04:17 02/04/2018

Từ thương vụ Grab mua quyền hoạt động của Uber: Cuộc cạnh tranh mới để tồn tại

Việc Grab mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á đang là tâm điểm của thị trường vận tải hành khách bằng taxi và xe ôm công nghệ những ngày qua tại Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh, nơi đầu tiên Uber gia nhập hoạt động vào năm 2014.

Một tài xế Uber điền thông tin trong hồ sơ đăng ký việc làm trong ngày 2/4 với hãng Mai Linh Bike.

Vụ việc này đã tác động, ảnh hưởng nhiều mặt đến hoạt động vận tải hành khách nói chung và những vấn đề pháp lý, việc làm... nói riêng hiện nay. 

Nhiều vấn đề pháp lý mới 

Sự kiện này đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới tại Việt Nam vì đây là lần đầu tiên có thương vụ mua hoạt động kinh doanh vận tải chứ không phải mua lại tài sản, nhất là trong bối cảnh Grab được kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô). 

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, vừa qua Uber đã khởi kiện Cục thuế TP Hồ Chí Minh khi Cục thuế thành phố cho rằng Uber đang nợ hơn 53 tỷ đồng tiền thuế. Số tiền này được xác định là thuế VAT và thu nhập cá nhân của đối tác Uber là các tài xế đóng cho Uber. Vấn đề được dư luận quan tâm ở chỗ, sau khi được Grab mua lại hoạt động kinh doanh, các vấn đề pháp lý vụ án dân sự này sẽ được xử lý như thế nào? 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam cho biết, Uber đã cam kết sẽ chịu trách nhiệm giải quyết toàn bộ vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế còn tồn đọng. Do vụ kiện có liên quan đến các vấn đề đã phát sinh trước ngày hoàn tất giao dịch chuyển nhượng hoạt động kinh doanh từ Uber sang Grab tại Việt Nam nên phía Grab không có bất kỳ quyền, nghĩa vụ trong vụ kiện. Vì thế Uber sẽ là bên ra quyết định có theo đuổi vụ kiện hay không. 

Cùng với các vấn đề pháp lý nêu trên, thương vụ Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber cũng có nhiều vấn đề phát sinh như nguy cơ thất nghiệp của hàng nghìn tài xế taxi và xe ôm công nghệ. 

Trong mấy ngày qua tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tài xế Uber đang tất bật nộp hồ sơ đăng ký qua hãng taxi truyền thống, thay vì chạy qua Grab. Tài xế Võ Kỳ Linh, chạy xe máy Uber cho biết, khi Uber mới hoạt động tại TP Hồ Chí Minh với khoảng 8.000 tài xế thì thu nhập trung bình đạt hơn 10 triệu/tháng nhưng về sau do cạnh canh của Grab nên chỉ còn 6-7 triệu đồng/tháng. Mới đây, trên điện thoại của tài xế, Uber thông báo việc sẽ ngừng hoạt động từ ngày 8/4 và đề nghị tài xế chuyển qua ứng dụng Grab. 

Trên thực tế, phía Grab yêu cầu tài xế phải chạy liên tục, không được ngắt quãng và tắt App (chương trình, ứng dụng) nhiều lần trong một ngày. Trong khi đó, do bản thân còn phải chăm lo công việc gia đình nên không thể chạy liên tục và sau hơn 1 năm chạy Uber, tài xế Võ Kỳ Linh quyết định đăng ký chạy Mai Linh Bike. Một lý do khác khiến tài xế này chuyển qua Mai Linh Bikr là muốn ủng hộ doanh nghiệp trong nước và cho biết sẽ kêu gọi nhiều tài xế cùng tham gia Mai Linh Bike. 

Có chung quan điểm, tài xế Mai Văn Hùng cho hay, bản thân đã chạy Uber được 1 năm, chạy Grab được 7-8 tháng. Phía Grab quy định chặt chẽ thời gian chạy liên tục, không được tắt App nhiều lần, nếu tự tắt App thì sẽ bị khoá tài khoản. Nhiều tài tế khác do lỗi đã bị Grab khoá tài khoản, sau đó nhảy sang hoạt động cho Uber rồi xin về lại Grab nhưng không được chấp nhận. Đây cũng là lý do mà tài xế Mai Văn Hùng quyết định đăng ký Mai Linh Bike. 

Đánh giá về ảnh hưởng của thương chuyển nhượng kể trên, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, Grab đang tích cực chuẩn bị để chào đón các đối tác tài xế của Uber ngay sau khi họ đồng ý tham gia và sẽ làm việc chặt chẽ với các hợp tác xã, đối tác vận tải nhằm đảm bảo rằng họ sẽ vẫn nhận được những lợi ích và chương trình thưởng như các đối tác hiện tại của Grab đang được hưởng. Để đáp ứng việc có thêm nhiều đối tác tài xế Uber tham gia, Grab cũng đang nhanh chóng mở rộng chương trình khách hàng thân thiết GrabRewards (đi Grab tích điểm). 

Tài xế Uber đăng ký hoạt động cho Mai Linh Bike trong sáng ngày 2/4.

Đến cuộc đua công nghệ 

Khẳng định lại bản chất của Grab, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng, Grab không phải là công ty cung cấp dịch vụ taxi mà là một công ty công nghệ cung cấp hàng loạt dịch vụ tiêu dùng khác nhau. Nhờ đó, các đối tác tài xế và người sử dụng Uber dễ dàng được tích hợp vào nền tảng ứng dụng của Grab. Các hãng taxi có thể sử dụng nền tảng ứng dụng Grab để bổ sung cho phương thức đón khách trên đường để tạo thêm nhiều việc làm một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn. 

Trước khi diễn ra thương vụ Grab mua hoạt động kinh doanh của Uber, nhiều lần các hãng taxi truyền thống lớn hoạt động tại TP Hồ Chí Minh lên tiếng phản đối cả Uber và Grab. Thậm chí đầu năm 2018, hãng taxi Vinasun đã khởi kiện Grab ra TAND TP Hồ Chí Minh đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng vì cho rằng Grab cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho Vinasun. 

Đối với hoạt động kinh doanh, hãng taxi Vinasun cũng “âm thầm” thay đổi, đầu tư để hoàn thiện công nghệ theo mô hình của Uber, Grab như hợp tác với Momo để tạo ra giải pháp thanh toán trên điện thoại di động. Gần đây nhất là việc nâng cấp App thêm tính năng “biết trước giá khi đặt xe”, điều mà nhiều năm nay các hãng taxi truyền thống không quan tâm thực hiện mà chỉ sử dụng đồng hồ tính cước. 

Mới đây, sau thông tin Uber sẽ ngừng hoạt động từ ngày 8/4, Phương Trang, hãng xe khách liên tỉnh lớn có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh loan báo, sẽ đầu tư khoảng 100 triệu USD mua ứng dụng gọi xe Vivu và sáp nhập vào Vato (ứng dụng gọi xe dựa trên nền tảng điện thoại di động). Trước mắt ứng dụng Vivu sẽ được Phương Trang thử nghiệm tại TP Hồ Chí Minh, cho phép người dùng "mặc cả" với lái xe, đồng thời tích hợp nhiều chức năng như thanh toán, vận tải, hàng hoá… 

Đặc biệt, hãng taxi truyền thống lâu đời Mai Linh đã ấp ủ chiến lược nhằm “đối phó” và “thích ứng” cuộc chơi với Grab. Giữa tháng 11/2017, Tập đoàn Mai Linh đã ra mắt dịch vụ gọi xe ôm công nghệ (Mai Linh Bike) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. 

Đến nay, đã phát triển hơn 10.000 xe ôm công nghệ. Mục tiêu đến năm 2020 đạt 1 triệu xe Mai Linh Bike. Tại TP Hồ Chí Minh, sau thông tin Grab mua lại Uber, bình quân mỗi ngày có hơn 100 tài xế Uber đến đăng ký chạy Mai Linh Bike. Dự kiến vào ngày 8/4 tới đây, khi Uber chấm dứt hoạt động tại Đông Nam Á, Mai Linh sẽ khai trương dịch vụ Mai Linh Bike tại Lâm Đồng, Thái Nguyên, Nha Trang, Cần Thơ và Quảng Ninh. 

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho biết, từ khi Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber, đã có 200 tài xế taxi của Uber đăng ký vào hoạt động cho Mai Linh. Bản thân Mai Linh sẽ tham gia đào tạo cho tài xế mới về văn hoá, pháp luật và tiến hành ký hợp đồng tuy theo độ tuổi. Nếu Uber áp dụng mức chiết khấu lên tơi 20 – 30% thì Mai Linh chỉ áp dụng từ 12 – 14,9%, đồng thời Mai Linh sẽ đóng gói bảo hiểm nhân thọ cho tài xế cũng như hỗ trợ thiệt hại các vụ tai nạn cao nhất lên tới 300 triệu đồng/vụ. 


Trần Xuân Tình (TTXVN)