09:22 23/09/2015

Từ vốn vay Agribank xây nhà máy y tế công nghệ cao

Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất stent mạch vành tại Việt Nam theo tiêu chuẩn tiên tiến thế giới, Công ty CP United Healthcare đã “gõ cửa” nhiều nơi để vay vốn.

Nhìn thấy tiềm năng dự án đem lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh quận 5, TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng hỗ trợ vốn vay, đồng hành với doanh nghiệp. Ba năm sau, Cty TNHH MTV Nhà máy United Healthcare ra đời tại khu công nghệ cao. Q9, TP Hồ Chí Minh đánh dấu việc sản xuất công nghệ cao về dụng cụ, thiết bị y tế tại Việt Nam.

Ông Đặng Quang Mỹ giới thiệu về những sản phẩm của nhà máy tại khu công nghệ cao. Q9, TP Hồ Chí Minh.


Ông Đặng Quang Mỹ, Phó Giám đốc Nhà máy United Healthcare cho biết, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 cho dự án nhà máy sản xuất stent mạch vành là 300 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, cần hỗ trợ vốn của Agribank chi nhánh Quận 5 gần 120 tỷ đồng. Ngoài ra, với dự án nhiều tiềm năng và đem lại giá thành hợp lý, giúp bệnh nhân mắc bệnh mạch vành có cơ hội được cứu chữa, thay thế hàng nhập khẩu và hướng đến phục vụ thị trường xuất khẩu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ kinh phí thêm 47,5 tỷ đồng. “Vì dự án là đầu tư thiết bị công nghệ cao, phục vụ y tế nên còn thuộc đối tượng của chương trình kích cầu của TP Hồ Chí Minh được hỗ trợ lãi suất thấp trong 7 năm. Lúc bắt đầu vay, nhà máy vay với lãi suất 10,5%, được hỗ trợ 8,2% do đó nhà máy chỉ phải trả lãi khoảng 2%. Hiện tại khoản vay đã được hạ lãi suất xuống còn 9,5%" ông Mỹ cho hay.

Anh Trần Minh Khoa, Phó Phòng phụ trách Phòng tín dụng Agribank chi nhánh quận 5, người sát cánh ngay từ đầu với dự án nhà máy United Healthcare cho biết thêm: “Từ lúc cho vay vốn, nơi này chỉ là bãi đất trống, sau gần 3 năm sát cánh, ngày nhà máy khai trương là ngày chúng tôi rất hạnh phúc vì dự án đã thành hiện thực. Không chỉ thế, dự án này còn xong sớm hơn tiến độ đến 8 tháng”.

Theo ông Phạm Duy Nhơn, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh quận 5, để có thể cấp vốn cho dự án này, lãnh đạo ngân hàng thường xuyên làm việc với đơn vị để hiểu hơn về dự án, cùng qua Mỹ - nơi chuyển giao công nghệ sản xuất stent - để tìm hiểu kỹ về sản phẩm. Lãnh đạo ngân hàng cũng băn khoăn liệu đầu ra có được đón nhận bởi người tiêu dùng? Nhưng với sự tự tin của đơn vị cũng như những chứng minh đề án mang lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, cùng với sự động viên và hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP Hồ Chí Minh, ngân hàng đã quyết định cho vay vốn.

Ông Đặng Quang Mỹ thừa nhận, để thuyết phục ngân hàng cho vay vốn không phải chuyện dễ dàng. Bởi trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc quyết định mạo hiểm mà không phải ai cũng có thể làm được là xây dựng một nhà máy dụng cụ, thiết bị y tế công nghệ cao. Nhưng trước nhu cầu thị trường còn rộng, yêu cầu kỹ thuật về ngành khó nên sẽ ít cạnh tranh. Ngoài ra, với sự phát triển liên tục của ngành y tế thì những thiết bị ngoại nhập từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ không còn phù hợp với yêu cầu người tiêu dùng Việt Nam. Vì thế, dự án này đáp ứng mọi tiêu chí trên và phục vụ người tiêu dùng với mức giá hợp lý và chất lượng tiên tiến nhờ được chuyển giao công nghệ và nhập khầu từ Mỹ, Đức.

