02:07 08/02/2017

Truyền thông phải đi trước xử phạt hành chính về môi trường

Kể từ ngày 1/2/2017, Nghị định số 155/2016/ NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực.

Xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 3 đến 5 triệu đồng. Ảnh: Thu Trang

Theo Điều 20 của Nghị định này, các hành vi đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định, vứt tàn, mẩu thuốc lá bừa bãi, vứt rác thải ở vỉa hè sẽ bị xử phạt rất nặng.

Cụ thể như vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; tiểu tiện, đại tiện bậy bạ bị phạt 1 - 3 triệu đồng; xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 3 - 5 triệu đồng; đặc biệt nếu xả rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị thì mức phạt sẽ tăng lên từ 5 - 7 triệu đồng.

Thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Lực lượng chức năng sẽ bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình, chụp ảnh… để xử lý người vi phạm. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm có thể bị nêu tên công khai kèm thông tin về vi phạm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh.

Đây là mức xử phạt rất nghiêm khắc đối với các hành vi tùy tiện, kém ý thức và vô văn hóa trước cộng đồng, xã hội. Thông qua mức xử phạt cho từng hành vi vi phạm, Nghị định đã chỉ rõ những “thói hư tật xấu” đáng ra đã phải loại bỏ từ lâu để mỗi khu phố, mỗi gia đình thực sự xứng đáng với danh hiệu “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa”. Một môi trường sống - gồm cả môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường văn hóa - sẽ bị ô nhiễm hoàn toàn bởi các hành vi như Nghị định nêu ra.

Với môi trường sống như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng nếp sống có văn hóa trong xã hội văn minh của cả cộng đồng. Vì vậy mọi người dân có ý thức và nếp sống văn hóa đều hoan nghênh Nghị định này, với hy vọng rằng, việc thực hiện Nghị định sẽ làm cho mỗi thành phố, mỗi khu dân cư, mỗi công trình công cộng không còn là nơi bị xả rác bừa bãi, trên đường phố không còn bắt gặp những tình huống đáng xấu hổ từ những hành vi tiểu bậy ngang nhiên của không ít người.

Tuy nhiên đã 1 tuần trôi qua, việc triển khai thực hiện Nghị định hầu như chưa có một hành động nào cụ thể. Bằng chứng là mọi hành vi như đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định, vứt tàn, mẩu thuốc lá bừa bãi, vứt rác thải ở vỉa hè… vẫn xảy ra như chuyện thường ngày. Nhiều phía sau nhà chờ xe buýt và khuôn viên công cộng vẫn không khác gì bãi phóng uế tự do. Rác vẫn xả mọi nơi, mọi lúc trên những con phố, ngay trước các cơ quan công quyền nhưng vẫn chưa có ai xử phạt.

Do vậy, Nghị định dù đã có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa “bước ra khỏi văn bản”, hỏi nhiều người dân thì họ không hề biết có qui định xử phạt; Nghị định có nguy cơ rơi vào tình trạng “ai phạt, phạt ai?” .

Có thể nói những hành vi bị xử phạt theo Nghị định này đã là một tồn tại xã hội, đôi khi thành “vấn nạn” hàng chục năm qua. Đã có nhiều văn bản, qui định nhằm xóa bỏ tình trạng này nhưng không có chuyển biến. Do vậy việc Nghị định 155 ra đời nếu không có các giải pháp thực hiện khả thi thì cũng sẽ lại xếp vào loại “văn bản lịch sử”.

Trong khi đó môi trường sống đang ngày bị ô nhiễm, không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng mà còn làm xấu hình ảnh quốc gia, đôi khi còn là “nỗi nhục quốc thể” bởi các hành vi vô văn hóa, tùy tiện, đáng xấu hổ như đã nêu trong Nghị định.

Việc cần làm đối với việc thực hiện Nghị định không chỉ là triển khai xử phạt như cung cách nêu trong Nghị định mà các cơ quan thông tin đại chúng cần phải vào cuộc, phải đi trước một bước để phối hợp với các cơ quan chức năng mở một đợt tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức người dân.

Chỉ có cộng đồng dân cư chung sức tự quản với ý thức cao thì mới hạn chế được các hành vi vi phạm; sao cho việc triển khai thực hiện Nghị định không bắt đầu từ việc xử phạt mà tiếp cận từ hướng phòng chống không để xảy ra vi phạm. Làm sao dần biến thành ý thức và trở thành nếp sống thì mới xóa bỏ tận gốc thói hư tật xấu này.

Cách nay hơn 20 năm, đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã làm một phóng sự nhiều kỳ lên án tệ nạn tiểu bậy trên đường phố, thu hút sự chú ý của người dân. Sau đó một thời gian tệ nạn này đã giảm hẳn ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng tiếc thay những kết quả tốt đẹp đó đã dần bị lãng quên đối với những người vô ý thức, chưa thành một nếp sống nên nó lại tái hiện. Từ đó có thể thấy rằng, cùng với các qui định xử phạt là công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân cũng có tác động tích cực.

Nếu các qui định xử phạt là công cụ chế tài để cho con người “không thể, không dám” thực hiện các hành vi sai trái thì việc tuyên truyền vận động sẽ làm mỗi người tự mình “không muốn, không nên” có các hành vi vi phạm. Điều đó sẽ có tác động xã hội sâu rộng hơn, nâng cao ý thức người dân, sẽ làm cho việc triển khai thực hiện Nghị định về xử phạt vi phạm môi trường tăng thêm tính khả thi.

Nguyễn Quang Vinh (TTXVN)