11:12 03/11/2011

Từ cuộc duyệt binh huyền thoại tới “Bài ca chiến thắng”

Đúng 70 năm trước đây, vào ngày 7/11/1941, Liên Xô đã tổ chức Cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ trước khi các binh chủng Hồng quân chọc thủng vòng vây của phát xít Đức để tiến thẳng ra mặt trận.

Đúng 70 năm trước đây, vào ngày 7/11/1941, Liên Xô đã tổ chức Cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ trước khi các binh chủng Hồng quân chọc thủng vòng vây của phát xít Đức để tiến thẳng ra mặt trận. Cuộc duyệt binh lịch sử đã đập tan kế hoạch đánh chiếm thủ đô Mátxcơva, bắt sống Ban lãnh đạo Liên Xô, trong đó có cả Stalin, và tổ chức mừng thắng lợi của chúng vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng tháng Mười (7/11/1917 – 7/11/1941).

Kế hoạch tổ chức duyệt binh là một sự kiện hết sức đặc biệt, được đích thân Stalin đề xuất, cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định sau khi tham khảo ý kiến một số tướng lĩnh ngoài mặt trận và Tư lệnh Quân khu Mátxcơva, Tư lệnh Binh chủng phòng không, không quân. Kế hoạch được triển khai trong một thời gian hết sức ngắn và được giữ bí mật tuyệt đối. Các Ủy viên Bộ chính trị và các quan chức Chính phủ, Đảng bộ, Chính quyền Mátxcơva chỉ được thông báo trước khi bắt đầu Lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ chưa tới một ngày – sau Lễ kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Mười, được tổ chức vào tối hôm trước. Các đơn vị tham gia duyệt binh luyện tập trước đó chỉ vài ngày. Chỉ huy các đơn vị tham gia duyệt binh được biết lịch vào lúc 23 giờ ngày 6/11. Khách mời và nhân dân lao động được thông báo về cuộc duyệt binh vào lúc 5 giờ sáng ngày 7/11. Lễ duyệt binh được tổ chức sớm hơn 2 tiếng – vào lúc 8 giờ sáng chứ không phải 10 giờ như mọi năm.

Cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 7/11/1941.Ảnh: Internet


Trong đêm mùng 6 rạng ngày 7/11, các ngôi sao trên Điện Kremlin được gỡ chụp bảo vệ và được thắp sáng, Lăng Lênin được dỡ bỏ ngụy trang. Quảng trường Đỏ được trang hoàng trọng thể đón chào ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười.

Sáng sớm ngày 7/11, cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ diễn ra theo đúng kế hoạch. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô hiện diện trên lễ đài. Các quân chủng, binh chủng, trong đó có cả xe tăng T – 34 nổi tiếng, lần lượt diễu qua lễ đài trước Lăng Lênin và ngay sau đó tiến thẳng ra mặt trận. Thay mặt Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội Liên Xô, I. V. Stalin đã kêu gọi quân và dân Liên Xô anh dũng chiến đấu, tiêu diệt quân thù, bảo vệ Tổ quốc, giải phóng các dân tộc: “Toàn thế giới đang coi các đồng chí là lực lượng có thể tiêu diệt bè lũ phát xít xâm lược Đức. Nhân dân các nước bị nô dịch ở châu Âu hiện đang sống dưới ách của bọn xâm lược Đức, đang coi các đồng chí là những người giải phóng cho họ. Các đồng chí được giao phó một sứ mệnh vĩ đại, sứ mệnh giải phóng. Các đồng chí hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh ấy!...”. Lời kêu gọi của vị Tổng tư lệnh tối cao đã nâng cao tinh thần, truyền thêm niềm tin và sức mạnh cho các chiến sĩ và toàn thể nhân dân Xô viết trong cuộc chiến đấu sống còn với kẻ thù. Lễ duyệt binh được tổ chức ngắn gọn, và rất mạo hiểm bởi quân Đức đã kề cận, có thể tấn công bất kỳ lúc nào.

Được sự cổ vũ lớn lao từ cuộc duyệt binh lịch sử, quân và dân Xô viết siết chặt đội ngũ, chiến đấu quả cảm, đã đánh bật quân Đức ra khỏi Mátxcơva, và làm thất bại hoàn toàn kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của chúng. Tiếp đó, Hồng quân Liên Xô lần lượt đánh bại quân Đức trên các mặt trận và trong các trận đánh quyết định: Trận Stalingrad (mùa Đông 1942), trận Vòng cung Kursk (1943), … Tới cuối năm 1944, quân đội Liên Xô đã giành lại phần lớn lãnh thổ bị Đức chiếm đóng. Với đà thắng lợi, Hồng quân Liên Xô không chỉ giải phóng Tổ quốc mình, mà còn giải phóng một loạt nước Đông Âu, tiến thẳng vào Béclin buộc quân Đức phải đầu hàng vô điều kiện, kết thúc cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại.

“Bài ca chiến thắng” đã được quân dân Xô viết viết lên bằng lòng yêu nước vô bờ, tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song, sự hy sinh, mất mát của nhân dân Xô viết. Hơn 20 triệu người dân Xô viết đã ngã xuống vì Tổ quốc mình và nhân loại.

Cầu truyền hình “Bài ca chiến thắng” tại điểm cầu Mátxcơva tối 31/10. Ảnh: Cường Dũng (P/v TTXVN tại LB Nga)


Trong chương trình cầu truyền hình “Bài ca chiến thắng” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Hội Hữu nghị Việt – Nga... tổ chức tối 31/10, ấn tượng nhất là bầu không khí xúc động bao trùm - điều đã, đang và sẽ luôn tồn tại trong các cuộc gặp gỡ Nga – Việt.

Cách điểm cầu Hà Nội gần 9.000 km, toàn bộ khán phòng hơn 1.000 chỗ ngồi của Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật nằm trong quần thể Khách sạn mang tên “Vũ trụ” (Kosmos) ở thủ đô Mátxcơva không còn một chỗ trống, nhiều người đến sau phải đứng dọc lối đi. Hiện diện trong khán phòng là nhiều đồng chí lãnh đạo và những người bạn Nga thân thiết với Việt Nam như Thượng tướng Anatoly Khiupenen, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam; ông Nhicolai Kolesnik, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổ chức xã hội liên khu vực các cựu chuyên gia Liên Xô từng công tác tại Việt Nam; bà Lilya Slasheva, Chủ tịch Quỹ hòa bình Mátxcơva…

Thư mời của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại LB Nga Phạm Xuân Sơn gửi tới các bạn Nga khẳng định, “Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ để tỏ lòng tôn kính và biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với những người lính Xô viết đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng không chỉ Liên Xô, mà giải phóng toàn thể nhân loại khỏi ách phát xít và đây là sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa của Việt Nam”. Trong cuộc chiến đấu này, những người con ưu tú của Việt Nam đã tham gia và góp phần làm nên “Bài ca chiến thắng”.

Cường Dũng – Hồng Quân (P/v TTXVN tại LB Nga)