Tết Đoan Ngọ trầm lắng do trời nóng bức

Ngày mai 5/5 âm lịch là Tết Đoan ngọ (Tết giết sâu bọ) theo phong tục truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên trong chiều nay, thị trường đồ cúng, đồ ăn cổ truyền vẫn khá trầm lắng và không đa dạng như mọi năm.

Tại thị trường Hà Nội, theo những người bán hàng, lượng khách mua hoa quả, rượu nếp trong những ngày này không tăng nhiều so với ngày thường, do nhiều người có tâm lý chờ đến sáng sớm ngày mùng 5 mới mua.

Hiện nay, trên thị trường, giá mận đang giao động khá lớn, từ 10.000 đồng/kg – 35.000 đồng/kg, vải 40.000 đồng – 60.000 đồng/kg, chôm chôm 45.000 đồng/kg – 55.000 đồng/kg, dưa hấu 15.000 đồng/kg – 35.000 đồng/kg, cơm rượu nếp 4.000 đồng – 6.000 đồng/lạng.

Năm nay, hoa quả phục vụ Tết Đoan ngọ tại Hà Nội không đa dạng như mọi năm. Vải và mận đều ít.


Thời tiết nắng nóng cũng được coi là một trong những lí do khiến người dân Thủ đô ít ra đường mua bán. Hơn nữa, những loại hoa quả như mận, vải lại mang tính nóng nên ít được lựa chọn.

Tại TP Hồ Chí Minh, Tết Đoan ngọ năm nay cũng khá im ắng so với mọi năm. Khảo sát của phóng viên, giá các loại trái cây, bánh tro cúng… vẫn không thay đổi so với năm ngoái, thậm chí còn mềm hơn.

Cụ thể, không ít mặt hàng trái cây phổ biến dịp tết Đoan Ngọ như: chôm chôm, bòn bon, dâu, xoài... đang rớt giá từ 5.000-7.000 đồng/ kg so với năm 2013 nhưng sức mua vẫn kém. Xoài cát Hòa Lộc vẫn đứng ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg; na khoảng 40.000 đồng/kg, dâu chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; chôm chôm dao động ở mức 30.000 đồng/ kg…

Tại các chợ truyền thống, lượng trái cây, hoa cúng về chợ những ngày này tăng khoảng 30% so với ngày thường nhưng sức mua không cao như mong đợi của tiểu thương. Riêng giá một số loại hoa cúng như cúc, lily… tăng nhẹ thêm từ 2.000-5.000 đồng/bó. Tại nhiều quầy bán trái cây hoặc hoa tươi, người bán còn kết hợp bán thêm lá xông (dùng để treo trước cửa nhà trong ngày mùng 5/5) với giá như mọi năm, từ 10.000 – 15.000 đồng/bó.

Các loại bánh truyền thống như bánh ú nước tro loại ngon khoảng 50.000 - 70.000 đồng/12 cái, bánh bá trạng nhân nấm đông cô, trứng vịt muối, thịt heo… khoảng 100.000 đồng/cặp tùy trọng lượng.

Bánh ú tro là đồ truyền thống trong ngày Tết Đoan ngọ của người dân Nam Bộ.


Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và những tỉnh khu vực Đông Nam Bộ như: Đồng Nai, Bình Dương… hiện đang là thời điểm trái cây vào mùa thu hoạch rộ. Tận dụng cơ hội này, rất nhiều nhà vườn đã tổ chức đón du khách đến tham quan, vui chơi. Cách TP Hồ Chí Minh khoảng 20 km, Lái Thiêu (Bình Dương) nổi tiếng là địa điểm tham quan, du lịch xanh lý tưởng đối với người dân các tỉnh trong khu vực.

Thời điểm Tết Đoan ngọ, trái cây chín rộ, du khách đi chơi vườn Lái Thiêu sẽ được tận hưởng không khí trong lành của vườn cây trải dài tít tắp và được thưởng thức các loại trái cây ngon như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm... “Năm nay lượng khách về vườn không nhiều. Những năm trước chưa tới Tết Đoan ngọ du khách đã kéo đến vườn rất nhiều rồi chứ không vắng hoe như năm nay”, chị Nguyễn Thị Thuý ở huyện Thuận An (Bình Dương) cho biết.

Theo phong tục truyền thống, Tết Đoan ngọ của người Việt Nam được tiến hành vào chính giờ Ngọ - giữa trưa ngày mùng 5/5 âm lịch hàng năm.Người xưa quan niệm rằng: Trong cơ thể con người nhất là đường tiêu hóa thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Vì vậy, tại Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc, người ta thường ăn hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5 để diệt sâu bọ.


Thu Hồng - Lê Nghĩa - Hoàng Dương
Cơm rượu nếp 3 miền đón Tết Đoan Ngọ
Cơm rượu nếp 3 miền đón Tết Đoan Ngọ

Thật thú vị từ một món ăn cổ truyền trong dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) là rượu nếp, qua 3 miền đất nước lại mang những hương vị rất khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN