05:13 11/05/2015

Truyền thông thế giới ấn tượng với lễ duyệt binh của Nga

"Quân đội Nga không có đối thủ tại châu Âu, và đây là thông điệp quân sự chính từ Quảng trường Đỏ", báo Politics của Serbia viết.

Lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ II (9/5/1945 - 9/5/2015) diễn ra trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva và việc xuất hiện trong sự kiện này các khí tài hiện đại đã cho thấy sức mạnh quân sự của Nga cũng như khả năng nước này sẵn sàng đối đầu với bất cứ nguy cơ nào.

Các lực lượng vũ trang tham gia lễ duyệt binh quy mô lớn nhất trong lịch sử Nga.


Phóng viên hãng thông tấn DPA của Đức, tường thuật buổi lễ, viết: "Hàng triệu người đổ ra đường phố Moskva vào ngày lễ trọng đại nhất với nước Nga này. 70 năm sau chiến thắng trước Hitler, Ngày Chiến thắng làm trào dâng niềm tự hào trong trái tim những người Nga. Các binh sĩ, xe tăng, máy bay chiến đấu - Cường quốc Hạt nhân đã cho thế giới thấy sức mạnh của mình. Việc các tên lửa liên lục địa được giới thiệu trong cuộc diễu binh cho thấy Nga sẵn sàng trước bất cứ nguy cơ nào".

DPA viết tiếp: "Ngày Chiến thắng cho thấy rõ thực tế khoảng cách giữa Đông và Tây là rất lớn". Trong khi đó sự hiện diện ngay cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trên khán đài cho thấy "Nga không đơn độc chống lại quan điểm thao túng thế giới của Mỹ. Sự gần gũi Nga - Trung là dấu hiệu cho thấy trật tự thế giới đang thay đổi". Theo DPA, niềm tự hào, niềm vui và lòng biết ơn đối với thành quả Chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít đã thúc đẩy người dân mà rất nhiều trong số này phải đợi nhiều giờ đồng hồ trước khi diễu binh diễn ra trên phố Тver.

Phóng viên báo mạng Spiegel Online (Đức) tại Moskva cho rằng cuộc duyệt binh tại Moskva thật hùng vĩ. "Cảm giác thật ấn tượng khi các cựu chiến binh đi qua Quảng trường Đỏ ngày 9/5, người nào cũng được chào mừng với tràng vỗ tay lớn. Như tôi hiểu về nước Nga, ngày 9/5 đối với nhiều công dân nước này là ngày lễ quan trọng trong năm, quan trọng hơn ngày Giáng sinh, Lễ Phục sinh và Năm mới". Phóng viên viết tiếp: "Có thể nghĩ rằng Đức bị đánh bại ngay sáng hôm nay".

Binh sĩ tham dự lễ duyệt binh. Ảnh: THX/ TTXVN.


Phóng viên báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) cũng có quan điểm tương tự. Bài báo viết: "Ngày Chiến thắng là ngày lễ quan trọng nhất ở Nga, quan trọng hơn cả Năm mới, Lễ Phục sinh và các ngày lễ khác. Cảm xúc tràn ngập của người dân khiến có thể nghĩ Đức bị đánh bại ngay tối hôm qua hay sáng nay. Và còn tạo ra cảm giác rằng Nga sẽ luôn chiến thắng Đức và các nước khác của thế giới phương Tây - ngày mai, ngày kia, vào bất cứ thời gian nào, trong bất cứ bối cảnh nào".

Báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) nhấn mạnh: "Ngày Chiến thắng ở Nga là lễ hội thần thánh, bao hàm yếu tố sùng kính tôn giáo trước các liệt sĩ và tôn vinh các cựu chiến binh. Bất cứ bức ảnh nào trong chiến tranh đều trở thành tượng thánh". Báo này cho rằng có lẽ chiến tranh đã đưa mọi người xích lại gần nhau.

Mô tả không khí tưng bừng tại Nga, phóng viên FAZ lưu ý về quan điểm của các nước phương Tây đối với Moskva. Phóng viên này viết: "Việc cắt giảm hay đóng cửa Viện Nghiên cứu Nga là sai lầm lớn của phương Tây. Đối với phương Tây, Nga giống như một căn phòng lớn bẩn cần hút bụi. Tuy nhiên Nga không nghe theo châu Âu và đặt cược vào giá trị chính trị của riêng mình. Phương Tây đã quên điều này".

Phóng viên của báo Zeit (Đức) tại Moskva trong bài viết của mình nhấn mạnh, Ngày Chiến thắng sau 70 năm xác định quan điểm của người Nga đối với thế giới "Ngày lễ này đoàn kết các thế hệ và mọi người với nhiều quan điểm rộng rãi khác nhau".

Xe tăng T-14 "Armata". Ảnh: THX/ TTXVN.


Báo "The Globe and Mail" của Canada viết: "Ngày Chiến thắng (9/5) là ngày lễ quan trọng của Nga, tại Moskva đã diễn ra cuộc diễu binh rầm rộ nhất kể từ khi Liên Xô tan rã". Theo báo này: "Nga đã phô trương những khí tài quân sự mới nhất, trong đó có xe tăng hiện đại nhất". Ngoài ra báo còn liệt kê hệ thống tên lửa chiến lược di động RS-24 Yars.

Kênh truyền hình CBC của Canada bình luận: "Nga kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II tại châu Âu bằng lễ diễu binh, phô trương các khí tài hiện đại. Và điều này diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức (thấp) chưa từng có từ thời 'Chiến tranh Lạnh'".

Báo "il Giornale" (Italy) đã gọi xe tăng Armata của Nga là "kiệt tác thực sự, hoàn toàn khác các mẫu tăng đang được quân đội châu Âu và Mỹ sử dụng. Bước tiến lớn trong hoạt động chế tạo xe tăng từ năm 1945 đến nay". Theo báo này, "đây là cuộc cách mạng công nghệ thực sự trong lĩnh vực quốc phòng, nơi tiến bộ trong nhiều thập kỷ gắn liền với những đột phá chủ yếu trong lĩnh vực phát triển máy bay".

Báo Politics của Serbia nhận định, cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ cho thấy thế giới không còn đơn cực. Đề cập tới Ấn Độ và Trung Quốc, bài báo viết: "Thế giới không còn đơn cực. Sự độc quyền của một siêu cường về kinh tế, chính trị và quân sự không còn tồn tại. Cuộc diễu binh cho thấy điều này". Bài báo viết thêm: "Quân đội Nga không có đối thủ tại châu Âu, và đây là thông điệp quân sự chính từ Quảng trường Đỏ".


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Moskva)