05:19 05/05/2021

Truyền thông Nhật Bản đánh giá về 'kỳ lân' công nghệ đầu tiên của Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tờ Nikkei Asia vừa đăng bài phân tích đánh giá cáo về VNG - doanh nghiệp được mệnh danh là “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam.

Chú thích ảnh
 VNG được mệnh danh là “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: VNG

Theo Nikkei Asia, vào một buổi chiều mù mịt ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vương Quang Khải bước lên một chiếc SUV nhỏ để giới thiệu với phóng viên của tờ báo này về Kiki - trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và được điều khiển bằng giọng nói của công ty mình.

Quang Khải là Phó Chủ tịch Điều hành VNG, một tập đoàn công nghệ khởi nghiệp từ game và giờ đã trở thành "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam. Anh cũng là người lãnh đạo Zalo AI - bộ phận của VNG đã phát triển Kiki.

Trợ lý ảo là một phần trong nỗ lực thúc đẩy AI của VNG, một bước đi mà Quang Khải cho là cần thiết đối với tương lai của công ty. Hơn 15 năm qua, VNG đã đa dạng hóa sang lĩnh vực điện toán đám mây, quảng cáo, thanh toán kỹ thuật số và truyền thông, đồng thời xây dựng một trong những cơ sở người dùng kỹ thuật số lớn nhất ở Việt Nam.

Theo We Are Social, ứng dụng nhắn tin Zalo của VNG có 62 triệu người dùng, chỉ xếp sau Facebook và YouTube về mức độ phổ biến ở thị trường Việt Nam. Điều này khiến VNG trở thành ví dụ hiếm hoi về một công ty trong nước đã vượt qua các đối thủ nước ngoài, trong đó có các ứng dụng phổ biến như Line hoặc WhatsApp tại Đông Nam Á.

Ứng dụng tin nhắn Zalo được coi là “ứng cử viên” tiềm năng nhất của Việt Nam có thể cạnh tranh ở vị trí “siêu ứng dụng” (superapp), giống như ứng dụng gọi xe Grab và Gojek hiện đang cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho người dùng trên khắp Đông Nam Á.

Tác giả bài viết cho biết khả năng tiếp cận của Zalo đã giúp VNG thu hút các nhà tài trợ quốc tế, bao gồm hai quỹ nhà nước của Singapore là Temasek và GIC; Goldman Sachs; và hai quỹ được cho là thuộc sở hữu của tập đoàn Tencent Holdings của Trung Quốc, trị giá 2 tỷ USD.

Tencent là nhà phát hành trò chơi lớn nhất thế giới và là công ty sáng tạo ra WeChat, có quan hệ khác với VNG. Cho đến tháng 6/2020, Chủ tịch Martin Lau của Tencent đã tham gia Hội đồng Quản trị của VNG và VNG vẫn trả tiền cho công ty Trung Quốc về phần mềm và dịch vụ kỹ thuật.

Thống kê cho thấy mảng game của VNG đóng góp tới 79,2% trong tổng doanh thu 6.000 tỷ đồng (262 triệu USD) của công ty này trong báo cáo tài chính năm 2020. VNG có kế hoạch bổ sung vào các đội hình di động của mình ở Ấn Độ, Nga, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Những động thái này có thể giúp VNG cạnh tranh trực tiếp hơn với tập đoàn Sea Group, có trụ sở tại Singapore và đang sở hữu các hãng sản xuất trò chơi như Garena và Tencent.

Các mảng kinh doanh cũng đóng góp lợi nhuận cho VNG là các dịch vụ từ mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Các trung tâm dữ liệu của VNG sẽ được hưởng lợi và tạo mối đe dọa với các đối thủ nước ngoài là Amazon và Alibaba nếu Chính phủ Việt Nam buộc các công ty phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước. Trong khi đó, tỷ trọng nguồn thu từ quảng cáo (nguồn thu lớn thứ hai) trong tổng doanh thu tăng từ 10,6% trong năm 2015 lên 16,3% vào năm 2020. Tổng hợp lại, VNG đạt lợi nhuận sau thuế 8,3 triệu USD trong năm 2020.

Bài báo nêu rõ ở một khía cạnh nào đó, VNG lớn mạnh cùng sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Năm 2004, công ty này có tên là Vinagame, một doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ đầu tư vào trò chơi máy tính và quán cà phê Internet. Khi đó, Việt Nam chưa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ít được biết đến về thương mại và được biết đến nhiều hơn với tư cách là một quốc gia nhỏ bé đã đánh bại  thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong hai cuộc kháng chiến cứu nước.

Sau đó, công ty này phát triển thành VNG và bổ sung một loạt dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế hiện đại của Việt Nam, gồm thanh toán, truyền phát trực tuyến, điện toán đám mây, trong khi tốc độ, sự ổn định và các biểu tượng trên ứng dụng nhắn tin Zalo đã giành được niềm tin của người dân Việt Nam. Trong thời gian đó, Việt Nam ký một loạt thỏa thuận thương mại và các nhà máy ở Việt Nam đã chuyển từ sản xuất áo sơ mi và ví sang sản xuất điện thoại và chip. Nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh hy vọng một ngày nào đó, Việt Nam sẽ gắn liền với công nghệ hơn là chiến tranh: "25 năm đã trôi qua và thế hệ của tôi vẫn chưa thể thay đổi ấn tượng đó".

Tuy nhiên, bài báo cũng đã chỉ ra các điểm yếu khiến công ty này dù chi hàng triệu USD vào thanh toán điện tử và thương mại điện tử nhưng mảng kinh doanh này vẫn thua lỗ trong nhiều năm. Theo giới phân tích, kể từ khi thành lập, VNG đã trở thành một tổ hợp gồm hơn 20 dịch vụ khác nhau, được nhóm lại một cách lỏng lẻo như fintech, điện toán đám mây, game và các nền tảng như ứng dụng trò chuyện.

Một số nền tảng của VNG hầu như không thu hút sự chú ý như trang thương mại điện tử, mạng xã hội và công cụ tìm kiếm. Các dịch vụ khác chưa thành công vì VNG chưa thể xin giấy phép hoạt động ngân hàng để cung cấp các khoản vay hoặc các sản phẩm tài chính khác. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh của VNG còn khá chồng chéo.

Đào Thanh Tùng (TTXVN)