Thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm sạch

Các loại thực phẩm rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm bẩn, kém chất lượng đang hoành hành, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, sức khỏe của người tiêu dùng. Trong khi đó người tiêu dùng vẫn khó tiếp cận với các loại thực phẩm sạch (TPS).

Còn nhiều khó khăn

Khảo sát của ngành chức năng tại TP Hồ Chí Minh cho thấy TPS đang là thị trường đầy tiềm năng thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia. Ngoài những thương hiệu tiên phong đã được chứng nhận quốc tế như: Organik Đà Lạt, Hoasua foods... không ít các doanh nghiệp trong nước cũng nhanh tay nhập cuộc như: Vinamit, Saigon Co.op... Tuy nhiên điều nhiều người trong cuộc lo lắng là TPS vẫn chưa mang tính đại trà để đến được với đại bộ phận người tiêu dùng.

"Chúng ta chỉ có thể gọi là TPS khi các sản phẩm bán ra được công bố rõ tiêu chuẩn trồng trọt, tiêu chuẩn chế biến, các chứng chỉ được cấp và quan trọng nhất là có thể truy xuất được nguồn gốc... Rất khó trách người tiêu dùng không quan tâm vì họ chỉ chấp nhận giá tiền cao hơn khi phải biết được sản phẩm đó do ai trồng, trồng ở đâu, trồng theo tiêu chuẩn gì, được sơ chế và đóng gói ở đâu, cơ sở có đạt chứng chỉ an toàn nào hay không...", ông Dương Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Hellomam cho hay.

Thực phẩm hữu cơ an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP... đang là tiêu chí được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều rào cản khiến người tiêu dùng khó tiếp cận với các loại TPS. Quan trọng nhất là hệ thống phân phối nhưng hiện doanh nghiệp vẫn tự bơi là chính và bản thân các doanh nghiệp rất khó xây dựng vì nguồn lực hạn chế. Theo tính toán của doanh nghiệp, việc đầu tư vào các cửa hàng TPS rất cao khi mỗi cửa hàng TPS phải đầu tư khoảng hơn 2 tỷ đồng cho hệ thống bảo quản rau củ, thịt, hoa quả tươi, chưa kể những khoản chi phí cố định khác... Ngoài ra, hiện vẫn thiếu chính sách hỗ trợ về vốn, truyền thông, kiểm định và công bố chất lượng, khuyến khích doanh nghiệp mạnh tay đầu tư cho TPS.

Công tác quản lý cũng còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của người tiêu dùng. Hiện có cửa hàng, điểm bán treo biển thịt sạch chủ yếu là “tự phong”, thực tế chưa có đơn vị chức năng nào cấp phép. Việc cấp phép sản phẩm thịt theo tiêu chuẩn an toàn, sạch phải được tiến hành giám sát từ con giống, vùng nuôi, nguồn thức ăn, quá trình chăm sóc, giết mổ, vận chuyển, điểm bán… chứ không đơn giản là … treo biển. “Thực tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có một số đơn vị thử nghiệm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp nguồn thịt bò an toàn nhưng chưa đưa sản phẩm ra thị trường. Còn thịt lợn sạch cũng chỉ mới có 2 hai đơn vị có sản phẩm heo tiêu chuẩn VietGAP là Vissan và An Hạ, trong khi thị trường lại tràn lan thịt heo mang nhãn hiệu VietGAP”, ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục phó Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho hay.

Tăng mãi lực TPS

Hiện tại, để người tiêu dùng có thể mua được thực phẩm sạch, một số địa phương và doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc cung ứng và liên kết. Là địa phương cung cấp phần lớn các loại rau củ quả cho TP Hồ Chí Minh, mỗi năm tỉnh Lâm Đồng cung cấp khoảng 448.000 tấn rau củ quả. Hiện hơn 1/3 diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã áp dụng theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGap và GlobalGap, đáp ứng các tiêu chí ngày càng cao của người tiêu dùng. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình và phụ thuộc vào thương lái như trước kia, hiện nhà sản xuất, hộ nông dân đã liên kết lại để mở rộng quy mô sản xuất tập trung, đồng bộ hóa chất lượng và tiết kiệm chi phí sản xuất...

Ông Phạm Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay, đơn vị đang chủ động liên kết hợp tác, ứng vốn, phối hợp cùng các nhà cung cấp chiến lược tiếp thị sản phẩm hữu cơ chất lượng cao đến khách hàng trên toàn hệ thống bán lẻ. Tại mỗi siêu thị, Saigon Co.op sẽ dành một khu vực nhận diện dành riêng cho các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao. Hiện Saigon Co.op đã có tổng cộng tất cả có 180 điểm bán hàng nhu yếu phẩm đạt chuẩn an toàn và thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAP nhãn xanh bao gồm hệ thống 82 siêu thị Co.opmart, 2 Co.opXtra và 96 cửa hàng thực phẩm Co.opFood. Mức tiêu thụ trung bình của hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang ở mức 2,750 tấn rau củ quả, 420 tấn thịt gia cầm, 770 tấn thịt gia súc và 7,700 triệu quả trứng an toàn mỗi tháng.

Còn tại doanh nghiệp Vissan, đơn vị này đã kết hợp với hộ chăn nuôi lợn phát triển, khuyến khích người dân chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt), hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất chăn nuôi lợn GAHP đến giết mổ sạch và tiêu thụ thịt lợn có chứng nhận GAHP đến tay người tiêu dùng. Các chuỗi liên kết theo hướng này đã tạo ra sự khác biệt của sản phẩm chăn nuôi GAHP đối với các sản phẩm thông thường khác. Người tiêu dùng dễ nhận biết và lựa chọn các sản phẩm mong muốn, thông qua hình thức tuyên truyền đối với sản phẩm an toàn.

"Thành phố đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho gần 800 tổ chức, cá nhân, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty CP Việt Nam, Nông nghiệp Sài Gòn, Vissan, Ba Huân... Chúng tôi đang kết hợp với các ngành chức năng xây dựng lại quy chế tham gia điểm bán, những tiêu chí điểm bán an toàn thực phẩm. Đồng thời liên kết với các tỉnh, thành khác về số lượng và chất lượng nguồn hàng. Khi hoàn thiện nội dung quy chế, Sở sẽ mở rộng điểm bán thực phẩm an toàn tới tận hộ kinh doanh tại chỗ và các chợ truyền thống trên toàn thành phố", ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Thu giữ hơn 1 tấn mỡ, nội tạng động vật "bẩn"
Thu giữ hơn 1 tấn mỡ, nội tạng động vật "bẩn"

Công an Hà Nội ngày 18/5 phát hiện cơ sở thu mua có 500kg sản phẩm động vật đã bốc mùi; cùng ngày đội cảnh sát kinh tế Quảng Nam đã phát hiện và bắt xe tải chở gần 450 mỡ, nội tạng động vật "bẩn" trên đường tiêu thụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN