11:21 02/11/2012

Tự ý bỏ thuốc huyết áp, coi chừng biến chứng nặng

Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân tăng huyết áp tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều điều trị khi thấy huyết áp đã ổn định và có vẻ trở về mức bình thường. Đây là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân tăng huyết áp tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều điều trị khi thấy huyết áp đã ổn định và có vẻ trở về mức bình thường. Đây là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

 

“Kẻ giết người thầm lặng”


Ông Nguyễn Văn Tiến, 49 tuổi, Hải Dương, được chuyển vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng rất nguy kịch, hôn mê sâu. Gia đình ông Tiến cho hay, ông bị bệnh tăng huyết áp từ nhiều năm nay nhưng chỉ uống thuốc khi trong người thấy khó chịu, huyết áp tăng chứ bình thường thì chẳng mấy khi quan tâm đến chỉ số huyết áp. Hôm đó, 4 giờ sáng, ông Tiến dậy đi vệ sinh thì bất ngờ chóng mặt, bị ngã bất tỉnh...


 

Chăm sóc bệnh nhân bị biến chứng do tăng huyết áp.

 

Qua thăm khám, một bác sĩ cho biết: “Ông Tiến bị tai biến mạch máu não gây liệt nửa người. Hiện tại, bệnh nhân hôn mê rất sâu, không tự thở được. Việc bệnh nhân không dùng thuốc huyết áp đúng chỉ dẫn của bác sĩ là một trong những nguyên nhân gây tai biến. Tiên lượng, nếu ông Tiến có “qua được” cũng để lại di chứng rất nặng nề sau này”.


“Người ta thường nói tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng vì đây là bệnh thường chỉ được phát hiện bằng cách đo huyết áp, còn các triệu chứng cơ năng (cảm nhận của bệnh nhân về bệnh) thường không rõ hoặc không đặc hiệu. Có những người có chỉ số huyết áp rất cao nhưng hoàn toàn không có triệu chứng. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện được tăng huyết áp khi đã xảy ra biến chứng nặng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Do đó, người bệnh tăng huyết áp không được tùy tiện trong việc sử dụng thuốc (bỏ thuốc hoặc tự ý điều chỉnh liều dùng) vì dễ bị rơi vào tình trạng tăng huyết áp đột biến sau 40 giờ ngừng thuốc”, BS Bùi Nguyên Kiểm, nguyên Trưởng khoa Nội, BV Xanh Pôn, khuyến cáo.


Theo điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam thì tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên ở Việt Nam vào khoảng 25%, tức là cứ 4 người lớn thì có 1 người bị tăng huyết áp. Đặc biệt, 52% số người tham gia điều tra không biết mình bị tăng huyết áp, 30% người biết mình bị tăng huyết áp không có biện pháp điều trị nào vì đa số đều thấy trong người bình thường. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vì tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng như tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong.

 

Tuân thủ phác đồ điều trị


Theo các chuyên gia y tế, người được coi là mắc bệnh cao huyết áp khi có huyết áp tâm thu (tối đa) từ 140 mmHg trở lên hoặc tâm trương (tối thiểu) là 90 mmHg trở lên. Tùy vào mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị thích hợp: Điều trị không dùng thuốc (chế độ ăn, vận động) và điều trị dùng thuốc.


“Điều trị không dùng thuốc hay điều chỉnh lối sống là một biện pháp rất hữu hiệu trong quá trình điều trị bệnh tăng huyết áp, thậm chí biện pháp này còn có giá trị trong việc phòng ngừa bệnh nên cần được khuyến khích áp dụng trong cả cộng đồng”, BS Bùi Nguyên Kiểm khẳng định.


Người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ nguyên tắc: giảm mặn, giảm béo, tăng rau xanh, tránh căng thẳng, xúc động lo âu. Nên tập thể dục đều đặn, từ 20 - 30 phút/ngày và ít nhất 3 lần/tuần. Tuy nhiên, không nên tập luyện gắng sức, có thể nghỉ khi đổ mồ hôi.

Theo đó, người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ nguyên tắc: giảm mặn, giảm béo, tăng rau xanh, tránh căng thẳng, xúc động lo âu. Nên tập thể dục đều đặn, từ 20 - 30 phút/ngày và ít nhất 3 lần/tuần. Tuy nhiên, không nên tập luyện gắng sức, có thể nghỉ khi đổ mồ hôi.


Nếu điều trị bằng cách điều chỉnh lối sống không hiệu quả (sau khoảng 3 tháng), người bệnh sẽ được chuyển sang phương pháp điều trị dùng thuốc. Lúc này, người bệnh buộc phải tuân thủ nguyên tắc: Uống thuốc đều, không tự ý bỏ thuốc, không dùng toa thuốc của người khác để điều trị cho mình hay ngược lại.


Để phòng ngừa bệnh và những biến chứng do tăng huyết áp có thể gây ra, tốt nhất người dân nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao như: gia đình nhiều người tăng huyết áp, bản thân hay hút thuốc lá, trên 60 tuổi, rối loạn mỡ máu, tiểu đường... Cần đi khám ngay khi thấy các triệu chứng: nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, đánh trống ngực, gắng sức, chóng mặt, có khi chảy máu cam và chỉ số huyết áp cao (từ 140/90 mmHg trở lên).


Người mắc bệnh có thể tự đo huyết áp tại nhà. Nếu đo ở bệnh viện, huyết áp có thể hơi cao một chút so với ở nhà vì tại bệnh viện nhiều khi người bệnh có cảm giác sợ nhân viên y tế nên huyết áp hơi tăng và mạch cũng nhanh lên. Người ta gọi đó là hiện tượng tăng huyết áp do áo choàng trắng.


Để đo huyết áp bằng máy đo huyết áp thủy ngân được chính xác, người được đo phải nghỉ ngơi ít nhất 10 phút. Trước nửa tiếng không hút thuốc lá và không hoạt động gắng sức, có thể đo ở tư thế nằm hay ngồi. Băng cuốn tay được quấn trên và cách lằn tay 1 - 2 cm, bóp bóng tới khi chỉ số huyết áp đạt 180 - 200 mmHg thì nhả bóng từ từ, tiếng đầu tiên là chỉ số huyết áp tối đa, sau đó thay đổi âm sắc là chỉ số huyết áp tối thiểu. Để chắc chắn về chỉ số huyết áp, có thể đo 2 lần hoặc đo 3 lần rồi lấy chỉ số trung bình cộng. Người bệnh cũng có thể sử dụng máy đo huyết áp điện tử, tuy nhiên cần hiệu chỉnh lại máy sau 3 - 6 tháng sử dụng.


Phương Liên