02:10 28/02/2011

Từ 1/3/2011: Liệu có tác động đến giá cả các mặt hàng?

Cuộc họp báo cuối tuần của Bộ Công Thương về kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện và điều chỉnh giá điện năm 2011 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì đã thu hút sự quan tâm của báo chí xoay quanh tác động và biện pháp ứng phó khi giá điện tăng.

Cuộc họp báo cuối tuần của Bộ Công Thương về kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện và điều chỉnh giá điện năm 2011 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì đã thu hút sự quan tâm của báo chí xoay quanh tác động và biện pháp ứng phó khi giá điện tăng.

Đối với ngành cán thép, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện vào khoảng 0,38% đến 1,33%. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN


Theo thông cáo báo chí của Bộ Công Thương, từ ngày 1/3, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng/kWh (tăng 15,3%) so với giá điện bình quân thực hiện năm 2010. Đây là mức giá tăng thấp nhất so với đề xuất nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế. Do tăng giá điện, ước tính sẽ trực tiếp làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,46%.

Đối với các hàng hóa thiếu yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu..., thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ, do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.

Dự kiến, giá điện cho sản xuất sẽ tăng bình quân khoảng 12%, làm tăng giá thành của các ngành sản xuất từ 0,01 - 1,33%. Đối với các ngành cán thép, xi măng, sản xuất sợi, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,38 - 1,33%. Đối với các ngành thuốc lá, bia, sản xuất bao bì, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,01 - 0,46%.

Đối với hộ nghèo: Bộ Công Thương tính toán với mức hỗ trợ trực tiếp 30.000 đồng/tháng, mỗi tháng nếu dùng hết 50 kWh thì thực tế người nghèo chỉ phải trả 20.000 đồng tiền điện (như vậy Nhà nước đã hỗ trợ người nghèo tới 60% tiền điện và giá bán lẻ cho đối tượng này chỉ khoảng 400 đồng/kWh). Những người có thu nhập thấp sẽ phải đăng ký nếu muốn được hưởng giá điện 50 kWh đầu (bằng 80% giá điện bình quân 1.242 đồng/kWh).

Trạm biến áp Gò Khẩu, thị xã Tuyên Quang. Ảnh: Trần Tuấn – TTXVN


Theo Bộ Công Thương, các hộ đang tiêu thụ khoảng 100 kWh/tháng thì số tiền phải trả thêm do tăng giá điện là 32.000 đồng; hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng, số tiền phải trả thêm là 39.000 đồng; tiêu thụ 300 kWh/tháng, số tiền phải trả thêm là 45.000 đồng và tiêu thụ 400 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm là 52.000 đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, có bốn lý do căn bản phải tăng giá điện. Thứ nhất, giá điện Việt Nam đang thấp một cách không hợp lý. Nhiều năm phải kiềm chế tăng giá nên tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2010 rất khó khăn. Thứ hai, việc tăng giá là theo lộ trình đưa giá điện tiến tới mức hợp lý để nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào các dự án điện nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu điện. Thứ ba, giá điện đang thấp hơn giá thành khiến nhiều doanh nghiệp không quan tâm đổi mới công nghệ, thậm chí đưa công nghệ tốn năng lượng, ô nhiễm vào Việt Nam. Thứ tư, với giá điện điều chỉnh hợp lý, việc sử dụng năng lượng từ các hộ gia đình đến doanh nghiệp, cơ quan, nhà máy sẽ hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Trong đó, có lý do quan trọng là làm sao làm lành mạnh hơn tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhưng với mức điều chỉnh mới này, EVN vẫn có nguy cơ bị lỗ.


Ý KIẾN

Khó xử lý chủ nhà trọ thu tiền điện giá cao


Ông Phạm Mạnh Thắng (Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương): Tình trạng người thuê trọ là sinh viên, công nhân phải trả tiền điện sinh hoạt cao gấp nhiều lần so với số tiền phải trả thực tế cho ngành điện vẫn diễn ra. Chúng ta có cơ chế để người thuê trọ ký được hợp đồng mua điện nhưng số người mua được theo quy định này không nhiều. Các chủ cho thuê vẫn thu với mức giá cao hơn. Hiện trách nhiệm kiểm tra chủ nhà trọ thu tiền điện giá cao thuộc về các Sở Công Thương. Trong năm nay Cục Điều tiết Điện lực sẽ thí điểm áp dụng bán điện cho người thuê trọ thông qua công tơ điện sử dụng thẻ trả trước giống như các nước đang áp dụng.

Sẽ điều chỉnh lại việc cắt điện

Năm 2010 chúng ta chỉ thiếu khoảng 1,3 tỉ kWh điện nhưng cắt điện đã gây ra bức xúc vì chủ yếu cắt điện sinh hoạt, điện nông thôn. Điều này tác động rất lớn đến đời sống người dân. Năm nay sẽ điều chỉnh lại việc cắt điện. Thứ nhất, năm nay sẽ không chỉ cắt điện sinh hoạt mà Thủ tướng đã có chỉ đạo các ngành sản xuất dùng nhiều năng lượng nhưng không nhiều hiệu quả cũng sẽ phải cắt. Thứ hai, năm trước ta cho các nhà máy tự lập kế hoạch nghỉ các ngày trong tuần để giảm điện tiêu thụ. Năm nay cơ quan chức năng sẽ tính mỗi ngày tổng cung điện bao nhiêu, sẽ tự lập kế hoạch và yêu cầu các nhà máy nghỉ đúng ngày trong lịch. Nhu cầu vì thế sẽ không dồn cục và điện sinh hoạt sẽ bớt thiếu hơn.

Rút kinh nghiệm năm ngoái, chúng tôi giao cho UBND các tỉnh tính toán khả năng thiếu hụt ở các địa phương và đề xuất cắt điện đối với các đối tượng sử dụng nào để đảm bảo công bằng. Năm nay cũng sẽ thực hiện việc cắt điện luân phiên với các doanh nghiệp sản xuất. Hiện chưa có quyết định hay chỉ thị nào về việc ngừng ưu tiên cấp điện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.



Minh Phương