09:11 28/09/2017

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội - Bài 1: Hàng loạt di tích xuống cấp nghiêm trọng

Với gần 6000 di tích lịch sử, văn hóa, Hà Nội là địa phương có nhiều di tích nhất cả nước.

Thời gian qua, dù thành phố đã quan tâm, đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, song nhiều công trình vẫn xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có những công trình trăm tuổi đã trở thành phế tích. Sự tác động của con người và đặc biệt là sức tàn phá của thời gian, thiên nhiên khiến các di tích xuống cấp từng ngày, đòi hỏi phải được tu bổ, tôn tạo kịp thời.


Tự hào về di sản

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố hiện có gần 6.000 di tích, chiếm 1/3 số di tích của cả nước, với các loại hình đa dạng như: Đình, đền, chùa, miếu, am, phú, quán, hội quán, nhà thời họ, thành quách, phố cổ, làng nghề…

Hệ thống di tích của Hà Nội phân bố rải rác khắp 30 quận, huyện và thị xã. Địa phương có nhiều di tích chủ yếu là các huyện ngoại thành như: Thường Tín (445 di tích), Ứng Hòa (433 di tích), Gia Lâm (317 di tích). Các quận nội thành có số lượng di tích ít hơn nhưng mật độ phân bố dày đặc, tiêu biểu là quận Hoàn Kiếm (66 di tích), Đống Đa (76 di tích).

Không chỉ có bề rộng về số lượng, hệ thống di tích của Hà Nội còn có chiều sâu về giá trị. Đi dọc chiều dài lịch sử, các di tích này "cất giữ" nhiều tầng lớp văn hóa có ý nghĩa to lớn. Một số di tích trọng điểm, địa danh nổi tiếng không chỉ với người dân Thủ đô mà còn nổi tiếng với bạn bè trong nước và quốc tế như: Hoàng thành Thăng Long, được công nhận là Di sản Thế giới hay thành Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm… Đặc biệt, năm 2010, 82 bia đá ghi danh tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.

 Trên địa bàn Hà Nội có  gần 2.400 di tích được xếp hạng. Ngoài các di sản thế giới và di sản tư liệu thế giới, Hà Nội còn có 11 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 1.100 di tích cấp quốc gia và hơn 1.200 di tích cấp thành phố. Mỗi di tích đều hàm chứa những nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam, đó là tính hướng thiện, lòng yêu nước và tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những người có công với đất nước.

Nhiều di tích xuống cấp

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong số gần 6.000 di tích thành phố có hơn 2.000 di tích xuống cấp các hạng mục chính và trên 200 di tích trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Việc xuống cấp của di tích có nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do tác động của các yếu tố tự nhiên. Nhiều di tích có vật liệu chủ yếu là gỗ,  một số di tích còn chịu sự tàn phá từ thời chiến tranh, qua thời gian bị mối mọt xâm nhập, bị xô lệch, thậm chí nhiều di tích có nguy cơ sập đổ.

 Trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội có 161 di tích; tuy nhiên, nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa được trùng tu. Đáng chú ý, năm 2015 di tích chùa Quỳnh Lâm ở xã Đại Thịnh đã bị sập hoàn toàn. Ông Nguyễn Đa Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo xã cùng nhân dân đã họp bàn, xin ý kiến huyện và thành phố cho lập dự án trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm. Đến nay, dự án đã được khởi công nhưng còn khó khăn về nguồn vốn, UBND xã và nhà chùa tiếp tục xin ý kiến huyện và thành phố cho nhận hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa để sớm hoàn thành công trình, tạo điều kiện cho người dân có điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng.

Còn huyện Thường Tín (Hà Nội) có  445 di tích lịch sử, văn hóa. Theo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, đa số các di tích ở huyện Thường Tín đã bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó 16 di tích xuống cấp nghiêm trọng như: Khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê), đền - bến Chương Dương (xã Chương Dương), chùa Pháp Vân (xã Văn Bình)... Với nguồn kinh phí hạn hẹp, dù đã rất cố gắng nhưng huyện chỉ có thể bảo tồn bằng cách chằng chống chứ chưa tu bổ được các hạng mục chính của di tích.

Nếu như các di tích ở khu vực ngoại thành bị ảnh hưởng nặng bởi các yếu tố tự nhiên thì tại các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng,  tồn tại lớn nhất là những vi phạm khoanh vùng bảo vệ tập trung tại khu vực di tích.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, quá trình đô thị hóa những năm gần đây có phần lấn át cảnh quan, ảnh hưởng phần nào đến không gian và môi trường di tích trong khu vực nội đô và khu vực đông dân cư. Thêm vào đó, việc sử dụng di tích không đúng chức năng, mục đích ở một số địa phương đã gây tình trạng xập xệ, hư hỏng, xuống cấp cho di tích. Năm 2005, Hà Nội có gần 200 trường hợp các công trình nhà tập thể, hộ dân xây dựng trong khu vực di tích. 

Quá trình xâm phạm di tích diễn ra mạnh nhất vào những năm 60 của thế kỷ XX, chủ yếu do người dân chạy lũ lụt hoặc con cháu, người quen của người trông nom di tích tự ý vào ở trong khu vực di tích. Từ năm 2012 đến nay, do làm tốt công tác di dân, giải phóng mặt bằng nên trên địa bàn thành phố Hà Nội, hầu như không còn tình trạng vào ở trong đất di tích.

Ông Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội nhận định, hệ thống di tích đồ sộ vừa là một ưu thế lớn nhưng cũng đặt ra nhiệm vụ khó khăn cho chính quyền và nhân dân toàn thành phố trong việc giữ gìn, bảo tồn các di tích. Để phát huy, lan tỏa sức hút của các di tích, rất cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, ngành và của mỗi người dân Thủ đô.

(Còn tiếp: Bài 2 - Khó khăn lớn nhất là nguồn lực)


Mai Linh (TTXVN)