“Thực tế cho thấy, để đặt stent mạch vành tại các bệnh viện, nếu có bảo hiểm y tế người tiêu dùng sẽ phải chi trên 40 triệu đồng/cái. Nếu không, một stent nhập về bán tại các bệnh viện khoảng gần 80 triệu đồng/cái, tương đương gần 4.000 USD. Nhưng với stent nhà máy United Healthcare sản xuất bán ra thị trường, dự kiến rẻ hơn 30 - 35%. Điều này thực sự tiết kiệm chi phí rất lớn cho người bệnh”, ông Mỹ ví dụ. Cũng theo ông Mỹ, ngoài sản xuất stent, nhà máy còn sản xuất bong bóng mạch vành, dây dẫn và các dụng cụ y tế kỹ thuật cao dùng để cấy ghép vào trong cơ thể người để đáp ứng nhu cầu trang thiết bị và dụng cụ y tế kỹ thuật cao tại Việt Nam, giảm phụ thuộc từ nhập khẩu nước ngoài, chủ động hơn về nguồn cung sản phẩm và xuất khẩu.

Từ năm 2010 - 2014, Chi nhánh đã tài trợ, ủng hộ từ quỹ an sinh xã hội và từ thiện với số tiền gần 6 tỷ đồng. Như chương trình “thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát động, chi nhánh đã đóng góp 76 triệu đồng để xây dựng 1 nhà tình thương tại huyện Hóc Môn và 1 nhà tại xã Phong Phú, Bình Chánh; chương trình hỗ trợ giáo dục, quỹ khuyến học cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học số tiền 216 triệu đồng; chương trình hỗ trợ bệnh nhân nghèo Thành phố số tiền 464 triệu đồng; chương trình ủng hộ hưởng ứng phong trào “Hướng về biển đảo thân yêu của Tổ Quôc” số tiền 2 ngày lương/năm; chương tình ủng hộ đồng bào, lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh số tiền 1 ngày lương/năm; chương trình hoạt động tài trợ thiết bị y tế và xe cứu thương phục cụ khám chữa bệnh cho các Bệnh viện số tiền 4,349 tỷ đồng... ).

Về hỗ trợ vay vốn, ông Phạm Duy Nhơn cho biết ngoài công ty này, Agribank chi nhánh quận 5 còn hỗ trợ cho các dự án lớn khác, không chỉ thế còn giúp các dự án vượt qua khó khăn, thoát khỏi bờ vực phá sản. Agribank chi nhánh quận 5 còn luôn dành các nguồn vốn vay giá rẻ (lãi suất cho vay 7%/năm) để hỗ trợ các doanh nghiệp theo Chỉ thị 01/CT - NHNN với các ngành nghề phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với sự sát cánh cùng doanh nghiệp, Agribank chi nhánh quận 5 đã luôn được khách hàng tin tưởng để gửi trọn niềm tin, góp phần lớn vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, sự thành công của chi nhánh.

Từ đầu năm nay đến ngày 31/8, tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng hơn 860 tỷ đồng so với năm 2014 (tăng 34%, đạt 116% kế hoạch năm). Về dư nợ, tính đến 31/8, tổng dự nợ đạt gần 3.230 tỷ đồng, tăng 994 tỷ đồng so với năm 2014 (tăng 44,47%, đạt 74,74% kế hoạch năm). Đáng chú ý, nợ xấu ngân hàng cũng giảm mạnh, chỉ còn 0,55% (giảm 0,48% so với năm 2014). Để đạt được điều này, Agribank chi nhánh quận 5 luôn lựa chọn những đơn vị có khả năng tài chính, có khả năng tổ chức, quản lý và điều hành tốt hoạt động kinh doanh hiệu quả. Nhờ vậy, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong 5 năm qua luôn chiếm tỷ trong lớn, bình quân khoảng 84% trên tổng dư nợ, đồng thời tỷ lệ nợ xấu của dư nợ cho vay cũng được hạn chế và chiếm một tỷ lệ thấp, bình quân khoảng 51% trên tỷ lệ nợ xấu của chi nhánh.

Nhóm PV kinh tế