11:11 30/11/2021

Từ COVID-19 tới căng thẳng thương mại, 5 tình thế khó khăn của kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc có thể chuyển trọng tâm sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vào năm tới sau khi chấn chỉnh ngành bất động sản, giáo dục, công nghệ và sử dụng than đá năm 2021.

Theo tờ SCMP, đợt chấn chỉnh diện rộng năm 2021 cũng đã phơi bày những rủi ro với mô hình tăng trưởng của Trung Quốc vốn đòi hỏi phải quản lý cẩn trọng các mục tiêu xung đột.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP

Mặc dù Trung Quốc có thể có thêm biện pháp pháp lý nữa nhưng ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty Macquarie Capital, cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể tập trung bảo vệ mục tiêu tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) tối thiểu 5% vào năm 2022 và tránh thay đổi mạnh gây tác động tới hiện trạng kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% trong quý ba năm 2021 so với năm trước đó, giảm so với tỷ lệ 7,9% trong quý hai.

Theo các nhà phân tích, thuế bất động sản toàn quốc để giải quyết tình trạng bất bình đẳng tài sản có thể gặp cản trở, còn cuộc cải cách dài hơi về hộ khẩu và lĩnh vực nhà nước sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Nhà kinh tế Larry Hu nhận định: “Các nhà hoạch định chính sách có thể chọn các lĩnh vực ít bị phản đối về mặt chính trị và gây ít ảnh hưởng tới tăng trưởng. Ví dụ, họ có thể làm cho ngành giáo dục, y tế, dịch vụ chăm sóc người già, nhà ở công cộng dễ tiếp cận hơn với người dân bình thường”.

Sau đây là một loạt vấn đề mà Trung Quốc phải cân bằng vào năm 2022 nhằm tăng trưởng ổn định.

Chiến lược “zero COVID-19” và tiêu thụ

Quan điểm “nhổ tận gốc” đại dịch COVID-19 đã giúp Trung quốc hồi phục mạnh sau khủng hoảng y tế công cộng. Tuy nhiên, khi nhiều nước bắt đầu sống chung với dịch bệnh thì chi phí duy trì chiến lược “zero COVID-19” ở Trung Quốc đang tăng dần.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 17/11. Ảnh: THX/TTXVN

Tiêu thụ hộ gia đình có thể bị tác động mạnh nhất, đặc biệt là trong ngành dịch vụ do tác động của các biện pháp cấm đi lại, phong tỏa, tâm lý tiêu dùng yếu.

Báo cáo của ngân hàng Nomura (Nhật Bản) đầu tháng 11 nhận định: “Chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhanh do nước ngoài chuyển dần từ tiêu thụ hàng hóa lâu bền sang dịch vụ khi ngày càng nhiều quốc gia sống chung với COVID-19, nhu cầu hàng hóa lâu bền giảm, đồng nhân dân tệ mạnh do nhập khẩu dịch vụ bị hạn chế, lạm phát chỉ số giá sản xuất tăng”.

Áp lực việc làm gia tăng

Theo Viện Phát triển và Tài chính Quốc gia (NFID), tình trạng thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc độ tuổi 20-24 có học vấn cao đã liên tục trên mức 20% trong năm nay.

Ông Li Yang, Chủ tịch NFID, cho biết thị trường lao động đang chịu tác động mạnh từ tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng khi Trung Quốc đẩy mạnh khử carbon trong các ngành công nghiệp nặng và lao động bị sa thải. Đợt chấn chỉnh tình trạng học thêm và ngành bất động sản vừa rồi có thể khiến nhiều thanh niên thất nghiệp hơn nữa.

Các ngành liên quan bất động sản chiếm khoảng 28% GDP Trung Quốc và khoảng 26% việc làm đô thị. Do đó, tình trạng thua lỗ và vỡ nợ trên thị trường bất động sản đặt ra nhiều rủi ro với nhà phát triển, chủ nợ, ngân hàng, chính quyền địa phương, hộ gia đình.

Khủng hoảng năng lượng

Giá than cao và dự trữ than ít đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất ở Trung Quốc năm 2021. Nhiều tỉnh đã phải cắt điện luân phiên, dẫn tới mất điện ở nhiều nhà máy, hộ gia đình.

Trung Quốc đã xử lý khủng hoảng này bằng cách tăng sản xuất than và cho phép tự do định giá điện để giảm áp lực tài chính với các nhà sản xuất điện than.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nói Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển và nhu cầu năng lượng sẽ tăng, có nghĩa là các mục tiêu trung hòa carbon cần phải được theo đuổi dần dần, có tính khoa học.

Trung Quốc có thể phụ thuộc than đá nhiều năm nữa. Theo ông Gao Shanwen, nhà kinh tế tại công ty Essence Securities, chiến lượng hạn chế sản xuất than đá hiện nay để đáp ứng mục tiêu khí hậu có thể tăng nguy cơ gián đoạn kinh tế, vì các nguồn năng lượng thay thế như điện gió, điện mặt trời, thủy điện còn chưa ổn định.

Thiếu điện có thể xảy ra lần nữa vào mùa đông, khi nhu cầu tăng. Thế vận hội Olympic mùa đông từ ngày 4-20/2/2021 cũng có thể khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.

Giảm vai trò ngành bất động sản

Chú thích ảnh
Trụ sở tập đoàn bất động sản Evergrande tại Thâm Quyến, Trung Quốc ngày 26/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc Trung Quốc lại đẩy mạnh giảm nợ trong ngành bất động sản năm nay đã gây ảnh hưởng tới tăng trưởng, khiến doanh thu và giá nhà nói chung giảm.

Điều này có thể bị tác động mạnh hơn khi Trung Quốc triển khai thí điểm thuế bất động sản ở một số khu vực.

Chủ tịch Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh rằng nhà là để ở, không phải để đầu cơ, nhưng tới nay, các biện pháp của chính phủ chưa thể giúp mục tiêu đó được thực hiện.

Ông Li Yang nhận định rằng chỉ riêng thuế bất động sản thì chưa đủ để giải quyết vấn đề nhà ở. Điều cần ở đây là cải cách toàn diện thị trường nhà ở, doanh thu thuế, tài chính của chính phủ trung ương và địa phương, lĩnh vực ngân hàng.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

Mô hình kinh tế nhà nước và chính sách công nghiệp của Trung Quốc từ lâu đã là điểm nóng trong quan hệ thương mại với Mỹ.

Bất chấp nhiều động thái nhưng có thể Trung Quốc chưa sớm thực hiện nhiều thay đổi lớn. Oxford Economics nhận định Trung Quốc có thể cần làm nhiều động thái hơn để giảm thuế nhập khẩu, tạo điều kiện cho dòng vốn và cho phép nhiều doanh nghiệp nước ngoài hơn nữa đầu tư vào các lĩnh vực bị hạn chế.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì mô hình kinh tế do nhà nước điều hành, cho dù Mỹ và Liên minh châu Âu kêu gọi giảm trợ cấp nhà nước.

Oxford Economics nhận định: “Dự báo lâu dài của chúng tôi là sẽ có động thái phân tách, điều chỉnh chuỗi cung tách biệt với Trung Quốc do phải cân nhắc tới giảm chi phí, tính đa dạng, tình hình địa chính trị và an ninh. Chúng tôi dự báo Mỹ tiếp tục hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tân tiến”.

Thùy Dương/Báo Tin tức