01:10 01/01/2014

Tử huyệt của Israel và việc đánh chiếm cao nguyên Golan của Syria

Kiểm soát Cao nguyên Golan không chỉ giúp cho Israel một lợi thế quân sự trong việc đối phó với các đối thủ ở phía bắc, mà còn giúp đảm bảo việc tiếp cận biển Galilee, nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu của Israel.

Là một trong những quốc gia ven sông ở hạ lưu trong lưu vực, việc phòng thủ khu vực biên giới phía bắc của Israel là điều có ý nghĩa sống còn nhằm kiểm soát các nguồn nước trên mặt đất. Vì vậy, kiểm soát Cao nguyên Golan không chỉ giúp cho Israel một lợi thế quân sự trong việc đối phó với các đối thủ ở phía bắc, mà còn giúp để đảm bảo việc tiếp cận biển Galilee, nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu của nước này.

Hệ thống dẫn nước ngọt của Israel. Ảnh: AFP


Thách thức từ nguồn nước


Mặc dù vấn đề an ninh quốc gia của Israel hiện tương đối ổn định hơn so với các nước láng giềng nhờ vào chiếc ô bảo trợ của Mỹ cũng như ít có sự đấu đá, chia rẽ nội bộ, nhưng điều này cuối cùng vẫn có thể bị thay đổi. Cùng với những nỗ lực về quân sự được thực hiện trong quá khứ một phần nhằm bảo đảm nguồn nước, Israel đang có một động lực mạnh mẽ trong việc phát triển các giải pháp công nghệ để cải thiện an ninh nguồn nước. Và việc nâng cao năng lực khử muối và nỗ lực không ngừng để tái chế nước - cho phép Israel để giảm thiểu một trong những hạn chế địa lý vốn có của nước này.

Israel đã tăng đáng kể khả năng của mình để khử muối trong nước suốt thập kỷ qua. Một nước khô cằn với dân số khoảng 8 triệu người đã có một số nhà máy khử muối trong đó có nhà máy khủ muối Sorek lớn nhất thế giới đã đi vào hoạt động từ tháng 10 năm nay. Israel có kế hoạch tăng tổng công suất khử muối đến năm 2020 để tạo ra nguồn nước ngọt tự nhiên đáp ứng được nhu cầu trong nước mà không phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tổng số lượng nguồn nước ngọt tự nhiên tự tái tạo hàng năm của Israel đạt mức 0,75 tỷ m3. Nước này cung cấp khoảng 265 m3/người/năm. Con số này thấp hơn nhiều mức mà Liên Hợp Quốc quy định đối với một quốc gia nghèo về nước ngọt (thấp hơn 1.000 m3/người/năm).

Về nước ngầm, Israel dựa trên hai tầng chứa nước chính: Tầng ngậm nước ven biển và các tầng ngậm nước vùng núi. Cả hai tầng nước ngầm này đều nằm trong lãnh thổ của Palestine – lần lượt là ở Dải Gaza và Bờ Tây.

Nước mặt của Israel tập trung chủ yếu ở phía bắc và phía đông của nước này. Israel là một phần của hệ thống sông Jordan, mà còn bao gồm Syria, Lebanon, Jordan và Bờ Tây. Các dòng sông chính ở phần phía trên của lưu vực sông Jordan bao gồm các nhánh sông Hasbani, Banias và sông Dan. Những con sông này hội tụ để tạo thành sông Jordan gần biên giới Israel, Liban và Syria trước khi chảy vào biển Galilee. Hạ lưu sông Jordan tiếp tục được nuôi dưỡng bởi các nhánh chính của sông Yarmouk và Zarqa.

Điều quan trọng là, hơn một nửa trong tổng lượng nước tự nhiên của Israel bắt nguồn từ bên ngoài biên giới của mình: 310 triệu m3 đến từ Liban, 375 triệu m3 đến từ Syria và 345 triệu m3 có nguồn gốc ở Bờ Tây. Tất cả các quốc gia ở khu vực khô cằn này đều cạnh tranh vì những nguồn tài nguyên có hạn này. Chính quyền Palestine cung cấp cho người dân từ 51 - 333 m3/người/năm tùy thuộc vào vị trí, trong khi Syria và Lebanon nhận nước từ hệ thống sông bổ sung nên cung cấp tương ứng là 882 và 1.259 m3/người/năm. Jordan chỉ có 161 m3/người/năm.

Do có sự phân bổ nguồn nước từ hệ thống sông xuyên biên giới, nên sự xung đột và tranh chấp thường xuyên diễn ra. Đề án phân bổ gần đây nhất từ hệ thống sông Jordan được đưa ra từ năm 1955 với kế hoạch Nguồn nước thống nhất Thung lũng Jordan (hay còn gọi là Kế hoạch Johnston, tên này được gọi sau khi đại sứ Mỹ tham gia vào cuộc đàm phán). Bằng cách phân bổ nước chủ yếu dựa trên nhu cầu về nông nghiệp, kế hoạch đưa ra một sự thỏa hiệp giữa các quốc gia tham gia. Tuy nhiên, bởi vì rất nhiều các quốc gia Arập không muốn công nhận Israel, kế hoạch trên chưa từng được ký kết.

Sẵn sàng dùng vũ lực

Là một trong những quốc gia ven sông ở hạ lưu trong lưu vực, việc phòng thủ khu vực biên giới phía bắc của Israel là điều có ý nghĩa sống còn của nước này nhằm kiểm soát các nguồn nước trên mặt đất. Vì vậy, kiểm soát Cao nguyên Golan không chỉ giúp cho Israel một lợi thế quân sự trong việc đối phó với các đối thủ ở phía bắc, mà còn giúp để đảm bảo việc tiếp cận biển Galilee, nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu của Israel.

Xe tăng quân đội Israel đánh chiếm cao nguyên Golan năm 1967.


Lịch sử Israel đã chứng minh sự sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự để đảm bảo quyền tiếp cận đối với nguồn tài nguyên nước trên. Năm 1964, Syria, với sự hỗ trợ của Liên đoàn Arập, bắt đầu xây dựng kế hoạch chuyển hướng dòng chảy sông Banias, điều này dẫn đến việc Israel cảm thấy bị đe dọa ảnh hưởng đến việc cung cấp khoảng 10 % nước của Tel Aviv vào thời điểm đó. Từ 1965-1967, Israel đã phát động các cuộc tấn công để phá hủy các công trình xây dựng nhằm chuyển hướng nguồn nước trên trong một nỗ lực để duy trì quyền tiếp cận đối với các nguồn nước và nhân cơ hội này đánh chiếm cao nguyên Golan của Syria.

Cao nguyên Golan có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực và thuộc về Syria từ năm 1944, cho tới khi Israel đánh chiếm được vùng này trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Khu vực này nằm dưới quyền kiểm soát của Israel kể từ đó. Israel phòng ngự và giữ được lãnh thổ này năm 1973 trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, mặc dù một phần lãnh thổ sau đó được trao lại cho Syria. Năm 1981, Israel sáp nhập lãnh thổ này, việc này bị một số tổ chức quốc tế lên tiếng chỉ trích và bị Hội đồng Bảo an gọi là "hành động không thể chấp nhận được". Syria tiếp tục đòi hoàn trả lại lãnh thổ này, và Liên Hiệp Quốc năm 2006 ra một nghị quyết kêu gọi Israel chấm dứt chiếm đóng cao nguyên Golan.

Một ví dụ khác là năm 2002, Liban đã xây dựng một trạm bơm nhỏ và đường ống thủy lợi trên sông Hasbani, miền nam nước này. Thủ tướng Israel lúc bấy giờ, Ariel Sharon đã tuyên bố những hành động này thành một "trường hợp của chiến tranh" và đe dọa hành động quân sự.

Israel đang tiêu thụ gần 2 tỷ m3 nước mỗi năm và việc tăng dân số trong khu vực sẽ tiếp tục gây áp lực với với nước này vì sự hạn chế của các nguồn nước. Mặc dù trong ngắn hạn, Israel vẫn tương đối an toàn nhờ vào việc duy trì quan hệ với một số nước láng giềng, chẳng hạn như chế độ Hashemite ở Jordan và quân đội Ai Cập, nhưng cuộc xung đột tại Syria có khả năng vẫn kéo dài và tình hình Liban bị chia rẽ và mất ổn định vẫn đặt ra nguy cơ an ninh quốc gia không chỉ ở nguồn nước mà còn về chính trị đối với Israel.


CT (Theo Stratfor)