07:09 30/07/2018

Từ vụ vỡ đập thủy điện ở Lào - Bài 1: Thấp thỏm nhìn về thượng nguồn Mê Kông

Sự cố vỡ đập thuỷ điện Sepian Senamnoy ở tỉnh Attapeu, Lào, có thể không ảnh hưởng nhiều đến hạ lưu vùng Mê Kông cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đó là lời cảnh báo mạnh mẽ cho việc phát triển thuỷ điện ồ ạt ở lưu vực dòng sông này.

Nhiều mối lo phía thượng nguồn

Đã từ lâu, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã cảnh báo, việc xây quá nhiều đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy của con sông này, đặc biệt là khu vực hạ nguồn tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Khung cảnh kinh hoàng sau sự cố vỡ đập tại Lào. Ảnh: ABC Laos News

Phía thượng nguồn, Trung Quốc đã và đang xúc tiến xây dựng một loạt các đập thủy điện. Theo TS Tô Văn Trường, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, đáng lo nhất là các nước hạ lưu không nắm được cụ thể quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện ở Trung Quốc.

Theo TS Trường, phía Trung Quốc chỉ thông báo một số thông tin từ 2 trạm thủy văn về mùa lũ, không có số liệu về mùa khô nên muốn tính toán, kiểm tra lại quy trình vận hành là rất khó khăn.

Trong khi đó, theo số liệu của Hãng Thông tấn Lào KPL, năm 2017, Lào có 46 nhà máy thủy điện và dự định xây thêm 54 nhà máy từ nay đến năm 2020. Nước này hiện xuất khẩu 2/3 lượng điện từ thủy điện và nguồn thu từ điện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các chuyên gia cảnh báo, những dự án thủy điện này khi hoàn thành sẽ đe dọa không nhỏ đến hệ sinh thái con sông cũng như các cộng đồng đang phụ thuộc vào nó.

Chưa kể, mối lo với Đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta còn phải kể đến dự án đập Sambor (Campuchia) trên dòng chính và gần Đồng bằng sông Cửu Long nhất. Đập Sambor gánh chịu rủi ro của tất cả các đập phía trên thượng nguồn, bất cứ đập nào phía trên vỡ đều ảnh hưởng đến đập Sambor và có thể tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long ngay tức khắc.

Các dự án phát triển kinh tế, cải tạo Biển Hồ (Tonlé Sap) tại Campuchia cũng có thể làm ảnh hưởng tới diện tích hồ, làm mất khả năng điều tiết tự nhiên ở nút chặn cuối cùng, khi đó rủi ro với Đồng bằng sông Cửu Long sẽ càng gia tăng.

Thủy điện chưa tính bất thường của thời tiết

Theo các chuyên gia về kinh tế môi trường, lợi ích của thủy điện Mê Kông là quá nhỏ so với rủi ro đối với con người và môi trường toàn vùng.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS TS Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho hay: Vụ việc vừa xảy ra ở Lào cho thấy, các đập thủy điện luôn tiềm ẩn nguy cơ bị vỡ. Cách đây khoảng 1 năm, Lào cũng bị vỡ một đập thủy điện ở khu vực phía Bắc, lần này là ở Nam Lào. Những đập này đều đang trong giai đoạn thi công chứ chưa đi vào vận hành. Nếu vận hành rồi thì hậu quả vỡ đập còn lớn hơn.

"Loại hình thủy điện tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nói thủy điện giúp điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ lụt chỉ mang tính lý thuyết. Nó chỉ đúng trong những năm mưa gió bình thường. Còn những năm mưa lũ lớn thì không còn đúng nữa", TS Tuấn cho hay.

Dòng Mê Kông, đoạn biên giới giữa Lào và Thái Lan. Ảnh: HD

Đồng tình với quan điểm của TS Tuấn, ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu Cần Thơ cũng lo ngại: Những năm gần đây, có thể thấy rõ nhất vào mùa mưa, lưu lượng mưa thay đổi rất bất lường, có những trận mưa lớn mà lượng mưa có thể gấp 5 lần mức bình thường.

"Trong khi đó, việc xây dựng các hồ chứa thuỷ điện thông thường đều tính toán theo những diễn biến thời tiết tương đối ổn định, theo mùa và có thể dự báo như trước đây", ông Vinh cho hay. Chuyên gia này khuyến cáo: Các đập thủy điện trên sông Mê Kông phía thượng nguồn giống như “hiểm họa xuyên biên giới” treo trên đầu chúng ta.

Giải pháp cho vấn đề này, theo TS Tô Văn Trường, các nước trong lưu vực sông Mê Kông cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, đối thoại trên luận cứ khách quan và khoa học. Trong xu thế hội nhập của thế giới, việc khai thác sử dụng  nguồn nước sông Mê Kông là quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực.

Cần quan tâm, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế trong việc khai thác sử dụng lưu vực sông quốc tế và quảng bá các nguyên tắc này nhằm thiết lập một hệ thống quốc gia cho các hoạt động khai thác nguồn nước; theo dõi việc sử dụng nguồn nước sông quốc tế trong lãnh thổ Việt Nam cả về số lượng và chất lượng ở 2 trạm chính ở Tân Châu và Châu Đốc; quảng bá kinh nghiệm của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao uy tín của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề cần thương lượng.

"Cần cập nhật các thông tin, số liệu cơ bản, tiến hành nghiên cứu tổng hợp đánh giá về tác động của các  đập thủy điện và các đập dâng của các nước thượng lưu kể cả của Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long", TS Trường đề nghị.

Theo các chuyên gia, việc các nước ở thượng lưu sông Mê Kông xây dựng các đập thủy điện để phục vụ phát triển kinh tế là xu thế không thể đảo ngược. Sông Mê Kông là sông quốc tế nên rất cần có tiếng nói chung của các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học. Ngoài việc tăng cường hợp tác qua khuôn khổ 4 nước hạ du của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành của Việt Nam qua các chương trình hợp tác song phương và đặc biệt là Sáng kiến Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) có đầy đủ cả 6 thành viên Mê Kông.

Sông Mekong là một trong 10 con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỷ m3 tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Hoàng Dương/Báo Tin tức