12:16 16/12/2010

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”

Đã 64 năm trôi qua, đọc lại Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, chúng ta vẫn cảm nhận thấy hào khí của Lời kêu gọi cứu nước, đồng thời cũng thấy trong văn kiện lịch sử này những nét đặc sắc của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Đã 64 năm trôi qua, đọc lại Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, chúng ta vẫn cảm nhận thấy hào khí của Lời kêu gọi cứu nước, đồng thời cũng thấy trong văn kiện lịch sử này những nét đặc sắc của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Chiến tranh nhân dân


Năm 1945, nước ta vừa giành được độc lập thì nạn ngoại xâm đã ập tới. Ngày 23/9 năm đó, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, đã nổ súng đánh ta ở Nam bộ. Sau hàng loạt cố gắng trên bàn đàm phán, trước sự lấn tới của thực dân Pháp, chiến tranh đã nổ ra bởi “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, đối phương chủ trương gây chiến.

Không còn con đường nào khác, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chính nghĩa chống lại chiến tranh phi nghĩa. Hồ Chí Minh không chút ảo tưởng về lòng nhân từ của bọn xâm lược. “Độc lập tự do không thể cầu xin mà có được”.

Quân và dân Hà Nội chiến đấu, giành giật với địch từng góc nhà, đường phố (tháng 12/1946).

Khi không còn khả năng có thể tránh được chiến tranh thì Hồ Chí Minh kiên quyết động viên toàn dân đứng lên chiến đấu: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Các nhà nghiên cứu đánh giá: Tiếp theo Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là văn kiện thứ hai đề cập đến mục tiêu chính trị của cuộc cách mạng tháng 8/1945. Đó là Độc lập - Tự do -Hạnh phúc, là những khát vọng của một dân tộc đã bị mất nước, bị nô lệ 80 năm. Bởi vậy ta có thể hiểu vì sao toàn dân Việt Nam đã hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ và các thế hệ người Việt Nam, từ đời cha đến đời con đã tự nguyện hy sinh chiến đấu đến cùng cho những mục tiêu ấy.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày quan điểm “Chiến tranh nhân dân” một cách vô cùng giản dị và hào hùng. Có thể nói nét độc đáo, đặc sắc nhất trong đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là ở hai chữ toàn dân. Bác viết: “Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Đây là một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự về kháng chiến toàn dân, toàn diện.

Lời kêu gọi kết thúc bằng khẳng định niềm tin tất thắng: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta. Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Lời Hịch cứu nước - là một áng hùng văn sáng chói của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Ba ý nghĩa thực tiễn

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội ở cả 3 Liên khu lúc bấy giờ đã chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ thu hút lực lượng địch, giam chân kẻ thù trong thành phố suốt 60 ngày đêm và thực hiện thắng lợi cuộc rút lui chiến lược thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô về hậu phương an toàn, làm thất bại kế hoạch của Pháp hòng bao vây tiêu diệt lực lượng ta.

Nhìn lại lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và những diễn biến tiếp sau đó của lịch sử, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng (Viện Khoa học xã hội nhân văn Quân sự - Bộ Quốc phòng) nhận định có thể tìm ra từ đây ba bài học có ý nghĩa thực tiễn lớn.

Một là, kiên quyết giữ vững hòa bình, ổn định, ngăn ngừa, loại trừ nguy cơ chiến tranh, bảo đảm môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ra đời giữa lúc chúng ta phải thực hiện mọi biện pháp có thể được, tuân thủ phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" để giữ gìn, củng cố nền hòa bình, để nhân dân ta có điều kiện xây dựng và gia tăng sức mạnh đất nước.

Hai là, Lời kêu gọi chỉ ra rằng, nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, khát khao và mong muốn hòa bình, không muốn xảy ra chiến tranh, nhưng không phải thế mà chờ đợi một cách thụ động.

Ba là, khi chiến tranh xảy ra thì thực hiện chiến tranh nhân dân, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, quyết tâm chiến thắng quân thù. Ý chí sắt đá quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và tư tưởng kháng chiến toàn dân, toàn diện là nội dung cơ bản, đặc biệt quan trọng trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Khi đã đến giới hạn không thể "nhân nhượng" được nữa, bởi vì kẻ thù ngày càng "lấn tới", thì chúng ta buộc phải cầm súng và sẵn sàng đương đầu chống xâm lược, quyết bảo vệ độc lập tự do và cuộc sống của mình.

Yêu chuộng hòa bình, khát khao hòa bình phải gắn với việc kiên quyết đấu tranh để bảo vệ hòa bình, nếu kẻ thù rắp tâm xâm lược nước ta thì chúng ta "quyết không sợ", quyết đứng lên chiến đấu đến cùng. Đó là thái độ và ý chí quyết tâm của nhân dân ta.

“Tư tưởng cơ bản của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chỉ ra rằng, ý chí quyết không sợ không phải là tinh thần quả cảm chung chung, mà phải gắn bó chặt chẽ với việc quyết chiến, biết chiến thắng kẻ thù. Lời giải cơ bản của bài toán biết chiến thắng kẻ thù là thực hiện chiến tranh nhân dân, hễ là người Việt Nam đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng kết luận.

Cầm Trang