thời xưa, vàng mã chưa xúng xính đủ thứ như bây giờ, chỉ giản lược thế thôi, nhưng mà cảm giác thật là thiêng liêng, thật là tâm linh cho giây phút mong chờ cụ nhà mình sẽ có áo mới mặc, bằng bạn bằng bè “dưới ấy” cho an lòng con cháu trong nhà. Giờ đây, vàng mã bị lạm dụng nhiều, nghe nói năm nay ngoài việc đốt xe hơi, ipad cho các cụ… theo kịp thời đại, nhiều nhà còn chọn đốt cả cho các cụ những trạm bán xăng, để các cụ có xăng mà đi xe… Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa. Và phú quý, lễ nghĩa quá nên lại làm mất đi phần nào cái giá trị linh thiêng của ngày rằm tháng bảy…


Thường thì với trẻ em, rằm tháng bảy vừa có cái hay, vừa có cái sợ. Cái hay là thú đi cướp mâm chúng sinh. Cái sợ là cảm giác về một ngày mở cửa ngục, về ma đói, ma khát; về cái cảm giác của những ngày mưa gió, vàng mã đốt xong được thả trôi theo mưa để mong các cụ sớm nhận được… Với trẻ con, rằm tháng bảy chỉ có cái háo hức nhất là tiếp sau sẽ là rằm tháng tám, sẽ có trống tùng rinh, có hạt bưởi xâu thắp đèn, có đèn ông sao, đèn kéo quân… và trăm ngàn thứ đồ chơi thi vị khác.


Nhưng cũng không vì thế mà có đứa trẻ nào không mong chờ tới rằm tháng bảy, lạ vậy, bởi cũng như với những người lớn; rồi cái ngày rằm ấy nó trở thành một nét đặc trưng của Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung, một nét văn hóa tinh thần làm phong phú hơn, làm chậm hơn lại cái nhịp sống công nghiệp hối hả hôm nay.