02:15 27/02/2023

TTCK chiều 27/2: Ngành tài chính, chế biến thuỷ sản và chứng khoán giảm mạnh

Sau gần 20 phút giằng co, chỉ số VN-Index đã co hẹp đà giảm và kết thúc phiên ở 1.021 điểm, giảm hơn 18 điểm; HNX-Index giảm hơn 4 điểm, xuống còn 203 điểm. Toàn thị trường có gần 590 mã giảm và hơn 190 mã tăng.

Chú thích ảnh
Nhóm tài chính giảm mạnh nhất trong phiên chiều 27/2. Ảnh chụp màn hình

Vào lúc hơn 14 giờ 30 phút, chỉ số VN-Index đã có lúc giảm hơn 28 điểm. Tuy nhiên, càng về gần cuối phiên, chỉ số giảm thu hẹp khoảng cách và dừng ở mức hơn 18 điểm vào cuối phiên. Mặc dù thị trường giảm mạnh nhưng chỉ có gần 693 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công, thanh khoản thấp với hơn 10.595 tỷ đồng.

Nhóm ngành tài chính, chế biến thuỷ sản và chứng khoán giảm mạnh nhất trong phiên chiều; trong đó tốp 5 cổ phiếu giảm mạnh là VHM, VIC, MSN, HPG và BCM, góp phần đưa thị trường giảm gần 9,5 điểm.

Trước đó, trong phiên sáng đầu tuần, thị trường chứng khoán diễn ra tương đối bi quan. Theo đó,VN-Index giảm 19,88 điểm, lùi về mức 1.019,68 điểm; HNX-Index giảm 3,76 điểm, còn 203,56 điểm. Toàn thị trường tạm nghiêng về bên bán với 546 mã giảm và 124 mã tăng.

Rổ VN30 cũng tương tự khi sắc đỏ áp đảo với 30 mã giảm. Khối lượng giao dịch của của toàn thị trường ghi nhận trong phiên sáng đạt gần 322 triệu cổ phiếu, với giá trị hơn 4,821 ngàn tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng gần 305 tỷ đồng trên sàn HOSE với quỹ FUEVFVND đang bị bán nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 2,31 tỷ đồng, trong đó khối lượng bán ròng tập trung chủ yếu ở cổ phiếu SHS.

Theo CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS), rủi ro gãy xu hướng hồi phục ngắn hạn đang tăng lên. Trong trường hợp VN-Index tiếp tục suy yếu, nhà đầu tư ngắn hạn không nên giải ngân mà ngược lại nên giảm tỷ trọng danh mục khi VN-Index có khả năng quay về xu hướng downtrend trung hạn.

Đối với góc nhìn đầu tư trung - dài hạn, cho dù VN-Index có trở lại vận động trong kênh downtrend trung hạn thì khu vực 920 - 950 vẫn có thể trở thành ngưỡng hỗ trợ mạnh và là vùng đáy trung hạn do mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm tương đối và trở nên hấp dẫn.

Trong khi đó, theo CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCSC), trong tuần này, áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Nếu thanh khoản bán chủ động tiếp tục gia tăng thì xác suất VN-Index giảm về vùng 1.000 điểm là cần được tính đến. Do vậy, nhà đầu tư cần chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, hạn chế bắt đáy ngay cả khi VN-Index bật nảy trong phiên khi chạm các vùng hỗ trợ. Tại thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên đợi chờ những tín hiệu tạo điểm cân bằng rõ ràng hơn, ít nhất là từ 3 - 5 phiên tích lũy tích cực trở lại.

Còn theo dự báo của CTCK Bản Việt (VCSC), sự suy yếu của nhóm VN30 có thể tiếp tục sẽ là động lực tạo ra đà giảm cho chỉ số VN-Index, để chỉ số này kiểm định ngưỡng hỗ trợ đáy tháng 2/2023 tại 1.038 điểm. Nếu lực bán tiếp tục kiểm soát thị trường và khiến hỗ trợ này bị vi phạm, VN-Index sẽ kéo dài đà giảm về các hỗ trợ lần lượt tại 1.010 điểm, 985 điểm và thấp hơn là 950 điểm (Fibonacci Retracement).

Kịch bản khả quan hơn đối với thị trường là lực mua sẽ sớm có sự hồi phục để bảo vệ hỗ trợ 1.038 điểm, khi đó VN-Index có thể xuất hiện nhịp hồi phục để kiểm định lại các kháng cự EMA5 tại 1.050 điểm hay EMA50 tại 1.060 điểm.

Còn CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) cho rằng, dòng tiền vào thị trường chứng khoán đang co hẹp, những nhịp phục hồi khá ngắn khó tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Các nhóm cổ phiếu "đầu tư công" như cổ phiếu vật liệu xây dựng và cổ phiếu xây dựng hạ tầng, hưởng lợi từ chi tiêu ngân sách nên được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn các ngành còn lại.

Vì vậy, nhà đầu tư có thể giải ngân danh mục trung dài hạn trong những phiên tiếp theo, quan tâm các nhóm ngành có môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2023 như điện, năng lượng, vật liệu xây dựng và xây dựng hạ tầng...

Hải Yên/Báo Tin tức