04:21 10/04/2015

Từ vết thương đến đơn vị anh hùng (Tiếp theo và hết)

Giữa tháng 7/1967 tất cả sỹ quan và chiến sỹ Liên Xô đã đến Việt Nam vào tháng 9/1966 đều được rút về nước. Số sỹ quan còn lại được tập hợp thành một nhóm chuyên gia Liên Xô thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không. Chúng tôi tiến hành sửa lỗi và bảo dưỡng khí tài, chủ yếu là vào ban đêm.

Giữa tháng 7/1967 tất cả sỹ quan và chiến sỹ Liên Xô đã đến Việt Nam vào tháng 9/1966 đều được rút về nước. Số sỹ quan còn lại được tập hợp thành một nhóm chuyên gia Liên Xô thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không. Chúng tôi tiến hành sửa lỗi và bảo dưỡng khí tài, chủ yếu là vào ban đêm.

Cuối tháng 7, cả tháng 8 và tháng 9 không quân Mỹ chủ yếu ném bom các ga đường sắt, đường bộ và các con đê. Đến tháng 10 thì các chuyến không kích vào Hà Nội đột ngột tăng cường. Chiếc cầu đường sắt kiêm đường bộ bắc qua sông Hồng (cầu Long Biên) bị đánh sập. Hiệu quả tiêu diệt địch của các khẩu đội tên lửa phòng không bị giảm sút đáng kể do Mỹ bắt đầu sử dụng các hệ thống gây nhiễu chủ động. Thậm chí có khẩu đội phóng hơn 20 quả tên lửa mà không tiêu diệt được mục tiêu nào.

Hồi ký của ông Alexeevich đăng trong cuốn “Từ người lính đến vị tướng: Hồi ức chiến tranh”.




Đến giữa tháng 10, một trong các khẩu đội của chúng tôi được rút khỏi trực chiến để hoàn thiện tổ hợp phóng tên lửa. Chúng tôi quyết định lắp thêm một cabin điều khiển số 2 trên nóc của cabin chính để bố trí các thiết bị định hướng theo góc và phương vị. Sau đó tên lửa sẽ được dẫn đường bằng mắt thường mà không bật ăng ten tần số cao. Việc áp dụng cải tiến này đã làm cho phi công Mỹ choáng váng. Chỉ trong 2 ngày sau đó khẩu đội đã tiêu diệt 3 máy bay Mỹ mà chỉ mất 6 quả tên lửa. Tuy nhiên, cách làm này cũng có hạn chế là chỉ thực hiện được khi tầm nhìn tốt và vào ban ngày.

Vào một buổi chiều ngày 24/10/1967 khẩu đội của chúng tôi được triệu tập đến một khẩu đội khác để giúp sửa lỗi kỹ thuật. Chúng tôi tìm kiếm nguyên nhân tại sao cả 4 quả tên lửa bắn đi đều không trúng mục tiêu và lao xuống đất. Điều nguy hiểm là ở chỗ khẩu đội này lại trực chiến ở vị trí mà trước đó không lâu một khẩu đội khác đã bị trúng tên lửa loại “Shrike” và một cabin đã bị phá hủy. Chúng tôi mất cả đêm để sửa rất nhiều lỗi kỹ thuật.

8 giờ sáng ngày hôm sau chúng tôi báo cáo chỉ huy về việc khẩu đội đã sẵn sàng chiến đấu. Đúng lúc đó thì không quân Mỹ bắt đầu hoạt động với 2 chiếc F-4 bay ngang vị trí của chúng tôi ở tầm bay khá thấp. Phát hiện ra khẩu đội, chúng bắt đầu bắn phá dữ dội. Hậu quả là khẩu đội bị trúng một quả bom bi và không thể điều khiển được tên lửa đánh trả. Một số chiến sỹ hy sinh và bị thương, trong đó có tôi và Thiếu tá Zheltov. Sau đó chúng tôi khẩn cấp sơ tán người và khí tài khỏi địa điểm này. Sau đó khoảng 10 phút thì một số máy bay Mỹ lại ném bom vị trí chúng tôi vừa bỏ lại. Các tổ hợp phóng tên lửa 35mm và 2 tổ hợp pháo 4 nòng đã đồng loạt khai hỏa đánh trả và tiêu diệt 2 máy bay Mỹ. Sau khi di chuyển đến địa điểm đóng quân mới, tôi và thiếu tá Zheltov được trực thăng đưa đến một bệnh viện quân y ở Hà Nội. Những ngày sau đó chúng tôi được các lãnh đạo Liên Xô và các đồng nghiệp Việt Nam thay phiên nhau thăm nom.

