04:05 19/04/2025

Từ cơn sốt phim 'Địa đạo', tour khám phá lịch sử TP Hồ Chí Minh kín khách

Phim điện ảnh “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đang tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trên màn ảnh, mà còn ngoài đời thực, kéo theo lượng khách đến các tour về nguồn, đặc biệt là địa đạo Củ Chi, tăng đột biến.

Chú thích ảnh
Các cán bộ cựu chiến binh về nguồn tại Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Lượng khách tăng vọt

Bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” ra rạp từ ngày 4/4, nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé, khi đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng sau chưa đầy một tuần. Lấy bối cảnh chính tại hệ thống địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), tác phẩm đã chạm đến trái tim của đông đảo khán giả qua việc tôn vinh tinh thần quả cảm của người lính Cách mạng, thể hiện thông điệp yêu nước; với một cách tiếp cận mới mẻ, gần gũi giới trẻ.

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Lữ hành Vietluxtour cho biết, bộ phim tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, khiến nhiều người, từ các bạn trẻ cho đến khách quốc tế bày tỏ mong muốn “mục sở thị” vùng đất thép Củ Chi để hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử ẩn sâu dưới lòng đất. Ngoài ra, sự cộng hưởng của cột mốc kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) càng đẩy “nhiệt độ” của các tour lịch sử tại TP Hồ Chí Minh lên mức cao chưa từng có.

"Hiện nay, nhờ sức hút từ bộ phim mà lượng khách hỏi mua tour địa đạo Củ Chi đang tăng vọt. Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn, công ty đã triển khai ưu đãi 15% cho loạt tour chuyên đề văn hóa - lịch sử", ông Nguyễn Ngọc An cho biết thêm.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Vietluxtour cho biết, để thu hút du khách, nhiều sản phẩm tour được thiết kế linh hoạt về thời gian và chi phí, phù hợp với nhu cầu khám phá văn hóa - lịch sử trong thời gian ngắn.

Cụ thể, tour nửa ngày “Dấu ấn vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh” có giá chỉ 299.000 đồng/người, thu hút đông đảo người dân và du khách. Các tour chuyên đề như “Biệt động Sài Gòn” (790.000 đồng), “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn” (690.000 đồng) và “Củ Chi đất thép thành đồng” (850.000 đồng) cũng ghi nhận lượng khách đăng ký tăng mạnh trong tháng 4.

Đặc biệt, tour “Huyền thoại về đặc công rừng Sác” có giá 1 triệu đồng/người, đã kín chỗ vào dịp cuối tuần. Phần lớn khách là người nội địa đến từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung bay vào TP Hồ Chí Minh tham quan và trải nghiệm. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho thấy nhu cầu du lịch gắn với lịch sử văn hóa đang ngày càng được quan tâm và đón nhận.

Chú thích ảnh
Các cựu chiến binh đang nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử Củ Chi.

Theo thống kê từ các công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh, dịp lễ 30/4 năm nay ghi nhận khoảng 50% khách nội địa lựa chọn tour văn hóa - lịch sử, trong đó địa đạo Củ Chi tiếp tục là điểm đến được yêu cầu nhiều nhất. Ngoài ra, mỗi tuần có từ 2 - 3 đoàn khách quốc tế đăng ký tham gia tour khám phá địa đạo, một phần nhờ vào ảnh hưởng của phim ảnh lịch sử, giúp các sự kiện chiến tranh trở nên sinh động, thôi thúc nhu cầu trải nghiệm thực tế của du khách.

Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho biết, đơn vị đang tất bật phục vụ nhiều đoàn cựu chiến binh và thân nhân từng tham gia kháng chiến, đặc biệt trong tháng 3 và đầu tháng 4 đã triển khai nhiều chương trình tri ân kết hợp tham quan các điểm đến lịch sử như Củ Chi, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng và hầm vũ khí Biệt động Sài Gòn.

“Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh các tour về nguồn đến các địa điểm lịch sử như Củ Chi, Cần Giờ… được thiết kế linh hoạt theo từng nhóm đối tượng: Học sinh, sinh viên, đoàn thể và du khách lớn tuổi, tạo cơ hội kết nối giữa truyền thống và trải nghiệm thực tế”, đại diện Saigontourist chia sẻ.

Phim là cầu nối lịch sử

Tại một hội nghị gần đây, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá cao hiệu ứng tích cực của phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. Bộ phim đã tác động sâu sắc đến nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ về những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhưng đầy hào hùng. Điều đáng suy ngẫm, tác phẩm này không phải do Nhà nước đầu tư mà được thực hiện bởi một nhóm nhà làm phim tâm huyết và các nhà tài trợ xã hội. Đây là tín hiệu rất tích cực với dòng phim cách mạng hiện nay.

Cũng theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP  Hồ Chí Minh: “Cơn sốt từ bộ phim đã tạo cú hích không nhỏ với ngành du lịch thành phố. Nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước, Sở đã phối hợp các công ty lữ hành công bố hàng loạt sản phẩm du lịch gắn với di tích văn hóa - lịch sử. Các tour gắn với địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Biệt động Sài Gòn đều ghi nhận sức hút mạnh mẽ”. 

Thống kê từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1 đến 15/4, khu di tích địa đạo Củ Chi đón 521.000 lượt khách, trong đó 194.650 là khách nội địa (tăng 26%), còn 325.438 là khách quốc tế (tăng 20%) so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ dừng lại ở lượt khách, bộ phim còn truyền cảm hứng để các nhà làm du lịch sáng tạo thêm sản phẩm mới, tăng cường yếu tố trải nghiệm. Một số tour bắt đầu kết hợp hoạt cảnh tái hiện lịch sử, hoặc để du khách hóa thân thành “chiến sĩ thời chiến” qua các thử thách bò địa đạo, ăn cơm vắt, học mật ngữ.

Chú thích ảnh
Các đoàn đại điểu tham quan các di tích lịch sử tại TP Hồ Chí Minh tăng vọt nhân dịp kỉ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo anh Hoàng Quang Huy, du khách đến từ Hà Nội, bộ phim “Địa đạo” đã mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới về lịch sử. “Sau khi xem phim, tôi mới thấy những gì mình từng học trong sách giáo khoa chưa bao giờ sinh động đến vậy. Nhưng chỉ khi đặt chân tới đây, chạm vào từng kỷ vật, xem những bức ảnh, tấm bia kỷ niệm… tôi mới thực sự cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của cha ông và càng thêm yêu đất nước mình hơn”, anh Huy chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiệu ứng từ bộ phim “Địa đạo” là ví dụ điển hình cho việc phim ảnh có thể chạm đúng cảm xúc và truyền tải sâu sắc giá trị lịch sử, đây không chỉ là thành công nghệ thuật mà còn tạo ra tác động xã hội và kinh tế rõ rệt. Phim ảnh khi khai thác chất liệu văn hóa - lịch sử đúng cách, có thể trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Cũng theo bà Thanh Thúy, đây là thời điểm các cơ quan quản lý cần đầu tư nghiêm túc hơn cho dòng phim chiến tranh cách mạng, không chỉ phục vụ giáo dục thế hệ trẻ mà còn là công cụ phục dựng và quảng bá các di tích quốc gia một cách sinh động và hiệu quả hơn.

Dịp lễ 30/4 năm nay, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức nhiều hoạt động tri ân, trong đó các tour du lịch lịch sử đang trở thành cầu nối quan trọng giữa hiện tại và quá khứ. Thành công của bộ phim “Địa đạo” cho thấy, khi lịch sử được kể đúng cách, nó không chỉ bước ra khỏi sách vở mà còn sống mãnh liệt trong lòng mỗi người.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc