Thừa cơ xăng đắt, xe đạp điện 'lên ngôi'

Sau khi tăng giá xăng dầu lên mức kỷ lục 24.580 đồng/lít và mặc dù ngày 9/4 giá xăng có giảm 500 đồng/lít nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn tính đến việc chuyển sang đi xe đạp điện để tiết kiệm chi phí.

Thị trường xe đạp điện cũng vì thế ngày càng sôi động hơn với kiểu dáng, mẫu mã phong phú, thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng khách hàng.

Dạo quanh các cửa hàng, đại lý kinh doanh xe đạp điện trên địa bàn Hà Nội ở các tuyến phố Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Bà Triệu… có thể thấy thị trường xe đạp điện đã có nhiều biến động tích cực. Các cửa hàng bán xe đạp điện cho biết, mặc dù lượng xe bán ra tăng khoảng 30% so với thời điểm trước khi tăng giá xăng nhưng giá không đổi.

Không phụ thuộc vào sự lên xuống của giá xăng, không cần bằng lái khi sử dụng, dễ dàng và linh hoạt lúc nạp điện... là lý do khiến nhiều người chọn sử dụng xe đạp điện. Ảnh minh họa. Nguồn: vnexpress.net


Theo chị Mai, chủ cửa hàng xe đạp điện trên phố Tôn Đức Thắng, đối tượng khách mua hàng trước kia chủ yếu là phụ huynh học sinh, người già và các bà nội trợ. Tuy nhiên, từ thời điểm xăng tăng giá, số lượng khách hàng là cán bộ công nhân viên chức cũng tăng lên rõ rệt.

Thị trường xe đạp điện hiện nay rất phong phú về chủng loại với sự xuất hiện của nhiều nhãn hiệu như: Delta, Viha, Plasma, Asama, Yamaha, Honda, Bridgeston, Giant, HKBike… Ngoài các loại xe do liên doanh trong nước sản xuất, còn có các loại xe được nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc, Đài Loan.

Đặc điểm chung của những loại xe này là vừa chạy bằng điện, vừa đạp bình thường như xe đạp, tốc độ tối đa vào khoảng 30 đến 35km/h. Kích thước và trọng lượng xe gọn nhẹ (28-35 kg/chiếc). Mỗi lần nạp điện có thể chạy được khoảng 40 đến 60km. Giá sản phẩm trung bình từ 8 đến 18 triệu đồng/chiếc.

Theo khảo sát, thị trường xe đạp điện hiện nay, hàng Trung Quốc, Đài Loan chiếm tới 80% thị phần. Mặc dù không kèm theo chế độ bảo hành và chất lượng không đảm bảo nhưng xe đạp điện Trung Quốc được giới trẻ ưa chuộng bởi sự phong phú về chủng loại, kiểu dáng bắt mắt cũng như những tính năng phụ trợ khác.

Có những xe được thiết kế giống như xe máy, cũng có đồng hồ tốc độ, đèn pha, xi-nhan, giảm xóc, ngăn chứa đồ. Bình ắc quy được thiết kế nằm ngay dưới yên xe, thuận tiện khi nạp điện, dễ tháo lắp. Phía đuôi xe gắn hộp đựng đồ rất đẹp, một số nhà sản xuất còn lắp thêm 4 đèn ở bình điện giúp báo hiệu cho người sử dụng biết lượng điện hiện có để tiên lượng cho đoạn đường đi của mình.

Tuy nhiên, anh Hùng- chủ cửa hàng xe đạp điện trên phố Bà Triệu cho biết, xe đạp điện Trung Quốc phụ tùng kém chất lượng, tuổi thọ của ắc quy chỉ được hơn một năm. Sở dĩ nhiều khách hàng chọn xe của Trung Quốc là do kiểu dáng bắt mắt, giá thành chỉ 4-5 triệu đồng/chiếc, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người.

Mặc dù cũng giá cả cạnh tranh (4-5 triệu đồng/chiếc), cấu tạo tương tự sản phẩm của Trung Quốc nhưng xe đạp điện trong nước sản xuất dường như không được người tiêu dùng ưa chuộng. Cũng theo anh Hùng, tỷ lệ xe đạp điện do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm 5% trong tổng số các dòng xe đang phân phối tại cửa hàng. Lý giải vấn đề này, anh Hùng cho rằng, do dòng xe thương hiệu Việt “nghèo nàn” về mẫu mã nên ít được khách hàng quan tâm.

Nắm bắt được nhiều hạn chế của xe đạp điện chạy ắc quy như nặng, cồng kềnh, khả năng đi quãng đường chỉ được 30-35 km, độ bền thấp trong khoảng 1,5 đến 2 năm phải thay bình ắc quy, thời gian gần đây, các hãng bắt đầu tung ra thị trường loại sản phẩm chạy bằng pin tiện lợi hơn, kéo dài thời gian sử dụng, cho khả năng đi quãng đường xa nhất 60 đến 80km.

Theo khảo sát, xe chạy bằng ắc quy có giá khoảng 8 đến 12 triệu đồng/chiếc, còn xe chạy bằng pin có giá khoảng 10 đến 19 triệu đồng/chiếc. Mặc dù giá thành có đắt hơn, nhưng nhiều khách hàng đã chuyển sang mua loại xe chạy bằng pin do thời gian chạy được lâu hơn.

Theo chị Ánh Ngọc (Khâm Thiên, Hà Nội), sử dụng xe đạp điện có rất nhiều ưu điểm: tiết kiệm chi phí, không gây tiếng ồn, không xả khói gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, nếu sử dụng xe máy, chạy 100km mất ít nhất 70.000 đồng tiền xăng, trong khi đó mỗi lần nạp điện chỉ mất hai số điện cho khoảng 60km.

Chị Ngọc cho biết chị mới mua xe đạp điện được hơn một tháng nay, tính ra mỗi tháng chị tiết kiệm được gần 400.000 đồng so với trước kia chị đi xe ga. Chị Ngọc vui vẻ: “Thời kỳ kinh tế khó khăn, giá xăng tăng cao, tính ra số tiền tiết kiệm hàng tháng cũng mua được một hộp sữa bột 900g cho con”.

Còn với bác Trần Thị Thụy (Giải Phóng, Hà Nội), đi xe đạp điện không chỉ thích hợp cho quãng đường di chuyển ngắn trong thành phố, mà còn giúp bác tập thể dục hàng ngày. Ngoài ra, xe đạp điện nhỏ gọn hơn xe máy, trọng lượng xe nhẹ, tốc độ vừa phải, không cần bằng lái, không tốn chi phí đăng ký xe.

Hơn nữa, chi phí mua một chiếc xe đạp điện không quá đắt so với túi tiền của những cán bộ hưu trí. Chưa kể là đi xe đạp điện giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.


Phạm Hằng




Giá xăng, dầu giảm 450-500 đồng/lít
Giá xăng, dầu giảm 450-500 đồng/lít

Sau 2 tuần điều chỉnh giá xăng tăng cao, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định giảm giá bán xăng dầu trong nước sau khi diễn biến giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN