01:00 04/01/2013

"Tuần lễ Đen tối" trong cuộc Chiến tranh Boer-Kỳ 1: Ông trùm xảo quyệt

Stormberg, Magersfontein và Colenso: Ba thất bại trên ba mặt trận riêng rẽ trong vẻn vẹn một tuần. Báo chí Anh gọi đây là "Tuần lễ Đen tối" vì đối thủ của quân đội Anh chỉ là những dân quân nghiệp dư, gốc nông dân quê mùa.

Stormberg, Magersfontein và Colenso: Ba thất bại trên ba mặt trận riêng rẽ trong vẻn vẹn một tuần. Báo chí Anh gọi đây là "Tuần lễ Đen tối" vì đối thủ của quân đội Anh chỉ là những dân quân nghiệp dư, gốc nông dân quê mùa.

 

Cecil John Rhodes: Doanh nhân Nam Phi sinh tại Anh, một ông trùm trong ngành khai mỏ và một chính trị gia xảo quyệt.

Các chiến dịch mở màn của cuộc Chiến tranh Boer lần thứ hai (1899 - 1902) đã phơi bày những điểm yếu không thể chối cãi của quân đội Anh bất chấp ba thập kỷ cải cách. Thảm kịch của cuộc chiến tranh này, không chỉ khiến người Boer mất nền độc lập vào tay người Anh (sau hơn 3 năm đấu tranh gian khổ) mà còn cướp đi sinh mạng của hàng nghìn phụ nữ và trẻ em Boer trong các trại tập trung, là một bước ngoặt với chính trường và xã hội Anh đầu thế kỷ 20. Cuộc chiến để lại quá nhiều bài học cho nước Anh.

 

Quân đội Anh đã liên tục được thay đổi để hoàn thiện. Những cải cách trong thập niên 1870 đã hợp lý hóa chế độ tuyển quân, huấn luyện và bố trí các lực lượng lục quân Anh. Họ đã ghép các tiểu đoàn lại với nhau, trao cho những đơn vị này các kho hàng cố định và thành lập một đội quân dự bị thường trực có quy mô tương đương lực lượng chính quy. Các điều kiện phục vụ trong quân ngũ được cải thiện đã nâng cao chất lượng tân binh, trong khi việc bãi bỏ cơ chế mua bán bằng cấp sĩ quan đã góp phần chuyên nghiệp hóa đội ngũ chỉ huy.


Các dân quân Boer.

Đồng thời, quân đội Anh đã được tái vũ trang những vũ khí hiện đại, như súng trường Lee-Metford mang ổ đạn và loại cát tút mới chứa thuốc súng không khói; súng máy Maxim sử dụng lực nẩy để nạp đạn vào khóa nòng và đạt tốc độ bắn 600 viên/phút, nhanh gấp ba lần so với súng Gatling xuất hiện trước đó và kém chính xác hơn; pháo binh nòng rãnh xoắn nạp đạn ở khóa nòng có thể bắn liên tiếp các quả đạn có sức công phá lớn đi xa 2 đến 3 dặm Anh (3,2 đến 4,8 km).


Chính những hỏa lực này, xuất hiện trên chiến trường nhờ những phát minh khác trong thời đại chiến tranh công nghiệp như đường sắt xuyên sa mạc, đã góp phần làm nên chiến thắng cho tướng Herbert Kitchener ở Omdurman (Xuđăng) năm 1898.


Nhưng đó là chiến thắng trước một đội quân chỉ được trang bị toàn giáo mác, dao kiếm, các loại súng có tầm bắn ngắn và không có pháo binh đúng nghĩa. Đây gần như là cuộc chiến cuối cùng theo kiểu này. Bộ binh Anh dàn hàng đôi, đứng san sát nhau bắn những loạt đạn ngay hàng thẳng lối, như thể họ đang ở trong trận Waterloo (1845) hay Blenheim (1704).

 

Quân đội của Nữ hoàng Vitoria thời đó còn có một ưu điểm nữa là cực kỳ đa năng. Quy mô của đế chế Anh đòi hỏi quân đội nước này phải tiến hành "những cuộc chiến nhỏ" trên mọi loại địa hình - đồi núi, sa mạc, rừng rú, với mọi loại kẻ thù - người Trung Quốc, Abyssinia, Maori, Ashanti, Zulu, Afghanistan, Dervish, Pathan và những kẻ thù khác.


Ngoài việc thích ứng với những chiến thuật, địa hình và khả năng của các kiểu kẻ thù, quân đội Anh cũng cần phải ứng biến trước những thách thức to lớn về hậu cần. Chiến thắng thường phụ thuộc vào việc điều động quân số lớn, qua những quãng đường xa trên những địa hình cằn cỗi không thể đồn trú. Các kỹ sư đã mở đường, bắc cầu, lắp đặt đường sắt và các tuyến điện báo. Các sĩ quan vận tải của tướng Lord Chelmsford cần tới 27.000 con bò, 5.000 con la và 2.500 xe kéo để hỗ trợ cho chiến dịch của ông ở Zuzuland.


Nhưng điều đáng nói ở đây, đó là một đội quân chỉ thích nghi tương đối tốt với những cuộc chiến quy mô nhỏ trước những kẻ thù nhược tiểu, chứ không phải một đội quân có thể tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn với những kẻ thù cơ động, trang bị vũ khí hiện đại, giỏi đánh trận và bắn súng, có động cơ chiến đấu cao và được chỉ huy một cách bài bản. Diện mạo của Nam Phi đã thay đổi sau khi người Boer đánh bại người Anh ở Đồi Majuba năm 1881 và thuyết phục họ từ bỏ âm mưu nô dịch hóa cộng hòa Transvaal.


Kim cương được phát hiện ở Kimberley năm 1867, kéo theo sự hình thành một thị trấn 50.000 người với hoạt động khai thác kim cương bùng nổ tại đây. Thị trấn này do triệu phú - doanh nhân Cecil Rhodes, một kẻ mang tư tưởng đế quốc xảo quyệt, quản lý. Người Anh đã thôn tính Tây Griqualand năm 1871 và sát nhập khu vực này vào thuộc địa Cape, một tuyên bố chủ quyền bị bang Orange Free phản đối. Mặc dù vậy, không ai thực sự tin rằng người Boer độc lập của bang Orange Free sẽ dám cả gan phát động chiến tranh với Đế chế Anh để giành quyền kiểm soát những khu mỏ kim cương ở Kimberley. Song, yếu tố đã khiến mọi thứ thay đổi hoàn toàn là việc phát hiện ra vàng ở Witwatersrand năm 1886.


Người Boer: Trong tiếng Hà Lan và tiếng Afrikaans, Boer có nghĩa là nông dân. Từ này được dùng để chỉ hậu duệ của những người định cư nói tiếng Hà Lan ở vùng biên giới Cape phía Đông thuộc Nam châu Phi trong thế kỷ thứ 18, cũng như những người đã rời thuộc địa Cape trong thế kỷ thứ 19 để định cư ở Orange Free State, Transvaal (hai quốc gia độc lập được gọi là những nước Cộng hòa Boer) và một số ít ở Natal. Động cơ chính thôi thúc họ rời khu vực Cape là nhằm thoát khỏi ách cai trị của Anh và tránh những cuộc chiến liên miên trên biên giới giữa chính phủ đế quốc Anh và các bộ lạc bản địa ở vùng biên giới phía Đông.

Khu vực Rand, như người ta vẫn thường nhắc đến, là một rặng núi dài 60 dặm chạy theo hướng đông-tây, cách Prêtôria, thủ đô của Transvaal khoảng 30 dặm về phía nam. Nơi đây đã từng và hiện vẫn là mỏ vàng lớn nhất thế giới. Khi thứ kim loại quý này được phát hiện lần đầu tiên, thông tin về nó đã tạo nên một cơn sốt đào vàng làm đảo lộn tình hình Transvaal. Vào năm 1899, số lượng những người tìm kiếm, công nhân và những thành phần khác đã vượt con số 100.000. Gần một nửa trong đó sống tại thị trấn khai mỏ mới Johannesburg, còn những người khác sống trong các khu định cư ở dãy núi Rand.


Người Boer gọi họ là Uitlander (những kẻ ngoại đạo) và quan hệ giữa hai chủng người da trắng này luôn trong trạng thái căng thẳng. Người Uitlander đòi quyền bỏ phiếu, nhưng vì họ có tới 60.000 người so với 30.000 người Boer, nên hệ quả sẽ là nền độc lập của Transvaal bị hủy hoại.


Yêu sách về quyền bầu cử là một mặt trận cho những toan tính của những kẻ tư bản hàng đầu như Cecil Rhodes và các lãnh chúa ở Rand... Mục đích của những người này thật đơn giản: Kiểm soát hoàn toàn lợi nhuận của các khu mỏ. Và nguyên nhân dẫn đến cuộc Chiến tranh Boer lần thứ hai chủ yếu là vì vàng.


Huy Lê

 

Đón đọc kỳ 2: Tai họa vàng