07:12 26/07/2025

Tư duy nhạy bén đưa người cựu chiến binh thành tỷ phú

Với tư duy kinh tế nhạy bén, dám nghĩ dám làm, cựu chiến binh Trịnh Văn Nghiên ở xã Quỹ Nhất, tỉnh Ninh Bình đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lao động của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, trở thành tỷ phú làng quê.

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Trịnh Văn Nghiên - Giám đốc Công ty Cổ phần Trịnh Nghiên.

Chúng tôi tìm gặp ông vào một ngày cuối tháng 7. Đơn hàng hàng nhiều, nhà máy sản xuất bao bì của ông hoạt động liên tục, máy chạy không ngừng. Vừa kiểm tra các khâu của quá trình sản xuất để tránh xảy ra sai sót, ông Nghiên vừa kể, năm 1983, bước sang tuổi 21, ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 392, Sư đoàn 565, Binh đoàn Trường Sơn tham gia xây dựng thủy điện Hòa Bình. Trong thời gian huấn luyện và công tác, ông hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và được kết nạp vào Đảng tại đơn vị.

Năm 1986, xuất ngũ trở về địa phương, ông vào Hợp tác xã vận tải Việt Hồng (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cũ) làm công tác kế toán. Là cán bộ trẻ, ông được Hợp tác xã cử đi học lớp sơ cấp lí luận chính trị, đồng thời được tham gia lớp quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng với rất nhiều nội dung đổi mới; trong đó nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung các chính sách kinh tế nhằm khuyến khích các cơ sở và công nhân, nông dân, thợ thủ công hăng hái phát triển sản xuất...

Chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước vào thời điểm đó như giúp ông “khai sáng” tư duy, nhận thấy những cơ hội lớn để phát triển kinh tế. Với suy nghĩ phải thay đổi thực tại, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, năm 1987, ông xin nghỉ việc ở Hợp tác xã, về quê hương khởi nghiệp kinh doanh nón lá.

Chú thích ảnh
Giám đốc Trịnh Văn Nghiên hướng dẫn công nhân vận hành máy.

Ông Nghiên chia sẻ, thời điểm đó, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cũ có nghề làm nón lá truyền thống đã tạo được tiếng vang gần xa, nhưng bao đời người dân chỉ làm theo mô hình nhỏ lẻ hộ gia đình, sản phẩm chỉ mang ra chợ bán nên không mang lại giá trị cao. Trước thực tế đó, ông đã vay vốn để thu mua nón lá Nghĩa Hưng rồi phân phối đi nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc.

Với cơ chế mở cửa nền kinh tế, việc kinh doanh nón lá khá thuận lợi. Cơ sở cung ứng nón lá của ông cũng từng bước lớn mạnh. Vừa làm vừa nghiên cứu tiềm năng của quê hương, nhu cầu của thị trường, ông chuyển hướng sang kinh doanh lương thực.

Ông Nghiên lí giải, quê hương ông vốn là vùng canh tác lúa nước với chất lượng lúa gạo ngon, sản lượng lớn. Thời điểm đó, yêu cầu về sản phẩm gạo trên thị trường được nâng cao. Người dân, doanh nghiệp cần sản phẩm được xay xát, sấy kỹ lưỡng. Trong khi đó, người dân với phương pháp phơi thủ công không thể đảm bảo yêu cầu của các đơn vị thu mua.

Năm 2004, ông đã thuê trên 10.000 m2 đất của xã Quỹ Nhất để làm nhà xưởng, đồng thời thành lập doanh nghiệp tư nhân Trịnh Văn Nghiên chuyên kinh doanh lương thực, nhập lúa, gạo tại địa phương về sơ chế, chế biến, cung cấp nguyên liệu cho các đơn vị phân phối lúa gạo và các đơn vị sản xuất bia. Sản phẩm hàng hóa chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nên nhà xưởng của ông luôn hoạt động hết công suất, mỗi năm sấy khoảng 6.000 tấn lương thực.

Chú thích ảnh
Ông Trịnh Văn Nghiên (bên phải) kiểm tra công nhân làm việc.

Dù đang làm ăn phát đạt nhưng 3 năm sau, năm 2007, ông bất ngờ chuyển hướng làm ăn. Ông lí giải, thời điểm đó ngành tái chế nhựa là một xu hướng mới không chỉ có ý nghĩa về môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Ông quay sang thiết kế lại nhà xưởng, đầu tư lại máy móc nhập nguyên liệu nhựa tái chế sản xuất bao bì. “Dù thời điểm đó không nhiều người đi theo hướng này song chắc chắn đây sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai gần”, ông Nghiên nhìn nhận.

Ông thành lập Công ty Cổ phần Trịnh Nghiên nhằm hiện thực hóa khát vọng, chiến lược xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, kết nối thêm nhiều đối tác trong và ngoài nước. Sau gần 20 năm đi vào hoạt động, sản xuất bao bì ngày càng phát triển, vươn xa.

Hiện mỗi năm, Công ty sản xuất gần 40.000 tấn bao bì, cung cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị trong cả nước. Doanh thu trung bình hằng năm khoảng 250 tỷ đồng, nộp thuế cho Nhà nước từ 12 - 15 tỷ đồng, tạo việc làm cho từ 80 - 120 lao động địa phương, với mức lương dao động từ 6 - 18 triệu đồng/người/tháng.

Anh Võ Hậu Huyền, công nhân công ty cho biết, anh đã làm việc ở đây được 4 năm với mức lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương ổn định, Công ty còn hỗ trợ về nhà ở, đi lại cho công nhân ở xa, giúp người lao động ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Năm 2025, Công ty Cổ phần Trịnh Nghiên thuê thêm 13.000 m2 đất, nâng tổng diện tích nhà xưởng lên 23.000 m2 để mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động gần xa.

Chú thích ảnh
Công nhân sản xuất bao bì tại Công ty Cổ phần Trịnh Nghiên.

Với những đóng góp lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và địa phương, giữa tháng 6/2025, ông Trịnh Văn Nghiên đại diện cho Công ty Cổ phần Trịnh Nghiên là một trong 35 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vinh dự được lựa chọn tham gia cùng Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến một số nước châu Âu để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác làm ăn.

Ông Nghiên cho biết, sau chuyến đi này, ông có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh mới. Trước mắt, ông tập trung nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương, hoàn thiện quy trình, đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu sang các nước. Để làm điều này, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư quy trình sản xuất, chế biến, bao bì bài bản. “Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân sẽ thổi “luồng sinh khí” cho các doanh nghiệp bứt phá. Đây là cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có tại địa phương, tận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách về tín dụng để phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm mới chất lượng, đặc trưng đủ sức chiếm lĩnh thị trường các nước”, ông Nghiên chia sẻ.

Ông Hoàng Mạnh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Quỹ Nhất đánh giá, cựu chiến binh Trịnh Văn Nghiên đã phát huy phẩm chất người lính bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới. Không chỉ nhanh nhạy nắm bắt thị trường, bám sát, vận dụng linh hoạt, hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để phát triển kinh tế, làm giàu, tạo việc làm cho con em quê hương mà quan trọng hơn, từ tấm gương điển hình của ông Nghiên đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong quá trình phát triển kinh tế...

Theo Bí thư Đảng ủy xã Quỹ Nhất, không chỉ tạo việc làm cho lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ông Nghiên còn tích cực ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới và các hoạt động an sinh xã hội của địa phương. Gia đình ông đã ủng hộ trên 400 triệu đồng xây dựng các công trình tâm linh trên địa bàn, đóng góp 100 triệu đồng làm đường khu dân cư xóm 1, xã Quỹ Nhất. Vào các dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Tết Nguyên đán, năm học mới hàng năm, gia đình ông cũng dành tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho gia đình chính sách, thương bệnh binh, hộ nghèo, học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn xã.

Bài và ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)