07:20 08/07/2025

Từ khóa ‘Sáp nhập tỉnh thành’, cảnh giác hàng giả lên top tìm kiếm trên mạng

Những thông tin về sáp nhập tỉnh thành, concert quốc gia, cảnh giác hàng giả... là các chủ đề được tìm kiếm nhiều trong quý II/2025.

Nền tảng tìm kiếm Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm quý II/2025 phản ánh những chuyển động đa chiều trong mối quan tâm của người dùng Việt Nam trên không gian mạng. Bức tranh tìm kiếm phản ánh sự đan xen giữa các vấn đề thời sự trọng điểm, nỗi lo thường nhật, làn sóng công nghệ mới và các trào lưu văn hóa, ngôn ngữ mang đậm dấu ấn Gen Z.

Chú thích ảnh
Xu hướng tìm kiếm trên không gian mạng quý II/2025.

Từ tháng 4 đến hết tháng 6/2025, lượng tìm kiếm liên quan đến “sáp nhập tỉnh thành” tăng 100%, trong khi “bản đồ hành chính mới” tăng tới 172%, cho thấy người dân chủ động cập nhật thông tin và tra cứu địa giới hành chính mới theo quy định.

Ngoài ra, Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025) không chỉ thu hút sự quan tâm sâu rộng mà còn được “Gen Z hóa” với cụm từ “concert quốc gia”, lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Lượng tìm kiếm liên quan đến “diễu binh, diễu hành” tăng vọt 4.059%, phản ánh cách tiếp cận lịch sử mới - hiện đại, gần gũi và mang tính biểu tượng với giới trẻ.

Một điểm nhấn đáng chú ý khác liên quan đến xu hướng tìm kiếm trên Internet là người dùng Việt Nam “cảnh giác cao độ với hàng giả và thiên tai”.

Các vụ việc như “dầu ăn giả Ofood”, “kẹo rau củ Kera”, hay nghi vấn “lợn bệnh CP” khiến lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến hàng giả (như thuốc giả, sữa giả, kẹo rau củ Kera, lòng xe điếu) đều tăng mạnh đến 560%, phản ánh nỗi lo chung về chất lượng sản phẩm.

Quý II/2025 chứng kiến loạt từ khóa liên quan đến các vụ bê bối quảng cáo thực phẩm như “kẹo rau củ Kera” tăng mạnh: “Nguyễn Thúc Thùy Tiên”, “Hằng Du Mục”, “Quang Linh” lọt top tìm kiếm. Người dùng đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm pháp lý, đạo đức và cách người nổi tiếng xử lý khủng hoảng hình ảnh.

Đáng chú ý, từ lóng “Khối nghỉ hè” thường được dùng để chỉ các em học sinh về quê nghỉ hè, khiến nhà cửa ông bà trở nên náo nhiệt, lộn xộn - một cách mô tả vui nhộn nhưng đầy hình ảnh. Trong khi đó, “khối nghỉ hưu” ám chỉ nhóm người lớn tuổi, đang tận hưởng sự tĩnh lặng sau nhiều năm làm việc. Việc đặt hai nhóm vào thế đối lập dịp hè tạo xu hướng thu hút người đọc.

Bên cạnh sự kiện thể thao quốc tế, loạt cái tên như Lamine Yamal, Alcaraz, Florian Writz hay An Se Young cho thấy sự bứt phá của thế hệ vận động viên trẻ nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng Việt. Đặc biệt, nhân vật “Potato Turtle” - cô gái Hàn Quốc du lịch một mình tại Ấn Độ, đã trở thành biểu tượng mới truyền cảm hứng cho lối sống khám phá và tự do.

Đối với mảng công nghệ, nếu Grok 3 và Gemini AI tiếp tục duy trì độ phủ, thì các công cụ chuyên biệt như Leonardo AI, Remaker AI, Pixverse AI và Veo3 bắt đầu được người dùng Việt chú ý nhờ khả năng tạo video, thay đổi khuôn mặt và huấn luyện mô hình cá nhân hóa. Điều này cho thấy người dùng đang kỳ vọng nhiều hơn vào AI ứng dụng thực tiễn thay vì chỉ đơn thuần đối thoại.

Sự cố “ChatGPT sập” khiến từ khóa này tăng tới 133%, phản ánh sự phụ thuộc ngày càng lớn vào AI trong đời sống số. Cùng lúc, từ khóa “Telegram bị cấm tại Việt Nam” tăng đột biến 810%, kéo theo làn sóng tìm kiếm các nền tảng thay thế như mạng xã hội nội địa “Lotus”.

Dữ liệu cho thấy người dùng không chỉ tìm kiếm phương án thay thế, mà còn ưu tiên nền tảng tin cậy và tuân thủ pháp luật trong nước.

XM/Báo Tin tức và Dân tộc