09:22 09/09/2015

TTXVN thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia

Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, thì ngay ngày hôm sau, sự kiện này được loan đi toàn thế giới.


Thông tấn xã Campuchia SPK, nhờ sự giúp đỡ của TTXVN, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình với tư cách là cơ quan ngôn luận của Mặt trận, kịp thời cổ vũ nhân dân Campuchia nổi dậy đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary.

Những năm 1977 - 1978, bè lũ Pol Pot - Ieng Sary trở mặt, mở các cuộc tấn công xâm lược Việt Nam. TTXVN một mặt nhanh chóng triển khai phóng viên tin, ảnh tác nghiệp tại các mặt trận dọc biên giới Tây Nam, mặt khác, khẩn trương chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng giúp các lực lượng cách mạng Campuchia lập một hãng thông tấn khi thời cơ đến.

Tổng giám đốc SPK Chây Xaphon (ngoài cùng bên phải) và Phó Tổng giám đốc TTXVN Trần Thanh Xuân (thứ hai từ phải) cùng các chuyên gia TTXVN tại Phnôm Pênh tháng 1/1979 .


Trong nửa cuối năm 1978, TTXVN lập xong phương án điều động nhân sự và phương tiện của ngành trên toàn quốc, đồng thời cho triển khai kế hoạch xây dựng các đài phát sóng ở biên giới Tây Nam. Một bộ phận quan trọng của TTXVN chuyển sang chế độ công tác thời chiến.

Tháng 11/1978, Trưởng ban biên tập tin Trong nước Trần Hữu Năng cùng một số cán bộ, phóng viên TTXVN từ Hà Nội được bí mật đưa vào TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị xây dựng một thông tấn xã cho cách mạng Campuchia, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Phó Tổng Giám đốc TTXVN Trần Thanh Xuân và Đỗ Phượng.

Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập với lễ ra mắt của Ủy ban Trung ương Mặt trận gồm 14 thành viên, do ông Hêng Xomrin làm Chủ tịch và ông Chia Xim làm Phó Chủ tịch.

Ngày 3/12/1978, Saporamean Kampuchea - SPK (Thông tấn xã Campuchia) chính thức phát đi tin, ảnh về sự kiện quan trọng này.

SPK ra đời và thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình như thế.

Để một hãng thông tấn nhanh chóng đi vào hoạt động trong điều kiện chiến tranh, TTXVN và những cán bộ đầu tiên của lực lượng cách mạng Campuchia được giao nhiệm vụ xây dựng SPK đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Các phóng viên tin, ảnh và điện báo viên của TTXVN được huy động cho nhiệm vụ này đều mang tên Campuchia, với trang phục của lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, tác nghiệp với danh nghĩa phóng viên SPK. Tin, ảnh của SPK được bí mật phát đi từ đài phát tin Thủ Đức của TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh.

Các cơ quan báo chí của Việt Nam nhận được tin, ảnh về tình hình sôi động ở Campuchia lúc bấy giờ từ “bản dịch” của TTXVN trích dẫn “Theo Thông tấn xã Campuchia SPK”.

Ngày 23/12/1978, Quân đội Nhân dân Việt Nam mở chiến dịch tổng phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, đánh bật quân Pol Pot ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tiến sang Campuchia phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tấn công quân Pol Pot để giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Từ ngày 25/12/1978, năm tổ phóng viên TTXVN, nhưng mang danh nghĩa phóng viên SPK, lần lượt ra trận, theo các cánh quân của bộ đội tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia trong chiến dịch giải phóng đất nước Chùa Tháp, đưa tin, ảnh về chiến sự trên các mặt trận, đặc biệt là tin các địa phương ở Campuchia lần lượt được giải phóng.

Ngày 7/1/1979, Phnôm Pênh hoàn toàn giải phóng.

Campuchia được giải phóng quá nhanh. Việc giúp xây dựng SPK về mọi mặt để hãng này sớm hoạt động tại thủ đô Phnôm Pênh càng khẩn trương.

Công việc đầu tiên, quan trọng nhất, vẫn là tạo nguồn nhân lực cho SPK. Tổng Giám đốc đầu tiên của SPK Chây Xaphon cùng các chuyên gia TTXVN đi tới các khu tập trung lao động ở nông thôn tìm các trí thức, sinh viên, học sinh còn sống sót để đưa về đào tạo, làm việc cho SPK. TTXVN lo chỗ ăn, ở và cung cấp trang phục cho họ, trước khi giúp đào tạo họ về nghiệp vụ thông tấn.

Đoàn chuyên gia TTXVN giúp Campuchia, mang mật danh Đoàn S.78, được thành lập ngay từ tháng 1/1979 với hơn 100 cán bộ, chuyên viên, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên thuộc tất cả các bộ phận của TTXVN. Họ được đưa sang Phnôm Pênh cùng hàng chục tấn máy móc, trang thiết bị kỹ thuật và vật tư phục vụ yêu cầu thu phát tin, ảnh. Lương thực, thực phẩm, quần áo, được TTXVN cấp tốc chuyển sang để lo cho các bạn Campuchia đón ở trại tập trung về…

Bằng phương thức huấn luyện “cầm tay chỉ việc”, các chuyên gia TTXVN đã đào tạo cấp tốc một số phóng viên ảnh người Campuchia. Tại Lễ mừng chiến thắng 7/1/1979, được tổ chức ngày 25/1/1979 ở Phnôm Pênh, họ tác nghiệp với tư cách phóng viên SPK chính hãng.

Trong khi tập trung giúp SPK sớm xuất bản các loại tin, ảnh mà nhiều khâu chuyên gia TTXVN phải trực tiếp làm, Đoàn S.78 lên ngay kế hoạch đào tạo nghiệp vụ tin, ảnh và kỹ thuật cho cán bộ SPK.

Ngoài lực lượng chuyên gia trực tiếp truyền nghề cho bạn tại nơi làm việc, TTXVN mở nhiều lớp đào tạo nguồn nhân lực cho SPK như lớp nghiệp vụ phóng viên, lớp kỹ sư vô tuyến điện, lớp điện báo viên, học tiếng Việt...

Nhờ vậy, ngay trong năm 1979 và những năm đầu 1980, SPK đã phát triển thành một hãng thông tấn hoàn chỉnh với đầy đủ các bộ phận, gồm các ban biên tập tin trong nước, tin đối ngoại, tin thế giới, ban biên tập ảnh, báo ảnh, bộ phận sản xuất ảnh, bộ phận kỹ thuật, bộ phận tư liệu tin, tư liệu ảnh, phòng tổ chức cán bộ, văn phòng, nhà in v.v. .

TTXVN tập trung xây dựng cho bạn một cơ sở kỹ thuật khá hoàn chỉnh và khá mạnh ngay trong nửa đầu năm 1979, bảo đảm thu phát tin, ảnh không chỉ trong nước mà cả với các nước trong khu vực, đặc biệt là bảo đảm đường liên lạc hai chiều luôn thông suốt giữa SPK và TTXVN. Với đường liên lạc này, TTXVN liên tục cung cấp tin, ảnh thời sự, nhất là tin thế giới (cả tham khảo và phổ biến) và tin đối ngoại cho SPK để bạn có đủ nguồn tin quốc tế cung cấp cho báo chí ở Campuchia, đồng thời thu tin, ảnh của SPK để phát cho các báo ở Việt Nam và thế giới.

Chỉ trong vòng mấy năm, hoàn toàn từ con số không, SPK đã trở thành một hãng thông tấn hoàn chỉnh, với đầy đủ các bộ phận cần thiết, thực hiện rất tốt chức năng thông tấn trong việc cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo và các cơ quan báo chí ở Campuchia.

Từ giữa những năm 1980, khi SPK từng bước tự đảm đương được nhiều khâu công việc, TTXVN rút dần chuyên gia . Và đến tháng 10/1988, theo chủ trương chung của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước, TTXVN rút toàn bộ chuyên gia về nước.

Đoàn S.78 kết thúc nhiệm vụ từ đó, sau đúng 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.
Nguyễn Quốc Uy