09:13 12/09/2011

Từ chuyện đồ chơi Trung thu

Trong những cái tết cổ truyền của dân tộc, bên cạnh những Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Đoan ngọ…, vẫn có một cái tết từ lâu đã được coi như dành riêng cho con trẻ: Tết Trung thu! Tết này vào Rằm tháng tám âm lịch, là ngày trăng tròn nên còn gọi là Tết trông Trăng.

1. Trong những cái tết cổ truyền của dân tộc, bên cạnh những Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Đoan ngọ…, vẫn có một cái tết từ lâu đã được coi như dành riêng cho con trẻ: Tết Trung thu! Tết này vào Rằm tháng tám âm lịch, là ngày trăng tròn nên còn gọi là Tết trông Trăng. Ngày trước, Tết Trung thu vui thật là vui, trẻ con đánh trống, rước đèn quanh phố phường, khắp ngõ xóm rồi về tụ tập tại sân đình bày cỗ trông Trăng và phá cỗ liên hoan tưng bừng mà ấm cúng. Nhưng rồi, những nét đẹp cứ ngày một mai một.

2. Dần dần, Tết Trung thu không còn của riêng con trẻ mà lại là dịp để người lớn kiếm cớ đưa quà cáp biếu xén…, để thể hiện tình cảm cũng có mà vụ lợi cũng có. Thế mới có chuyện, bên cạnh những sản vật của mùa thu như cốm, như hồng, như bưởi, như chuối… và những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống trên mâm cỗ trông Trăng, những năm gần đây người ta đua nhau sản xuất những hộp bánh ngày càng… “khủng” mà kỷ lục có lẽ là hộp bánh năm nay với giá tới 6 triệu đồng, hơn cả tấn thóc. Bên cạnh đó, những đồ chơi truyền thống như ông Tiến sĩ, đèn kéo quân, đèn ông sao, đầu sư tử… cũng dần dần vắng bóng; thay vào đó là những thứ đồ chơi nhập ngoại, trong đó có khá nhiều đồ chơi mang tính bạo lực, làm cho Tết Trung thu ngày càng trở nên xa lạ…

3. May mắn thay, Tết Trung thu năm nay đang phát đi một tín hiệu đáng mừng với sự trở lại của các đồ chơi truyền thống. Gần đến rằm tháng tám, con phố Hàng Mã ở Hà Nội lại rực rỡ sắc màu với những đèn kéo quân, đèn ông sao, đầu sư tử và rộn rã tiếng trống bỏi, nghe đã thấy náo nức cái không khí đêm Rằm. Và điều quan trọng là những đồ chơi truyền thống đó được các bậc cha mẹ chú ý hơn, nhất là đèn kéo quân và đầu sư tử. Chủ một quầy hàng cho biết, có hôm “cháy hàng” không nhập kịp đèn kéo quân để bán.

4. Có một điều đáng chú ý là không phải chỉ có các bậc cha mẹ mua đồ chơi cho con em mình mà nhiều tổ dân phố, nhiều phường cũng mua đèn kéo quân để tổ chức đêm hội Trăng rằm cho các cháu. Và, một điều đặc biệt là không ít cơ quan, đơn vị mua ông Tiến sĩ làm phần thưởng cho các cháu học giỏi…

Có người bảo, đừng coi đồ chơi là chuyện chơi chơi!

5. Nhìn rộng ra, việc giữ gìn văn hóa truyền thống và hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không thể chỉ dừng ở việc phát động, hô hào chung chung mà phải tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Và điều đó phải được thể hiện ở việc làm cụ thể của mỗi tổ chức và của mỗi người dân.

Tuệ Duyên