11:16 14/11/2011

Tự phát đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm

Trong thời gian gần đây, tại vùng ngọt hóa thuộc các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau đã xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân tự ý đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, khiến cho nước mặn lấn sâu vào vùng ruộng trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái.

Trong thời gian gần đây, tại vùng ngọt hóa thuộc các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau đã xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân tự ý đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, khiến cho nước mặn lấn sâu vào vùng ruộng trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái.

Theo báo cáo mới đây của cơ quan bảo vệ môi trường, chỉ riêng trong năm 2011 đã có trên 10.000 ha đất vùng ngọt hóa đã bị xâm mặn. Mặn xăm nhập đã làm cho lúa, cây ăn trái, hoa màu không phát triển được, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đứng trước nguy cơ vùng quy hoạch ngọt hóa bị phá vỡ.

Nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau. Nguồn Internet


Nhiều nông dân trực tiếp tham gia bửa đập đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm cho biết: do trồng lúa năng suất thấp, kinh tế chậm phát triển nên bà con có nguyện vọng bỏ cây lúa để chuyển sang nuôi trồng thủy sản, hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực tế ở vùng giáp ranh mặn - ngọt rất khó sản xuất; trồng lúa năng suất rất thấp, trong khi nuôi tôm cũng không khá hơn khiến cho nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn, không biết phải trồng cây gì, nuôi con gì.

Trước tình hình trên, năm 2011 chính quyền địa phương cũng đã điều chỉnh quy hoạch gần 20.000 ha, theo đó nếu vùng nước ngọt trồng lúa mà không hiệu quả thì chuyển sang nuôi tôm, ngược lại vùng nuôi tôm không hiệu quả sẽ chuyển sang nuôi trồng các loại cây, con khác. Đây là sự điều chỉnh cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, ở một số nơi, người dân tự phát đưa nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm đã gây tác hại. Chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp chấn chỉnh tình hình này ./.


Trần Thành Nên