Ngày 6/11/1967 tôi và thiếu tá Zheltov được xuất viện. Chúng tôi được đưa đến khu Kim Liên, nơi ở của các chuyên gia quân sự Liên Xô. Buổi chiều cùng ngày chúng tôi được mời dự một bữa tiệc thịnh soạn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng 10 vĩ đại. Vài ngày sau đó chúng tôi trở lại đơn vị. Đến thời điểm này không quân Mỹ vốn chịu thiệt hại nặng nề trong các trận đánh cuối tháng 9, đầu tháng 10 đã dừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Mỹ chuyển sang chỉ sử dụng máy bay không người lái BQV và máy bay do thám.

Buổi sáng một ngày cuối tháng 11, vài chục máy bay Mỹ ồ ạt tiến vào Hà Nội song không rải bất cứ quả bom nào. Các đơn vị tên lửa của chúng tôi đồng loạt phóng hỏa vào nhóm máy bay địch nhưng không quả tên lửa nào trúng mục tiêu và tự phát nổ. Tôi quan sát hết diễn biến này qua ống nhòm chỉ huy. Sau khi phân tích “chuyến bay phô trương” này, chúng tôi đi đến kết luận rằng nhóm máy bay đã sử dụng các thiết bị gây nhiễu tích cực. Mỗi chiếc máy bay đều được trang bị nhiều máy phát tạo nhiễu khiến màn hình điều khiển của sỹ quan dẫn đường tên lửa không thể phân biệt và định vị chính xác đâu là mục tiêu thật để khai hỏa.

Hóa ra mấu chốt của vấn đề là ở chỗ trong trận chiến 7 ngày tại bán đảo Sinai giữa Ai Cập và Israel, một trong các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 của Liên Xô đã bị rơi vào tay Israel và sau đó được trao lại cho người Mỹ để nghiên cứu. Chúng tôi quyết định gấp rút hoàn thiện các cabin điều khiển bằng mắt thường. Lần phóng tên lửa lần đầu tiên ngay sau đó đã mang lại kết quả tích cực. Đến giữa tháng 9 không quân Mỹ đột ngột tăng cường các đợt ném bom. Một lần nữa chiếc cầu bắc qua sông Hồng lại bị đánh sập và đường băng của sân bay Nội Bài cũng bị hư hại.

Ngày 25/12/1967 nhóm chuyên gia chúng tôi gồm 6 người bơi qua sông Hồng và rời sân bay Gia Lâm về nước. Tháng 5/2009 tôi được mời sang Việt Nam cùng với đoàn đại biểu của Hội cựu chiến binh Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam. Sau 42 năm trở lại mảnh đất đầy đau thương này tôi không thể nhận ra một Việt Nam hoàn toàn khác. Gần như mọi thứ đều đã thay da đổi thịt, duy chỉ có lòng biết ơn và tình cảm anh em của những người dân Việt Nam dành cho chúng tôi thì vẫn không hề thay đổi. Tôi được gặp lại những người đồng chí cùng chiến đấu năm xưa. Họ cho tôi biết năm 1972 khẩu đội của chúng tôi đã bắn hạ 7 máy bay ném bom B-52 và năm 1975 thậm chí còn tiến vào Sài Gòn, nơi được trao tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng”.

Lược dịch: Cao Cường (P/v TTXVN tại LB Nga)