Những thành phố ngầm kỳ dị nhất-Phần cuối

Về mặt kỹ thuật, có thể xây dựng không gian sống dưới lòng đất cho con người. Nhưng liệu chúng ta có muốn sống dưới lòng đất trong thời gian dài?


Những hiểm họa khi sống dưới lòng đất

Về mặt kỹ thuật, có thể xây dựng không gian sống dưới lòng đất cho con người. Nhưng liệu chúng ta có muốn sống dưới lòng đất trong thời gian dài? Sự thành công của các đề án như Earthscraper ở thành phố Mexico City phụ thuộc vào việc làm sao để con người vượt qua được nỗi sợ phải sống trong lòng đất.

Earthscraper ở Mexico City được thiết kế để giúp con người vượt qua được nỗi sợ phải sống trong long đất.


“Theo lẽ tự nhiên thì con người sợ phải sống dưới các không gian ngầm, vì họ sẽ liên tưởng tới môi trường sống kiểu hang động, tối tăm, chật chột và sợ bị chôn sống”, Suarez bình luận. Nhưng bằng cách kết nối tất cả các khu vực của Earthscraper đến một không gian mở nằm ở vị trí trung tâm, nơi đón nhận ánh sáng tự nhiên từ giếng trời, Suarez hy vọng sẽ thay đổi nhận thức của người dân về dự án.

Có một số người, dù không nhiều, chỉ nghĩ đến việc sống ở dưới lòng đất trong một không gian chật hẹp đã thấy sợ. Gunnar D Jenssen, nhà nghiên cứu tâm lý học và thiết kế không gian ngầm của cơ quan nghiên cứu SINTEF đặt trên bán đảo Scandinavia, phát hiện ra khoảng 3% dân số mắc phải hội chứng này. Họ cực kỳ căng thẳng với nỗi sợ không có đường thoát, sợ lụt lội, sợ hỏa hoạn. Nhưng có một số cách để vượt qua nỗi sợ của họ.

"Nếu bạn trao cho họ cái gì đó nhằm tạo cảm giác là họ kiểm soát mọi thứ thì họ sẽ chịu sống ở đó. Đấy là điều then chốt. Chuyển ý tưởng đó vào kiến trúc, vào thiết kế chính là cách mà chúng tôi đang theo đuổi. Những yếu tố cơ bản phải có là không khí trong lành, không gian rộng rãi hoặc cảm thấy rộng rãi. Có thể sử dụng hiệu ứng ảo, nhưng tốt nhất là nó thực sự rộng rãi và được chiếu sáng tốt", Jenssen chia sẻ.

Sân khúc côn cầu trên băng nằm dưới lòng đất ở Helsinki, Phần Lan.


Jenssen đã làm việc tại 4 trong số các đường hầm dài nhất trên thế giới. Để tạo ảo giác về không gian, trong đường hầm, ông tạo ra các ốc đảo được chiếu sáng rực rỡ với các cây cọ và những hiệu ứng bầu trời dọc theo tuyến đường: "Bạn đi qua một đường hầm tối đen và đột ngột bạn thoát khỏi đó, đi vào một không gian rực sáng với cây cối và thảm thực vật ,bạn sẽ cảm thấy có không gian thoáng đãng, cảm thấy mình ở ngoài trời, cho dù thực ra là bạn đang ở trong đường hầm 1.000 m xuyên qua núi".

Mô hình công viên dưới lòng đất Lowline ở New York.


Sử dụng những hiệu ứng ảo và thủ thuật thiết kế để có cảm giác thoải mái hơn khi ở dưới lòng đất chỉ là một chuyện, nhưng nếu sống dưới đó, liệu chúng ta có phải chịu những tác động bất lợi do thiếu ánh sáng mặt trời không? Lawrence Palinkas từ Đại học Nam California nói: “Thiếu ánh sáng mặt trời có thể gây khó ngủ, ức chế và rối loạn chức năng nội tiết khiến gây ra các bệnh mãn tính khác nhau. Nhưng "tắm 'nắng” nhân tạo đúng thời điểm và theo định kỳ sẽ có tác dụng như được hưởng ánh sáng tự nhiên và do đó khiến mọi người có thể sống dưới lòng đất trong thời gian dài”.

Nơi tạm trú

Vì vậy, về mặt kỹ thuật là chúng ta có thể sống dưới lòng đất. Nhưng liệu chúng ta sẽ sống ở đó trong tương lai? Annette Kim, người đã tận mắt chứng kiến tác động của nhu cầu nhà ở tại Bắc Kinh, nghĩ là có thể. "Nếu tốc độ đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh như hiện nay và mọi người vẫn muốn chuyển đến sống ở các thành phố lớn, chúng ta sẽ phải sống như thế thôi!", Annette Kim nói và cho rằng điều đó cũng phụ thuộc vào cách sử dụng không gian: "Rất nhiều người chỉ về đó để ngủ đêm. Nó không phải là ngôi nhà ấm cúng khiến họ cảm thấy gắn bó. Họ sẽ sinh hoạt ở các không gian công cộng trên mặt đất để tận hưởng ánh nắng và khí trời".

Li Huanqing, một nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), người đã làm luận án tiến sĩ về đề tài đô thị hóa dưới lòng đất, lại cho rằng hầu hết các thành phố không có kế hoạch xây dựng nhà ở dưới lòng đất mà chỉ là không gian ngầm đa chức năng đóng vai trò là các trung tâm mua sắm và đường sá, nhằm giải phóng mặt đất bên trên cho nhà ở, không gian xanh và nơi vui chơi giải trí.

Theo chuyên gia Zhou, điều này là hợp lý: “Chẳng có lý do gì khiến mọi người không thể sống dưới lòng đất, nhưng chúng ta có thể đưa rất nhiều thứ khác xuống đó trước đã".

Công Thuận
Những thành phố ngầm kỳ dị nhất
Những thành phố ngầm kỳ dị nhất

Khi các thành phố ngày càng trở nên đông đúc hơn, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không làm nhà dưới lòng đất? Dưới đây là những công trình ngầm kỳ dị nhất thế giới, trong đó có các căn nhà trong đá ở Australia và những căn hộ được cải tạo từ hầm trú bom ở Bắc Kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN