06:17 16/06/2014

Truyền hình thực tế: Công nghệ tây, chất lượng ta

Được dàn dựng công phu, đầu tư không hề ít song một số gameshow, chương trình truyền hình thực tế đang "hot" tại Việt Nam hiện nay lại chỉ là những màn “diễn” lộ liễu từ người trong cuộc.

Được dàn dựng công phu, đầu tư không hề ít song một số gameshow, chương trình truyền hình thực tế đang "hot" tại Việt Nam hiện nay lại chỉ là những màn “diễn” lộ liễu từ người trong cuộc.

Theo thống kê năm 3013, riêng 2 kênh truyền hình VTV3 và HTV7 (TP Hồ Chí Minh) đã có 16 chương trình truyền hình thực tế (THTT) phát sóng lần đầu hoặc tiếp tục lên sóng mùa tiếp theo. Trong năm 2014 là sự xuất hiện hàng loạt các chương trình khác như: Chinh phục đỉnh cao, Giai điệu tự hào, Đố ai hát được, Ngôi sao Việt, The X-Factor…

Người bí ẩn hội tụ hai danh hài Hoài Linh, Việt Hương.


Format các chương trình thường na ná nhau – tìm kiếm thí sinh tài năng. Tuy nhiên, nhìn tổng quát, lĩnh vực mà truyền hình thực tế hiện nay đang săn lùng thí sinh một cách dữ dội và nhiệt tình nhất là âm nhạc và nhảy. Tiếp đó là các cuộc đua đường dài cần đến sức khoẻ, tâm lý vững và cá tính nổi trội.

Khai thác mãi cũng hết

Câu hỏi đặt ra là: nhiều cuộc thi như vậy thì thí sinh ở đâu? Có quá nhiều người khao khát sự nổi tiếng “chỉ sau một đêm” nên hình ảnh thí sinh xếp hàng dài cả cây số đăng kí dự thi một chương trình là điều tất yếu.

Song chất lượng lại không đi cùng số lượng. Không thể phủ nhận thí sinh chính là nguồn câu khán giả đông đảo và bền bỉ nhất. Thí sinh chỉ tài năng thôi chưa đủ mà cần phải cá tính và có sự khác biệt. Như vậy họ sẽ nhanh chóng tạo được hiệu ứng truyền thông, thu hút người xem và bình chọn. Thực tế, những cái tên như Phương Mỹ Chi, Bùi Anh Tuấn, Hariwon đã làm suất sắc điều đó.

Bằng giọng hát dân ca mượt mà, Phương Mỹ Chi là nguồn hút khán giả đến với The Voice kids.


Việc khan hiếm tài năng đã và đang làm đau đầu Ban tổ chức (BTC). Và có lẽ không lâu nữa, “săn thí sinh” sẽ trở thành công việc phổ biến của nhà đài trước mỗi mùa game show.

Không chỉ thí sinh, giám khảo cũng đang trở thành vấn đề nan giải cho mỗi cuộc thi. Tạo nên sức hút ngay từ khi tổ chức họp báo ra mắt chương trình, giám khảo là nhân tố hút khán giả trước nhất. Từ những nhận xét, đánh giá và đưa ra lời khuyên, họ sẽ tìm người xứng đáng với danh hiệu quán quân.

Tuy nhiên, khán giả lại “nhẵn mặt” với nhiều cái tên như: Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng sau khi rời ghế nóng The Voice liền chuyển sang The X-Factor; Phương Thanh dừng cuộc chơi ở một cuộc thi nhảy năm 2012 thì nay trở thành người cầm cân nảy mực ở Ngôi sao Việt; Hoài Linh đã rất thành công với cương vị giám khảo The Winner, Thử thách cùng bước nhảy, hiện tại là chương trình Gương mặt thân quen. Tuy nhiên sắp tới khán giả sẽ được nhìn thấy anh cho điểm thí sinh đêm chung kết cuộc thi Ngôi sao mới - New star Hotgirl Hotboy.

Không thể phủ nhận sức hút của những những người nổi tiếng sẽ đem lại mức "rating" cao cho nhà đài, song việc lặp lại những cái tên quá quen thuộc trong nhiều chương trình khác nhau lại vô tình gây nhàm chán chán cho người xem.

Thí sinh hát hay, “diễn” giỏi?

Truyền hình thực tế nghĩa là miêu tả những tình huống, hoàn cảnh, sự việc thực tế, không sử dụng kịch bản. Tuy nhiên, ở Việt Nam điều đó dường như chỉ là hình thức. Nhìn lại năm 2013, truyền hình thực tế được nhắc đến nhiều không phải bởi chất lượng thí sinh mà phần lớn là những scandal không đáng có.

Nổi nhất phải kể đến vụ lộ kết quả của Vietnam Next Top Model; dàn xếp kết quả của The Voice hoặc các chiêu trò như: thí sinh nói xấu nhau, tranh cãi tay đôi với BGK; BGK thiên vị hoặc "dìm" thí sinh… Thay vì lo ngại uy tín chương trình bị ảnh hưởng, BTC lại xem đó như cứu cánh để hút khán giả. Mức rating tăng vọt kèm theo các hợp đồng quảng cáo khủng là “mức án” mà những game show này phải nhận sau những ồn ào, tai tiếng.

Anh Thuý (trái) và Huyền Minh (phải) trong vụ lừa dối khán giả.


Mong muốn một năm truyền hình thực tế khả quan hơn có lẽ vẫn là xa vời. Khi The X Factor mới lên sóng tập 1 đã gây xôn xao dư luận vì bị nghi là sử dụng chiêu trò để câu khách. Nhân vật chính ở đây là Anh Thuý (cựu thành viên nhóm Mây trắng) giả dạng là một thí sinh không chuyên với cái tên Huyền Minh đi thi. Không dừng lại đó, Anh Thuý còn đeo mặt nạ và khóc lóc kể về hoàn cảnh đáng thương không có thực.

Sự việc sau đó bị phát giác, người trong cuộc đã lên tiếng xin lỗi và dừng cuộc chơi. Có lẽ bị bội thực bởi quá nhiều chiêu trò lộ liễu như vậy của THTT mà khán giả đã mất niềm tin rất lớn đối với chương trình và nhà sản xuất.

Khán giả Nguyễn Linh (Hà Nội) bức xúc: “Kịch bản còn kịch tính hơn cả phim Hollywood, đề nghị Cát Tiên Sa đừng nên sản xuất chương trình thực tế nữa, nên chuyển sang viết kịch bản và dàn dựng phim có lẽ sẽ hay hơn”. Cùng tâm trạng đó, khán giả Minh Tâm cho hay, cô đã mất niềm tin vào truyền hình thực tế.

Xây dựng niềm tin và tạo được thương hiệu trong lòng công chúng không phải là dễ. Tiếc thay đa số các chương trình truyền hình thực tế lại nghĩ khác: một lối mòn với nhiều lợi nhuận sẽ hấp dẫn hơn dù bị chỉ trích hay hứng đá từ dư luận. Ca sĩ Phương Thanh đã từng chua chát trả lời báo giới: “THTT nghĩa là thực dụng về kinh tế”. Và dù không muốn ta cũng phải thừa nhận rằng bản chất của nó là đem lại lợi ích cho những người cùng hội cùng thuyền”.

Bỏ ra mức chi phí không hề nhỏ cho việc mua bản quyền cũng như xây dựng chương trình, việc thu lợi nhuận là công việc của nhà sản xuất. Doanh thu chính của mỗi game show xuất phát từ quảng cáo. Mức rating càng cao thì thu hút càng nhiều hợp đồng. Vì lẽ này mà các chương trình THTT hiện nay bất chấp các nguyên tắc về nghề nghiệp, đạo đức để sử dụng các chiêu trò tạo scandal, gây chú ý dư luận. Điều này cũng lý giải vì sao sức sống của nó không kéo dài như một số phiên bản ở các nước phương tây.

Nếu như trên thế giới, Got Talent chính thức lập kỷ lục Guiness, trở thành format THTT thành công nhất khi được mua lại bản quyền nhiều nhất: 58 phiên bản trên 59 quốc gia (Bỉ có hai phiên bản). Đây cũng là chương trình tồn tại và phát triển lâu năm ở Anh, Mỹ với sức hút không hề giảm. Nhưng khi về Việt Nam, Got Talent chỉ tạo được hiệu ứng ban đầu, và sau hai mùa giải nó đã trở thành món ăn nhạt nhẽo.

Không thể trách khán giả “có mới nới cũ”. Trách nhiệm ở đây thuộc về nhà sản xuất bởi họ đã cho rằng người xem thật sự quan tâm đến những scandal của các chương trình của họ, trong khi thực tế, khán giả đã phát ngán với những chiêu trò này.


Đinh Hương - Phạm Hoan - Hoàng Dương