09:00 17/09/2012

Từ Ground Zero, nghĩ về chủ nghĩa khủng bố

Vừa sang New York làm phóng viên thường trú của TTXVN chừng dăm ngày, tôi đã được chứng kiến cuộc tụ tập của hàng nghìn người, đến từ khắp nước Mỹ tại Ground Zero (Vùng đất số không) ở trung tâm thành phố 20 triệu dân này, để tưởng nhớ 2.996 nạn nhân trong vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001.

Vừa sang New York làm phóng viên thường trú của TTXVN chừng dăm ngày, tôi đã được chứng kiến cuộc tụ tập của hàng nghìn người, đến từ khắp nước Mỹ tại Ground Zero (Vùng đất số không) ở trung tâm thành phố 20 triệu dân này, để tưởng nhớ 2.996 nạn nhân thuộc hơn 70 quốc tịch khác nhau trong vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 và hàng nghìn cái chết sau đó từ hệ lụy của sự kiện này.


 

Người dân Mỹ tập trung tại bức tường tưởng nhiệm lính cứu hỏa quanh khu vực Ground Zero vào đêm trước ngày kỷ niệm sự kiện 11/9/2001 ở New York.

 

Những băng rôn, khẩu hiệu và cả tâm sự của những người trong cuộc đều xoáy vào những câu hỏi mà thiên hạ đã nghĩ, báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực để tìm hiểu, phân tích hơn chục năm nay, nhưng chưa có được lời giải thỏa đáng nhất. Chẳng hạn tại sao lại sinh ra thứ chủ nghĩa giết người - chủ nghĩa khủng bố? Vì sao sự bình yên của thế giới này lại “dễ vỡ” đến thế? Hay vì nỗi gì mà con người lại đối xử với nhau tệ như thế, để rồi sự nghiệp, thậm chí mạng sống của nhau cũng chỉ còn mỏng như tờ giấy, không khó để người khác xé bỏ, vò nát...


Từ Ground Zero này - nơi từng tọa lạc Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC), biểu tượng cho sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, nhưng đã bị đánh sập hôm 11/9/2001, làm hàng nghìn người chết và tổng thiệt hại vật chất ước tính hơn 1.700 tỷ USD - mỗi người đến đây hôm nay dường như đều suy ngẫm rất nhiều về khủng bố theo những hướng khác nhau. Nhưng ai cũng phải thừa nhận đây là vụ khủng bố kinh hoàng nhất, gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử thế giới, nó đụng chạm đến mọi người, mọi ngóc ngách ở khắp năm châu, vì sau nó là những cuộc chiến; là cấm vận, trừng phạt, chia bè chia phái giữa các quốc gia, bộ lạc, vùng miền; là sự thay đổi chính sách cả đối nội, đối ngoại của nhiều quốc gia.


Tóm lại, sự kiện ấy đã làm liên lụy đến tất cả. Không ai, không đất nước, vùng miền nào có thể “mũ ni che tai” được. Tất cả đều bị lôi vào cuộc chiến chống khủng bố, hoặc là đề phòng khủng bố, và cũng không ít lại lao vào trận tuyến chống lại cuộc chiến chống khủng bố nọ. Để rồi 11 năm qua, số thiệt hại về người, về của trên toàn cầu liên quan đến khủng bố còn lớn hơn vụ WTC nhiều, hậu quả nhãn tiền của việc lấy oán trả oán.


Vâng, chắc chắn không chỉ có đạo Phật đã dạy con người rằng nếu lấy oán trả oán, hận thù sẽ chất chồng, còn nếu biết lấy ân trả oán, oán sẽ tiêu tan. Thế thì tại sao nhỉ, bao nhiêu năm trời nay rồi, nhiều người lại cứ mải mê đi tìm những thủ đoạn, âm mưu để trả thù nhau nham hiểm hơn, đẫm máu hơn và khốc liệt hơn, mặc dù ngày nào, tuần nào họ cũng ít nhất một lần vào nơi thờ tự để học về nhân ái, rộng ra là học cách làm người. Hôm gặp chúng tôi ở Ground Zero, một phụ nữ Mỹ nói bà đến đây phần để tưởng nhớ người chồng chết mất xác từ tầng 56 của tòa tháp WTC, phần để muốn nói với nhân loại rằng hãy đừng để có thêm những người vợ mất chồng, những đứa con mất cha một cách oan uổng như gia đình bà.


Vâng, một thế giới bình yên, thịnh vượng là ước mơ vĩnh cửu của nhân loại, và đó cũng là thông điệp muốn gửi gắm từ những người tham gia tưởng niệm các nạn nhân của vụ 11/9 mà chúng tôi đã gặp ở Ground Zero. Nhiều người hôm ấy bảo nếu như trước đó, ai đấy biết tìm hiểu thật đúng, thật đầy đủ và khách quan gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố, rồi khắc phục những nguyên nhân ấy (đó là đói nghèo, thất học; bị miệt thị cả về tôn giáo lẫn dân tộc; bị đối xử bất bình đẳng...v.v, bằng những biện pháp tình người nhất), thì chưa hẳn đã xảy ra vụ 11/9. Có người còn bảo vụ khủng bố này là cái giá quá đắt mà nhiều chính quyền kế tiếp nhau ở Mỹ phải trả cho việc làm “nuôi ong tay áo”của mình, vì chính họ đã “nặn” ra không ít tổ chức, phe nhóm khủng bố, để phục vụ những lợi ích, chiến lược tức thời của mình, nhưng sau đó, lại chính những tổ chức, phe nhóm ấy lại quay sang quật lại ông chủ cũ.


Nhiều người ở Ground Zero hôm đó còn liệt cả đất nước này, dân tộc kia, hay tôn giáo nọ vào diện “chủ nghĩa khủng bố”. Nhưng có một lẽ, không ai sinh ra để làm khủng bố, không một đất nước, dân tộc hay tôn giáo nào được thành lập để đi… giết người, hay tiếp tay cho giết người. Vấn đề là những ai thực sự muốn bình yên cho muôn dân phải biết tìm hiểu chính xác gốc rễ của khủng bố, của giết người, để rồi cùng tìm cách khắc phục không bằng cách giết lại người, khủng bố lại người ta. Nếu không, nếu cứ lấy bom đạn để chống khủng bố, thì đó chính là một hành động khủng bố nữa, và cứ thế, khủng bố lại đẻ ra khủng bố. Thử hỏi bao giờ thế giới này mới được bình yên, và như vậy, e rằng ước muốn của góa phụ nọ khó thành hiện thực.


Nếu vậy, quả là bi đát thật, nhưng khi ở Ground Zero, nhìn hai tòa nhà cao vời vợi, rồi đây sẽ là bốn tòa như thế, đang mọc lên trên chính nền của hai tòa tháp WTC năm nào, tôi hy vọng tương lai của hòa bình, nhân ái và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đất nước và tôn giáo sẽ bừng sáng lên ở chính cái nơi có quá nhiều chết chóc, đau thương này, để cho những từ ngữ như khủng bố, hay cuộc chiến chống khủng bố sẽ đi vào những trang sử cũ mèm của nhân loại, không ai muốn đọc lại nữa…


Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại LHQ)