Thị trường vàng dao động

Sau những ngày giá vàng vượt ngưỡng 47 triệu đồng/lượng, ngày 17 và 18/9 thị trường vàng trong nước đã có sự dao động, giá vàng giảm xuống còn khoảng 46,7 - 46,8 triệu đồng/lượng.

 

Giá vàng đi xuống khiến thị trường ảm đạm (ảnh chụp lúc 17 giờ 30 ngày 18/9).

 

Theo nhiều chuyên gia, do người dân tranh thủ chốt lời, ồ ạt bán vàng trong 2 ngày đầu tuần đã kéo giá vàng đi xuống. Song, nguyên nhân sâu xa là do thông tin vàng nhái SJC lại xuất hiện, sợ mua nhầm vàng nhái nên lực mua vàng đầu cơ cũng giảm mạnh.

 

Biến động mạnh vì đâu?


Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc CTCP kinh doanh và đầu tư Vàng Việt Nam (VGB) nhận định: Giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua là do ảnh hưởng của giá vàng thế giới cộng với tâm lí đám đông. Cụ thể sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố gói kích thích QE3 đã đẩy giá vàng trong nước tăng cao, theo đó mức chênh lệch với vàng thế giới càng nới rộng.


Yếu tố thứ hai được cho là góp phần quan trọng khiến cho giá vàng tăng là do vấn đề liên thông cung cầu bị cắt khúc. Theo ông Hải, dù sau ngày 23/8, NHNN đã cho công ty SJC gia công một lượng lớn vàng miếng, tới 1.723 kg, tương đương 50.000 lượng nhưng việc thị trường vẫn khan hiếm nguồn cung khiến dư luận băn khoăn lượng vàng này có thực sự được cung ứng ra thị trường hay không. Đại diện của Sacombank SBJ cũng cho rằng, nếu gần 50.000 lượng vàng được cung ứng ra thị trường thì khó xảy ra cơn sốt vàng như vừa qua.


Ngoài ra, mức chênh lệch cao nói trên cũng được nhiều chuyên gia lý giải là do có lực mua để cắt lỗ của nhiều ngân hàng đã từng vay vàng để chuyển sang VNĐ nhằm hưởng chênh lệch lãi suất trước đây. Bởi kể từ ngày 25/11 tới đây, các ngân hàng phải chấm dứt việc giao dịch liên quan tới vàng. Đại diện Công ty SJC cũng thừa nhận, người mua vàng chủ yếu là doanh nghiệp, tổ chức trong đó có ngân hàng, chứ người dân mua không nhiều. Có thể thấy trên trang website chuyên về phân tích kinh tế tài chính Vietstock, các chuyên gia đã “chỉ điểm” những ngân hàng đang gom vàng SJC chủ yếu là: ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank, DongABank, SouthernBank, VietABank. Đây là 7 ngân hàng được phép bán vàng SJC bình ổn, đồng thời cũng được phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái. Trong đó, 3 ngân hàng gom vàng SJC mạnh nhất phải kể đến là SouthernBank, DongABank và VietABank. Theo báo cáo tài chính và số liệu cuối năm 2011, 3 ngân hàng này lần lượt có trạng thái vàng là âm 5,394 tỷ VNĐ, âm 2,678 tỷ VNĐ và âm 7,502 tỷ VNĐ. Với tình hình thị trường 6 tháng đầu năm 2012, thì nhiều khả năng trạng thái vàng của các ngân hàng này còn âm nhiều hơn nữa.

 

Cung không đủ cầu: SJC nhái tái xuất


Sự tăng giá mạnh của vàng, cùng với nhu cầu mua mạnh đã khiến vàng SJC nhái lại tái xuất trên thị trường. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính là kể từ ngày 25/8, chỉ riêng Công ty SJC được sản xuất vàng miếng dưới sự giám sát của NHNN, điều này khiến lượng cung vàng ra thị trường không nhiều như trước đây.


Đại diện Công ty SJC thừa nhận, vàng bị làm nhái SJC một phần do giá vàng đắt. Đáng lo ngại, việc nhái vàng SJC ngày càng tinh vi, khiến người mua lẫn người bán khó có thể phân biệt được. Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty SJC cho biết: “Ngày 11/9, Công ty đã làm văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước, UBND TP.HCM và cơ quan công an điều tra làm rõ. Theo xác định của công ty, đây là việc làm giả có quy mô, tổ chức chứ không phải thủ công lặt vặt”.

 

Đặc biệt, đây cũng chính là cơ hội cho vàng lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Bởi sau khi vàng miếng nhái SJC loại hai chỉ tràn ngập trên thị trường cách đây 1 tháng, thì nay lại xuất hiện vàng miếng loại một lượng. Những loại vàng này thường không đủ tuổi, nếu đo trên máy của Công ty SJC chỉ cho ra vàng 999 hoặc 999,5 chứ không ra vàng bốn số 9. Theo tìm hiểu của Công ty SJC, loại vàng nhái này chủ yếu được làm giả tại nước ngoài và đưa về nước qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Công ty SJC, nhất là khi SJC đã được trở thành thương hiệu quốc gia.


Trước sự tinh vi của việc làm vàng nhái SJC khi khó xác định bằng mắt thường, Công ty SJC cho biết hiện đang gấp rút tăng cường máy kiểm định để phát hiện vàng miếng giả, nhái. Với các cửa hàng vàng, biện pháp không bị mua vàng nhái là hạn chế mua vàng của người lạ.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia vàng, để loại trừ tận gốc vàng nhái, giả không còn cách nào khác là thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Chênh lệch hiện nay quá “béo bở” để vàng lậu tìm mọi cách tuồn vào trong nước. Nếu tình trạng này kéo dài, vàng lậu sẽ thâm nhập thị trường trong nước gây thiệt hại khôn lường. Còn bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty SJC, cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên sớm thống kê và cho phép chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC để tăng thanh khoản vàng cho các ngân hàng, qua đó hạ nhiệt giá vàng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết cũng đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm công bố đề án huy động vàng trong dân, vì ngày 25/11 tới, các ngân hàng không còn được phép huy động vàng. Nếu chưa thể ban hành đề án chính thức, Ngân hàng Nhà nước cũng nên công bố dự thảo để định hướng thị trường.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN