08:23 30/08/2014

“Truyền lửa” nhịp xòe Na Hối

Nếu chưa uống rượu ngô, chưa xem đua ngựa, chưa nghe nhịp xòe... chắc hẳn là vẫn chưa tới được đất Bắc Hà. Về vùng cao nguyên trắng ấy, những điệu xòe độc đáo của người Tày ở Na Hối (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cứ réo rắt níu chân người ở lại.

Nếu chưa uống rượu ngô, chưa xem đua ngựa, chưa nghe nhịp xòe... chắc hẳn là vẫn chưa tới được đất Bắc Hà. Về vùng cao nguyên trắng ấy, những điệu xòe độc đáo của người Tày ở Na Hối (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cứ réo rắt níu chân người ở lại. Nghệ nhân Vàng Văn Hao (xã Na Hối, huyện Bắc Hà) đem thứ “đặc sản” tinh thần nơi rẻo cao này “mời” chúng tôi vào những ngày lúa nếp nương đang lên đòng xanh mướt, báo hiệu một mùa bội thu trên những tầng ruộng bậc thang trùng điệp trên cao nguyên trắng Bắc Hà.


Không quá khó để tìm được tới nhà nghệ nhân Vàng Văn Hao bởi ông đã nổi tiếng cả một vùng nhờ chất giọng hát xòe độc đáo, cùng những tài lẻ ít người có được. Chẳng thế mà, nhiều khách sạn lớn trong khu vực đã mời ông tham gia biểu diễn thường xuyên khi có khách du lịch yêu cầu. Ông còn tự thành lập một đội chuyên biểu diễn nhịp xòe, bất cứ khi nào cũng có thể phục vụ những “thượng đế” mê xòe Na Hối. Và không phải ngẫu nhiên, người đàn ông ở độ tuổi 50 này được người dân ca ngợi, như người “giữ lửa” truyền thống quê hương.

 

 

Nhịp xòe Na Hối.

Nghệ nhân Vàng Văn Hao từng là bộ đội, sau khi trở về làng được các cụ dạy nhịp xòe như bao thanh niên khác. Có chút năng khiếu nghệ thuật, cùng niềm đam mê, ông tự học các loại nhạc cụ, thuộc làu làu các điệu xòe... và trở thành người không thể thiếu trong các buổi lễ hội những dịp đầu xuân của làng bản.


Đi một chặng đường dài đến nhà ông vừa lúc trời chiều, may mắn được nghe nghệ nhân kể chuyện về xòe, hiểu hơn những nét đẹp của một loại hình nghệ thuật mang bản sắc vùng miền và đang được gìn giữ bởi những nghệ nhân đam mê và nhiệt huyết. Câu chuyện của người nghệ sỹ đa tài người dân tộc Tày, chơi được đủ loại nhạc cụ, từ sáo, kèn, chiêng, trống... và một niềm đam mê nhịp xòe, đã cuốn hút chúng tôi. Vừa hút thuốc lào, vừa nhún nhẩy theo nhịp xòe, ông Vàng Văn Hao cất giọng:


Xòe... xòe... Cây lúa thành bông


Xòe... xòe... Cây ngô thành bắp


Xòe... xòe... Trai gái thành đôi


Vừa hát, vừa múa với những điệu xòe rất ngọt ngào khiến người đàn ông ở tuổi ngũ tuần như trẻ lại, ánh mắt háo hức đến kỳ lạ. Ông bảo, xòe của người Tày có 5 điệu xòe chính, được kết hợp thành một nhịp xòe kéo dài không dứt. Nhịp xòe không có những niêm luật hay quy tắc khắt khe về thời gian và không gian. Quan trọng nhất để tạo nên nhịp xòe chính là âm nhạc, cứ có nhạc, có trống vang lên là người người lại cầm tay nhau vào vòng xòe. Những đôi trai gái nắm tay nhau, những đôi bạn tình tâm sự, thể hiện tình cảm và yêu thương qua những điệu xòe. Thế nên, những cặp vợ chồng được se duyên từ xòe không hiếm ở Na Hối.

 

Nghệ nhân Vàng Văn Hao.


Nghệ nhân Vàng Văn Hao bảo rằng, với ông xòe như đã ngấm vào máu thịt, còn với người dân bản Na Hối, xòe giống như dòng nước ngầm chảy trong lòng đất. Những ngày 13 hoặc 15 tháng Giêng là dịp lễ hội văn hóa vùng này, nhịp xòe trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu ở Na Hối. Năm nào, ông Vàng Văn Hao cũng được mời làm nhạc trưởng, đạo diễn nhịp xòe cho toàn xã, cả trăm người múa xòe. Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, nam nữ đều hòa mình vào những điệu xòe truyền thống trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn Pí lè... Xòe có nhiều điệu, có xòe đập lúa (phạt khẩu) vừa dồn dập, vừa náo nhiệt như thúc giục mọi người trong ngày mùa, xòe chiêng (pa nhăm pa), điệu xòe “đón xuân” với nhịp điệu gấp gáp, rộn rã, từng đôi trai gái, tay trong tay, dắt nhau bước đi trong nhịp xòe. Còn điệu xòe mò cá, vòng xòe khi chụm vào, khi lại tan ra như lời thủ thỉ, tâm tình của chàng trai, cô gái...


Trong lễ hội, điệu xòe vòng là vui nhất vì lúc đó sẽ có rất nhiều người tham gia, hàng chục người thì một vòng xòe, hàng trăm người trở lên có thể chia ra nhiều vòng hay xếp vòng trong, vòng ngoài, chân người nọ dịch bước theo chân người kia, cứ thế, cứ thế cho đến sáng. Với điệu xòe này, người “ngoại đạo” cũng làm theo được nên rất gần gũi và dễ thuộc.


Trời sẩm tối, chúng tôi vẫn không sao dứt ra được câu chuyện về xòe bởi người nghệ nhân say mê ấy. Hỏi về lịch sử múa xòe, ông lắc đầu bảo: Múa xòe có từ bao giờ chắc không ai có thể trả lời được, những người già nhất của Na Hối cũng chỉ biết rằng khi họ lớn lên thì xòe đã có rồi. Có rất nhiều những giai thoại về xòe, ông bà kể lại cho con cháu, vừa như răn dạy, vừa như lưu giữ.


Có chuyện kể rằng: Từ xa xưa, lâu lắm rồi, mấy năm liền ở Bắc Hà mùa màng đều thất bát. Cây lúa ra bông cứ lép trắng, cây ngô ra bắp nhưng không có hạt. Người Tày ở vùng Tà Chải - Na Hối đã cùng nhau góp một mâm cơm để cúng thần linh, cầu cho mùa màng được bội thu. Và năm ấy, trời mưa thuận gió hòa, cây lúa trĩu bông, cây ngô chắc hạt. Để cảm ơn trời đất, ông bà ta mở hội ăn mừng, trong ngày hội tiếng trống và tiếng kèn pí lè vang lên rộn rã, không ai bảo ai cùng nắm tay nhau thành vòng tròn, nhảy múa và hát lên rồi thành nhịp xòe như hôm nay.


Trong làng cũng có người già kể rằng nhịp xòe là điệu múa cho vua Mèo. Ngày xưa, lâu lắm rồi cũng không ai trong bản nhớ nữa, nhiều già làng chỉ biết vua Mèo Hoàng A Tưởng đã cho người lặn lội sang tận cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đón hai thầy về Bắc Hà dạy các điệu xòe: Xòe nón, xòe khăn, xòe mời rượu để đội văn nghệ phục vụ khách ở Dinh của vua Mèo. Và xòe có từ đó, được coi là thứ “đặc sản”. Đến hôm nay, nhịp xòe đã có ở khắp nơi, trẻ con trong bản cũng múa được xòe...


Ông Vàng Văn Hao hiện nay vẫn truyền nghề cho bọn trẻ, cứ đến tuổi đi học là được ông dạy xòe. Ông chia sẻ: "Học múa xòe dễ lắm, năm nào tôi cũng dạy bọn trẻ trong trường. Trẻ con vùng này thích lắm, cháu nào ở xã này cũng biết xòe cả rồi, biết xòe cùng với biết chữ mà". Đội xòe do ông thành lập gồm 12 nghệ nhân giỏi nhất vùng.


Bài và ảnh: Nguyễn Thắng