06:20 10/06/2015

TTXVN 'chuyển mình' trong kỷ nguyên số

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số” tại Hà Nội.

Sáng 10/6, tại Hà Nội, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số”.

Ảnh minh họa.


Hội thảo gồm hai phiên: “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí - những vấn đề mới trong kỷ nguyên số” và “Gìn giữ đạo đức và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của báo chí”, với mục tiêu giúp các nhà quản lý, cơ quan hữu quan có cái nhìn chân thực hơn về sự phát triển của báo chí trong kỷ nguyên số, từng bước thu hẹp khoảng cách về ứng dụng khoa học công nghệ báo chí tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi, tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Vì sao cần đảm bảo trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số; vì sao kỷ nguyên số lại có nhiều tác động tiêu cực trong khi các hoạt động của báo chí, cải cách trong lĩnh vực báo chí đã đạt được nhiều thành công; những nguyên tắc để đảm bảo trách nhiệm xã hội và làm thế nào để khai thác mặt tích cực, hạn chế tiêu cực, chia sẻ những kinh nghiệm làm báo trong kỷ nguyên số...

Đại diện TTXVN có bài tham luận tại Hội thảo, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Duy Truyền đã khẳng định: Thời đại số, truyền thông xã hội đem lại nhiều cơ hội và thuận lợi trong việc truyền bá thông tin, tiếp cận thông tin, nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với báo chí nói chung và những người làm báo thông tấn nói riêng.

Cụ thể, về sự bùng nổ thông tin trên truyền thông xã hội: Do chưa được quản lý chặt chẽ bới luật pháp, thông tin thiếu kiểm chứng được đưa lên mạng xã hội dễ dàng hơn và tốc độ lan tỏa của thông tin mạng cũng nhanh hơn, đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và tác động tới nhiều tầng lớp trong xã hội.

Bên cạnh đó là sự bùng nổ về số lượng người sử dụng truyền thông xã hội: Số lượng người đến với mạng xã hội tăng nhanh, đặc biệt là giới trẻ. Họ dễ dàng tìm kiếm thông tin, phát tán thông tin và giải trí trên truyền thông xã hội. Báo chí không chỉ bị cạnh tranh về tin văn bản và ảnh, giờ đây khán giả không cần phải chờ đến giờ truyền hình phát sóng chương trình thời sự để theo dõi thông tin, mà có thể tiếp cận thông tin bằng cách loại hình vào bất kể lúc nào. Đối với nhiều người, mạng xã hội trở thành kênh thông tin, kênh giao tiếp nhanh và hấp dẫn. Vì thế, báo chí truyền thống, trong đó có TTXVN, đang bị cạnh tranh ngày càng tăng của truyền thông xã hội về số lượng người tiếp cận.

Phó Tổng giám đốc Lê Duy Truyền khẳng định, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các mạng xã hội và truyền thông không chính thống, TTXVN một mặt không được xa rời tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của một cơ quan thông tấn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mặt khác TTXVN đang học cách tận dụng những lợi thế của các mạng xã hội để thu thập thông tin và phổ biến thông tin.

Đến nay, nhiều tòa soạn, đơn vị thông tin của TTXVN đã sử dụng Facebook và Youtube để đăng tải thông tin và kết nối với công chúng. Trên phạm vi toàn ngành thông tấn, dự kiến trong năm nay cũng sẽ đưa thông tin của TTXVN lên các mạng xã hội một cách có hệ thống để những thông tin bằng nhiều loại hình của TTXVN, có tính định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn; sẽ ngày càng tiếp cận đông đảo công chúng trong và ngoài nước, phục vụ đặc lực hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta.

Phó Tổng giám đốc Lê Duy Truyền cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những mô hình hay của TTXVN trong việc đề cao trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Theo đó, trong quá trình sử dụng thông tin, hiệu đính và chỉ đạo thông tin hằng ngày ở TTXVN, Ban lãnh đạo TTXVN thường xuyên quán triệt các nguyên tắc, quy định về đạo đức nhà báo và trách nhiệm xã hội của báo chí tới các phóng viên, BTV của TTXVN trong và ngoài nước.

Vấn đề định hướng thông tin được coi trọng hàng đầu, thậm chí tạm thời thay thế khẩu hiệu “Nhanh – Đúng – Trúng – Hay” bằng “Đúng – Nhanh -  Trúng - Hay”. Đặc biệt, yếu tố con người bao giờ cũng quan trọng, TTXVN rất coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ phóng viên, biên tập viên của mình. Với thế mạnh của hệ thống cơ quan thường trú TTXVN tại nước ngoài, TTXVN đã đa dạng hóa nguồn tin thế giới bằng cách trao đổi hoặc mua tin của các hãng thông tấn lớn trên thế giới, do vậy vấn đề định hướng thông tin rất khó khăn vì thế chúng tôi tìm mọi cách phát huy vai trò của các cơ quan thường trú tại nước ngoài để tự làm tin theo định hướng của TTXVN.

TTXVN cũng đã tăng cường hợp tác trao đổi thông tin với các hãng thông tấn ở những nước đang phát triển (trên 40 cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới); đồng thời tự tìm kiếm các trang mạng đáng tin cậy ở tất cả các nước và lãnh thổ để thông tin của TTXVN đa chiều, cân bằng và có định hướng riêng, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào thông tin của các hãng thông tấn, các cơ quan báo chí lớn trên thế giới mà hiện nay chiếm tới trên 60% lượng thông tin toàn cầu…


P.V (TTXVN)