Giữa đại ngàn biên cương, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Hà Giang lặng mình trước màn hình, hướng về Thành phố Hồ Chí Minh - nơi diễn ra Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) trong niềm tự hào và xúc động khôn nguôi.
Lễ thượng cờ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Ảnh: Văn Trung/TTXVN phát
Niềm tự hào nơi biên cương cực Bắc
Dù không thể trực tiếp chứng kiến tại nơi tổ chức, nhưng tinh thần hào hùng, niềm tự hào dân tộc vẫn lan tỏa mạnh mẽ tới từng mái nhà nơi biên cương cực Bắc. Trên các tuyến phố trung tâm thành phố Hà Giang, các địa điểm công cộng như Km0, Quảng trường 26/3 hay nhà văn hóa tổ dân phố đều bố trí màn hình lớn để phục vụ người dân theo dõi. Tại đây, hàng nghìn người dân và du khách, trong đó có cả những cụ già tóc bạc, em nhỏ còn chưa đến tuổi cắp sách, đã đứng nghiêm trang, lặng lẽ xúc động khi Quốc ca vang lên và từng đội hình hùng dũng tiến qua lễ đài.
Trong không gian thiêng liêng ấy, ông Hoàng Văn Dương (cán bộ quân đội nghỉ hưu) chia sẻ: “Tôi đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Giờ được thấy lực lượng vũ trang oai hùng tiến bước, lòng tôi như sống lại cả một thời trận mạc. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tổ chức buổi lễ trang trọng để những người lính năm xưa như tôi thêm vững tin vào sự phát triển hôm nay của đất nước”.
Ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn - nơi cột cờ Tổ quốc tung bay giữa trời biên giới, bà Vừ Thị Mai (người dân tộc Mông) đã dậy từ tinh mơ để cùng con cháu chuẩn bị theo dõi buổi lễ qua truyền hình. Giọng bà Mai nghèn nghẹn: “Tôi nhớ cha tôi lắm. Ông ấy đi kháng chiến, không kịp trở về. Hôm nay, nhìn thấy bộ đội, Công an duyệt binh, tôi như thấy bóng hình cha mình trong từng bước đi”.
Không khí hào hứng ấy cũng lan tỏa mạnh mẽ tại huyện Vị Xuyên - mảnh đất từng là chiến trường ác liệt bảo vệ biên giới phía Bắc. Những con đường rợp màu cờ đỏ sao vàng, các gia đình quây quần bên nhau trước màn hình tivi, cùng nhau hồi tưởng và biết ơn thế hệ cha anh đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay. Anh Nông Văn Đức (đoàn viên thanh niên xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên) bộc bạch: “Lễ diễu binh hôm nay không chỉ hoành tráng mà còn truyền cho chúng tôi niềm tin, niềm tự hào và trách nhiệm. Thế hệ trẻ như tôi càng hiểu rằng mình phải nỗ lực nhiều hơn, góp sức xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Tự hào truyền thống, vững vàng đổi mới
Trong hành trình trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi tấc đất, mỗi địa phương trên dải đất hình chữ S đều có những đóng góp âm thầm nhưng bền bỉ cho đại thắng mùa Xuân năm 1975. Với Hà Giang – một tỉnh biên giới địa đầu Tổ quốc, dù xa hậu phương lớn, điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng tinh thần “vì miền Nam ruột thịt”, ý chí sắt đá chống giặc ngoại xâm luôn rực cháy trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây.
Những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, Hà Giang không chỉ là tuyến sau tiếp nhận hàng hóa, lương thực từ các nước bạn, còn là nơi "chuyển mình" mạnh mẽ từ thời bình sang thời chiến. Khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, cầu đường, kho tàng, giao thông trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị đe dọa, nhiều lần oanh tạc, nhưng không vì thế tinh thần chiến đấu của nhân dân Hà Giang suy giảm. Ngược lại, càng trong bom đạn, khí thế cách mạng càng sục sôi.
Thanh niên vùng cao tình nguyện lên đường nhập ngũ, phụ nữ bám bản vừa lo sản xuất, vừa nuôi giấu cán bộ; các phong trào thi đua lao động, sản xuất gắn với khẩu hiệu hành động cụ thể được phát động sâu rộng. Những công trường mở đường, những đêm vận chuyển lương thực xuyên rừng, vượt suối... đều thấm đẫm tinh thần cống hiến vì đại nghĩa dân tộc. Không ít người con Hà Giang đã ngã xuống ở chiến trường miền Nam, nhiều người trở về mang trên mình thương tật, mang theo cả ký ức không thể quên về một thời chiến chinh oanh liệt.
Chương trình nghệ thuật “50 năm vang mãi bản hùng ca” chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 26/4/2025. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN
Sau ngày đất nước thống nhất, Hà Giang bước vào một chặng đường phát triển mới, với vô vàn khó khăn do điểm xuất phát thấp. Nhưng phát huy khí phách quật cường từ những năm tháng chiến tranh, toàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua thách thức, đoàn kết một lòng kiến thiết quê hương. Từ vùng đất đá núi, giao thông chia cắt, hạ tầng mỏng manh, Hà Giang hôm nay đã có diện mạo hoàn toàn khác. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa nhà tạm, nhà dột nát… được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Hàng nghìn hộ nghèo đã có nhà ở kiên cố, con em vùng sâu, vùng xa được đến trường đầy đủ, mạng lưới y tế được mở rộng tới tận các bản làng hẻo lánh. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như chè, cam, mật ong, dược liệu… không chỉ đáp ứng tiêu dùng trong nước, còn từng bước vươn ra thị trường quốc tế thông qua chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) và các hội chợ xúc tiến thương mại.
Cùng đó, Hà Giang đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, phố cổ Đồng Văn… đã trở thành những điểm đến nổi bật, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Không chỉ tạo ra nguồn thu ổn định, du lịch còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống cộng đồng.
Tinh thần cống hiến cho Tổ quốc năm xưa giờ đây đã được tiếp nối bằng tinh thần cống hiến cho sự phát triển của quê hương. Thế hệ trẻ Hà Giang hôm nay - những người sinh ra trong hòa bình không quên những hy sinh máu xương của thế hệ cha anh, càng trân quý hơn từng thành quả đổi mới và quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Với khát vọng vươn lên, Hà Giang đang dốc toàn lực xây dựng tỉnh ngày càng phát triển nhanh, bền vững, tạo dựng hình ảnh một vùng đất nghĩa tình, năng động, là điểm sáng nơi địa đầu cực Bắc trong hành trình hội nhập và phát triển của đất nước.
Từ một địa phương từng chìm trong khói lửa chiến tranh, Hà Giang hôm nay đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế bằng chính nội lực, niềm tin và bản lĩnh kiên cường của con người vùng cao. Và trong thời khắc cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm thống nhất, từ biên cương Lũng Cú đến chiến địa Vị Xuyên, mỗi người dân Hà Giang đều thấy mình góp phần trong bản hùng ca bất tận của dân tộc Việt Nam.