11:12 25/11/2021

TTCK ngày 25/11: VN-Index chạm mốc 1.500 điểm, tiền trở về cổ phiếu vừa và nhỏ

Mở cửa TTCK phiên sáng 25/11, tưởng chừng nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường, nhưng nhóm "cổ phiếu vua" vẫn phập phù như mọi lần. Tuy nhiên, VN-Index vẫn chạm mốc 1.500 điểm, khi dòng tiền lan tỏa ra các mã vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm bất động sản.

Tuy vậy, vùng cản mạnh này không dễ chinh phục khi chỉ số đã rung lắc khá mạnh quanh ngưỡng 1.500 điểm. Hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index mới có thể chinh phục và vượt qua ngưỡng này. Nguyên nhân, sóng cổ phiếu ngân hàng phập phù khi không thể duy trì hết thời gian T+, hàng loạt mã quay đầu giảm trở lại sáng nay, trong khi số mã tăng cũng chỉ ở mức thấp.

Chú thích ảnh
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm sức "nóng", nhường thanh khoản cho các cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó chủ yếu là bất động sản.

Thậm chí sau ATO vài phút, thị trường đã sớm có mã giảm giá như HDB, TPB, MSB, BAB… Nhiều nhà đầu tư suy luận, đang có sự chốt lời, thậm chí chốt T3 trên cổ phiếu nhóm này. Các ý kiến khác cũng cho rằng, dù sao cũng còn quá sớm để suy đoán biến động giá cổ phiếu ngân hàng. Bởi đến sáng 25/11, vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc nới room tín dụng, vốn được cho là động lực đẩy giá cổ phiếu. Ngoài ra, thông tin mới nhất về đề xuất luật hóa xử lý nợ xấu cũng được cho là sẽ có tác động tích cực lên triển vọng nhóm này trong năm tới.

Vì vậy, việc rung lắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền được luân chuyển nhanh qua các nhóm ngành khác, đặc biệt "chảy" vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ; đáng chú ý nhất vẫn là nhóm bất động sản, kéo hàng loạt mã như DXG, ITA, LDG, TNI, GEX, CMX, DIG, SJF, QCG, MCG, IDI, DRH… tăng kịch trần với thanh khoản cao.

Chỉ số nhóm VN30 mở cửa tăng nhanh hơn VN-Index một chút. Ngân hàng vẫn đóng góp nhiều cái tên trong số những mã tăng giá nhóm này, nhưng mức tăng không mạnh. Tăng đáng chú ý nhất là FPT, PDR, VRE, BVH…

Nhóm dầu khí lại có dấu hiệu suy giảm từ sớm, dù đầu tàu là GAS tăng giá nhẹ. Có khá nhiều cổ phiếu nhà PVN đang giảm loanh quanh mức -1% như PGD, PGS, PVB, PVC, PVD, PVS, PVT…

Cổ phiếu thép HSG, HPG sau phiên giảm sâu hôm qua lại quay đầu hồi phục hôm nay. Nhà đầu tư vẫn khá ưa thích dòng cổ phiếu này khi kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm bứt phá.

Chỉ số HNX-Index tăng sớm hơn cả khi HOSE mở cửa, tuy nhiên, sau 9 giờ15 phút thì chỉ số này lại quay đầu giảm ngay lập tức. Trong khi đó, chỉ số VN-Index đã có lúc vượt mốc 1.500 nhưng sau đó giảm gần cuối phiên.

Tuy nhiên, trong 30 phút khớp lệnh liên tục và chốt phiên sáng ngày 25/11, VN-Index đã tăng hơn 13 điểm, đưa chỉ số lên trên 1.502 điểm; HNX-Index tăng gần 3 điểm nâng chỉ số lên hơn 458 điểm. Trong đó, có 54 mã tím, 430 mã xanh, 777 mã vàng và 381 mã đỏ. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường là 793,57 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 23 ngàn tỷ đồng.

So với đầu năm 2020, VN-Index đã tăng 56% và HNX-Index tăng hơn 345% lên hơn 450 điểm. Điều này cho thấy, chứng khoán đang là kênh đầu tư thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thực tế, 10 tháng năm 2021, lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong nhiều tháng liền đạt trên 100.000 tài khoản. Chỉ trong 10 tháng, tổng số tài khoản mở mới tại thị trường Việt Nam lên tới gần 1,1 triệu tài khoản, gấp gần 3 lần con số của năm 2020.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán liên tục lập các mặt bằng thanh khoản mới. Nếu như trong các tháng đầu năm 2020, thanh khoản trên 2 sàn niêm yết ở quanh mức 5 ngàn tỷ đồng/phiên thì đến cuối năm 2020, thanh khoản bứt phá và lập nền mới ở mức 15 ngàn tỷ đồng. Sang năm 2021, thị trường tiếp tục sôi động và lập mức nền mới ở vùng từ 20 - 25 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 5 - 10/2021. Tới tháng 11/2021, thanh khoản bứt phá và tạo nền mới cao kỷ lục. Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 11, giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn niêm yết đã đạt trên 37 ngàn tỷ đồng/phiên, cao hơn 60% so với bình quân 10 tháng đầu năm 2021.

Gần đây nhất, vào phiên 19/11, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường phiên đạt gần 56 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 2,5 tỷ USD), thiết lập mức kỷ lục mới về thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam. Khối lượng giao dịch lên tới hơn 2 tỷ cổ phiếu, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Giữa lúc thị trường liên tục lên những nấc thang mới, quỹ PYN Elite cũng đặt ra mục tiêu mới: 2.500 điểm vào cuối năm 2024. Theo lý giải từ ông Petri Deryng, Giám đốc đầu tư của PYN Elite, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ngày càng tăng lên, qua đó làm giảm đáng kể rủi ro quốc gia. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm về 2% và có thể ở mức 3-4% trong vài năm tới. Các yếu tố này cho phép thị trường chứng khoán Việt có mức PE cao hơn.

Ngoài ra, cú huých còn đến từ gói chi tiêu lớn của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng trong năm 2022-2024 và lĩnh vực tư nhân có thể hưởng lợi từ mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong giai đoạn này. Đưa tất cả yếu tố trên vào phương trình, PYN Elite đã nâng mục tiêu của VN-Index lên 2.500 điểm vào cuối năm 2024, dựa trên mức PE mục tiêu là 16,5 lần.

Hải Yên/Báo Tin tức