Doanh nghiệp nỗ lực giải quyết hàng tồn kho

Thời điểm cuối năm, nhưng sức mua của người tiêu dùng khá trầm lắng đã làm cho không ít doanh nghiệp (DN) lo lắng về việc giải phóng hàng hóa tồn kho. Trong điều kiện đó, vấn đề kích cầu tăng đang là vấn đề “sinh tử” đối với nhiều DN.

 

Nỗ lực từ DN


Thị trường Tết năm nay không phải đối mặt với nỗi lo thiếu hàng. Hàng hóa chất đống trong kho khiến các DN đang phải lo tìm giải pháp thích hợp để giải phóng hàng tồn. Tại Công ty TNHH Toàn Thiên Ấn chuyên cung cấp sản phẩm nội thất, cung ứng vật tư trang trí, đồ gỗ dân dụng, vốn tập trung phục vụ cho thị trường nội địa, nhưng do sức mua trong nước giảm nên hiện nay DN đã linh hoạt điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh.


 

Xuất khẩu khó khăn, sức mua trong nước yếu…, các DN sản xuất trong nước đang vất vả với bài toán đầu ra.

 

“Theo đó, các sản phẩm dành cho nội địa sẽ hướng đến phân khúc thị trường có thu nhập trung bình, khá. Riêng thị trường nước ngoài, DN sẽ chú trọng vào những sản phẩm thủ công mang tính đặc thù, có giá trị xuất khẩu cao và nhắm vào các đối tác khó tính”, anh Nguyễn Hữu Toàn, GĐ đơn vị, cho hay.


Trong các ngành hàng tiêu dùng thì sản phẩm may mặc của DN sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nặng và nằm trong top có lượng tồn kho lớn nhất. Để giải phóng hàng tồn kho, ngay từ đầu năm 2012, Công ty TNHH PNI chuyên sản xuất quần áo lót, đồ ngủ… đã chủ động mở rộng, đa dạng hóa các kênh bán hàng. DN đã liên kết với các đầu mối để đưa hàng giao tận tay tiểu thương ở hệ thống chợ truyền thống trên phạm vi cả nước để tiêu thụ, từ đó nâng được tỷ lệ hàng hóa bán qua các kênh truyền thống lên gần 60%. Ngoài ra, DN còn tăng cường triển khai chương trình giảm giá, khuyến mãi… để thu hút khách hàng.


Là đơn vị đi đầu của TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực phân phối các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co-op Mart, cho biết với nỗ lực giải phóng hàng tồn kho, DN đã sớm có kế hoạch mở thêm nhiều điểm bán hàng và đẩy mạnh đưa hàng về nông thôn. “Năm nay, chúng tôi sẽ hoàn tất việc mở thêm 8 - 10 siêu thị, 30 cửa hàng Co.op Food, đồng thời phát triển mạng lưới bán lẻ Saigon Co.op ra khu vực Hà Nội, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2012 vào khoảng 30%”, ông Nhân lạc quan.

 

Thay đổi để thích ứng


Tại hội thảo “Giải phóng hàng tồn kho trong chuỗi giá trị DN” do Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng để giải quyết được bài toán hàng tồn kho, DN cần phải cơ cấu lại các mặt hàng, tìm hiểu thị trường, sức mua, nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Trước khi thực hiện giải pháp giảm giá kích cầu, tự bản thân DN cần phải suy nghĩ nghiêm túc đến việc căn cơ hơn là điều chỉnh lại kênh phân phối và phương pháp bán hàng. Bên cạnh đó, phương pháp bán hàng cũng cần phải linh động với nhiều “chiêu, trò”, miễn sao đáp ứng được yêu cầu đặt ra mà không vi phạm đến pháp luật.


“DN chúng tôi ưu tiên tập trung vào phát triển đội ngũ bán hàng, trong đó đẩy mạnh chiết khấu cho nhân viên bán hàng để góp phần thúc đẩy bộ phận kinh doanh phát triển. Thực tế cho thấy, đây chính là động lực để mỗi nhân viên bán hàng tích cực bán được hàng nhiều hơn”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group, chia sẻ.


Theo các chuyên gia kinh tế, các DN cần chú ý phân loại hàng tồn kho, xem đâu là hàng hóa cần phải giải quyết ngay và đâu là nhóm hàng có thể dự trữ cho thị trường những năm sau. Với hàng hóa tồn kho, không nên đặt cao mục tiêu lợi nhuận mà ưu tiên cho việc thu hồi vốn để có điều kiện chuyển đổi hướng đầu tư. Riêng hàng dự trữ, cần xây dựng kế hoạch bán ra phù hợp và có lộ trình, giải pháp cụ thể. “Theo tôi, trong giai đoạn này, DN nên hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh mà chú trọng các giải pháp trong quản lý chặt chẽ dòng tiền, cũng như điều chỉnh hướng đầu tư cho phù hợp với thị trường”, ông Vũ nói thêm


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN