09:17 17/09/2014

Từ nhân viên ngân hàng London đến chiến binh IS

“Tôi đối diện cái chết bằng một nụ cười”. Đó là câu nói của Abu A’ntaar, một chiến binh người Anh ở miền bắc Iraq trong hàng ngũ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

“Tôi đối diện cái chết bằng một nụ cười”. Đó là câu nói của Abu A’ntaar,  một chiến binh người Anh ở miền bắc Iraq trong hàng ngũ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Các chiến binh IS.


Đặc điểm khiến A’ntaar khác biệt với phần lớn các chiến hữu IS của mình là việc trước khi sống cuộc sống của một phiến quân Jihad, A’ntaar tuyên bố từng là một chuyên viên phân tích nghiệp vụ, làm việc ở thủ đô London, Anh.

Con đường khủng bố hóa

Thiên hướng “quảng bá thương hiệu khủng bổ” của A’ntaar không khác biệt gì với phần lớn các chiến binh phương Tây thích khoe mẽ thông qua các thông điệp trên các mạng truyền thông xã hội.
 
Theo thống kê chính thức của chính phủ Anh, A’ntaar là một trong số khoảng 500 – 1.000 người Anh khác hiện đang chiến đấu trong khu vực trên tại Trung Đông. Phần lớn họ đến đây thông qua đường biên giới của Thổ Nhĩ Kì vào Syria và Iraq, những địa điểm mà lính biên phòng sẵn sàng “làm ngơ” với một khoản phí nhỏ.

Hình ảnh của IS trên mạng xã hội.


Tháng sáu năm nay, cơ quan tình báo Anh MI5 cho biết việc điều tra các chiến binh Jihad người Anh đang tham chiến ở Syria giờ đây là “ưu tiên hàng đầu” sau khi một video tuyển mộ được IS tung ra, trong đó có hình ảnh các chiến binh người Anh kêu gọi người Hồi giáo cùng đến gia nhập cuộc chiến.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, các chiến binh ngoại quốc người Anh tại Iraq cũng xuất hiện nhiều trên các bài báo và thu hút được sự quan tâm của dư luận quốc tế sau hai đoạn video quay cảnh hành quyết hai nhà báo người Mỹ là James Foley và Steven Socloff.

Trong cả hai đoạn video, một người đàn ông được truyền thông Anh gán cho cái tên “Jihad John” đã đe dọa người Anh và người Mỹ bằng thứ giọng được các nhà phân tích cho rằng là giọng Anh đặc trưng.

Thực trạng người Mỹ và châu Âu theo đạo Hồi, bí mật đi chiến đấu và bỏ mạng dưới ngọn cờ của IS trên lãnh thổ của một quốc gia khác đã khiến giới truyền thông và công chúng quan tâm. Câu hỏi được đặt ra là điều gì đã thôi thúc họ có hành động đó?

A’ntaar cho biết lý do tên này gia nhập IS là vì ghét “bị lãnh đạo bởi những điều luật không phải là luật của thánh Allah” và rằng những vùng lãnh thổ bị IS chiếm giữ gần đây là “nơi duy nhất luật sharia của Allah được áp dụng đầy đủ”. “Tôi ghét sự dân chủ và sự buông thả của người giàu… Tôi ghét sự bất bình đẳng… Tôi ghét các tập đoàn đang cố hủy hoại thế giới này vì chế độ độc tài”, A’ntaar nói.

Với A’ntaar, biểu tình hòa bình không phải là giải pháp. Theo thứ niềm tin thần thánh của A’ntaar, “IS đang dẫn lối trên con đường mà chúng ta lẽ ra nên phải đi ngay từ đầu”.

A’ntaar cho biết mình vừa là một “người lính”, một “kẻ đánh bom liều chết” và có thể “phá hủy” kẻ thù tùy thích. A’ntaar được trang bị vũ khí trong mọi lúc, “ngay cả khi ngủ”.  “Tôi là một thứ công cụ sống”, A’ntaar nói.

Những kẻ khủng bố đến từ "chúng ta"

Đầu năm nay, nhân vật được sinh ra ở Anh Abdul Waheed Majeed đã xuất hiện trên các bản tin báo chí sau khi tự lái một chiếc xe chất đầy chất nổ đâm vào một nhà tù ở Aleppo (Syria), tự thổi tung mình cùng những bức tường thành, tạo cơ hội cho hàng trăm tù nhân mà nhiều người trong số đó là các nhân vật cấp cao của tổ chức khủng bố al-Qaeda, bỏ trốn.

Abdul Waheed Majeed, được cho là kẻ đánh bom liều chết người Anh đầu tiên tại Syria, tại một trại tị nạn ở biên giới Thổ Nhĩ Kì và Syria. Ảnh: mirror.co.uk


Trong lúc chưa có thêm người Anh nào được cho có liên quan đến các vụ đánh bom liều chết khác, thì việc các tài khoản trên các mạng xã hội của các đối tượng bị tình nghi là người Anh như Usam a-al-Britani đã chỉ ra rằng vẫn còn có nhiều người sẵn sàng từ bỏ mạng sống của mình nếu nhận được lệnh làm như vậy.

Tuy nhiên, theo phó giám đốc Mark Stephens của Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia RUSI tại Qatar , với đặc tính “không sẵn có”, các chiến binh người Anh có xu hướng được sử dụng “để thực hiện các nhiệm vụ khác” thay vì đánh bom liều chết “bởi vì phần lớn họ không nói tiếng Arab”.

Bên cạnh đó, theo Stephens, các chiến binh ngoại quốc còn có thể được sử dụng để cung cấp thông tin tình báo và quản lý cơ sở vật chất cho IS. “Nếu một người có học vấn, có một bằng kĩ sư, thì người đó sẽ không được dùng làm kẻ đánh bom liều chết. Bạn cần những người có học thứ đó quản lý tổ chức. IS không chỉ là một tổ chức khủng bố, chúng còn quản lý các thành phố ở các khu vực chúng kiểm soát”.

Trước việc ngày càng có nhiều người Anh hướng đến Syria, các chính trị gia nước này đang bàn thảo đối pháp ứng phó không chỉ với các chiến binh này cũng như những mối nguy hại các phần tử này tạo ra với bản thân nước Anh. Hồi tháng sáu, Thủ tướng Anh David Cameron đã nói, các chiến binh ngoại quốc tạo ra “mối đe dọa lớn” với an ninh quốc gia của Anh, đồng thời cảnh báo các chiến binh IS đó có thể thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngay trên quê hương của chúng.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh cũng đã bắt đầu hành động với cuộc chiến chống khủng bố IS. Các đối tượng bị tình nghi là tân binh của IS sẽ bị tước hộ chiếu, cấm di chuyển ra nước ngoài, đóng băng tài sản và tài khoản ngân hàng nếu cần thiết.  

Tuy nhiên với A’ntaar, những cảnh báo trên không có nghĩa lí gì. A’ntaar nói: “Tôi không quan tâm đến một quyển hộ chiếu hay việc sống sở nước Anh. Tôi không muốn chúng và cách duy nhất tôi sẽ trở lại Anh là khi họ chiến đấu chống chúng tôi, và lãnh đạo của tôi sẽ giao cho tôi nhiệm vụ phá hủy kẻ thù từ bên trong… Nước Anh giờ đây là kẻ thù”.

Theo A’ntaar, dù không thể tự quyết định khi nào sẽ “tấn công (nước Anh)”, nhưng “chúng tôi đã sẵn sàng”.


Anh Minh (Theo RT)