04:05 08/04/2014

Truyền đời giọng hát từ thuở Vua Hùng

Tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực phục hồi, bảo tồn, truyền dạy hát xoan, kết hợp với thực hành, tạo sức lan truyền sâu rộng trong đời sống xã hội. Mục tiêu đến năm 2015, đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực phục hồi, bảo tồn, truyền dạy hát xoan, kết hợp với thực hành, tạo sức lan truyền sâu rộng trong đời sống xã hội. Mục tiêu đến năm 2015, đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Tạo sức lan tỏa sâu rộng


Hát xoan là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước, chỉ có ở vùng đất Tổ Phú Thọ và đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.


Truyền dạy hát xoan cho lớp trẻ.

Từ lâu, hát xoan đã gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân. Tên gọi và nguồn gốc hát xoan đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước.


Hát xoan là Di sản văn hóa vô giá không chỉ của người dân vùng đất Tổ, mà còn của cả nhân loại. Tuy nhiên hiện nay việc nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn và phổ biến dân ca xoan đang gặp nhiều khó khăn do các nghệ nhân hát xoan, những “báu vật nhân văn sống” đều đã cao tuổi, già yếu nên sức khỏe, trí nhớ không còn minh mẫn. Lớp trẻ lại chưa có sự hiểu biết nên chưa yêu thích và đặc biệt hạn chế về ý thức bảo vệ giá trị di sản văn hóa hát xoan. Việc tuyên truyền, quảng bá về di sản, khôi phục bảo tồn, tôn tạo các thiết chế làm cơ sở vật chất duy trì hát xoan như đình, đền, miếu cũng còn nhiều khó khăn, bất cập.


Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, để phục hồi và bảo tồn được di sản vô giá này, Sở đã mở các lớp truyền dạy hát xoan cho lớp nghệ nhân kế cận và lớp hát xoan trong cộng đồng. Lớp nghệ nhân kế cận này hiểu rất sâu sắc về hát xoan, có khả năng trình diễn và quan trọng là có khả năng truyền dạy hát xoan cho các thế hệ. Bên cạnh đó, Sở cũng đã điều tra, khảo sát 60 trường học và cung cấp tài liệu hướng dẫn hát xoan cho các trường.


Trong dịp hè, Sở chỉ đạo các Câu lạc bộ hát xoan, các Nhà văn hóa địa phương mở lớp dạy hát xoan cho các em học sinh; mời các nghệ nhân về tập huấn về hát xoan, để xoan thực sự có sức sống lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.


Các cháu thiếu nhi biểu diễn hát xoan trong Lễ hội Đền Hùng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, trùm phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, người đã có nhiêu công sức gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát xoan, cho biết: Bà không nhớ hết là mình đã truyền dạy cho bao nhiêu học trò, trong đó không ít người đã trở thành những hạt nhân trong phong trào văn hoá văn nghệ ở địa phương và lại tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ học tiếp theo. Lớp học do bà tổ chức lúc nào cũng đông đúc, đủ mọi lứa tuổi, từ 50-60 tuổi đến các em nhỏ 6-7 tuổi. Nhiều em tuổi còn nhỏ nhưng đã thuộc lòng cả 3 quả cách trong hát xoan. Ngoài mở lớp truyền dạy tại nhà, bà còn nhiệt tình tham gia dạy hát xoan tại các trường học và tham gia các buổi truyền dạy hát xoan do địa phương tổ chức…


Chị Bùi Thị Hằng - xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, chia sẻ: “Gia đình em không ai biết hát xoan, nhưng khi được tham gia các buổi học của các nghệ nhân trong xã, em chăm chỉ tập hát và tìm hiểu về hát xoan. Bây giờ, em có thể hát được rất nhiều bài hát xoan. Nay lại được các nghệ nhân cho tham gia lớp đào tạo tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát xoan, em rất vui ”.


165 tỷ đồng cho một chiến lược


Hát xoan Phú Thọ đã được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2011. Để bảo tồn di sản hát xoan bền vững và lâu dài, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – hát xoan Phú Thọ giai đoạn 2013- 2020”. Đề án này vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 7/11/2013 với nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 165 tỷ đồng.


Trước mắt, tỉnh tập trung đào tạo lớp nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát xoan trong cộng đồng; tăng cường sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa và số hoá các bài hát xoan; đẩy mạnh thực hành hát xoan trong cộng đồng địa phương. Cùng đó, tỉnh sẽ thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể hát xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhằm quảng bá, phổ biến, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa hát xoan trong nước và với bạn bè quốc tế.


Bên cạnh đó, Phú Thọ triển khai nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn “Tổng tập hát xoan Phú Thọ,” đây sẽ là công trình khoa học đầy đủ nhất về hát xoan Phú Thọ, làm cơ sở khoa học trong việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa hát xoan Phú Thọ vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015.


Phú Thọ cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hát xoan trên các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt tuyên truyền, giới thiệu, cập nhật thường xuyên các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát xoan trên Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.


Đặc biệt, do hát xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cùng được UNESCO công nhận, nên tỉnh đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn hát xoan gắn với Tín ngưỡng Hùng Vương. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh tập trung đầu tư tu bổ, phục hồi cho 5 di tích tại các phường xoan gốc ở thành phố Việt Trì, khôi phục các lễ hội, tục lệ hát xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa hát xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tiếp tục đầu tư tu bổ, phục hồi cho các di tích còn lại tại các phường xoan gốc, hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi các tục lệ hát xoan truyền thống tại các di tích có hát xoan lan tỏa.


Đồng thời, tỉnh xây dựng quy chế đãi ngộ với lớp nghệ nhân cao tuổi, những người đã có công bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật hát xoan và hiện nay vẫn tiếp tục việc truyền dạy cho lớp trẻ; đảm bảo 100% người có công bảo tồn, truyền dạy hát xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của hát xoan Phú Thọ và năng lực thực hành, quản lý di sản cho cộng đồng hát xoan; phát huy giá trị của hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ thông qua hoạt động trình diễn tại các phường hát xoan, các di tích hát xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; phấn đấu đến năm 2015 đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến năm 2020, tỉnh sẽ khôi phục các lễ hội, tục lệ hát xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa hát xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; nâng tỷ lệ người biết hát xoan là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường xoan gốc của tỉnh lên 70%.

 

Theo sử sách, hát xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm qua. Từ thời các Vua Hùng dựng nước, hát xoan được tổ chức vào mùa xuân để đón năm mới, không chỉ để ca hát mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng.

Lâm Đào An