01:01 17/01/2011

Truy tìm hạm đội Mỹ- những điệp vụ bất thành - Kỳ 1: “Quá tam bốn bận”... hoãn

Trong hai năm 1944 và 1945, hải quân Nhật đã liên tiếp lên các kế hoạch tấn công các hạm đội của Mỹ. Phải thừa nhận rằng, Nhật đã đổ rất nhiều công sức và chuẩn bị khá bài bản cho các kế hoạch tấn công này.

Trong hai năm 1944 và 1945, hải quân Nhật đã liên tiếp lên các kế hoạch tấn công các hạm đội của Mỹ. Phải thừa nhận rằng, Nhật đã đổ rất nhiều công sức và chuẩn bị khá bài bản cho các kế hoạch tấn công này. Song thật trớ trêu là hầu hết các kế hoạch này đều bị phá sản, khi thì do vị chỉ huy bất ngờ tử nạn, khi thì thời tiết không ủng hộ, khi thì các máy bay tham chiến gặp sự cố ở động cơ... Có trận tấn công tưởng chừng như chắc thắng nhưng rốt cục, hạm đội của Mỹ chỉ bị thiệt hại không đáng kể.

Kỳ 1: “Quá tam bốn bận”... hoãn

Tháng 2/1944, Bộ tham mưu của hải quân Nhật (NGS) bắt đầu xây dựng kế hoạch tấn công đêm vào vị trí neo đậu của Hạm đội 5 của Mỹ ở đảo Majuro thuộc quần đảo Marshall. Kế hoạch, mang mật danh Yu-Go Sakusen, liên quan đến việc phái lực lượng cơ động thứ nhất của hải quân Nhật Bản từ biển Inland Sea mang theo hơn 500 máy bay cất cánh từ tàu sân bay và khoảng 300 máy bay cất cánh từ mặt đất tấn công đảo Majuro.

Một chiếc Ginga trước khi lên đường thực hiện sứ mệnh cảm tử.


5 tàu ngầm sẽ đưa 10 xe lội nước hạng nhẹ được trang bị ngư lôi tấn công vào các tàu sân bay đang neo đậu ở đó. 2 tàu ngầm khác sẽ làm nhiệm vụ đưa lực lượng đổ bộ đặc biệt của hải quân đến để tấn công vào các cơ sở quân sự của Mỹ ở trên bờ.

Tháng 3/1944, kế hoạch Yu-Go đã được Đô đốc Shimada Shigetaro (nguyên thuyền trưởng tàu tuần dương HIEI), Tổng tham mưu trưởng hải quân Nhật và Đô đốc Koga Mineichi (nguyên thuyền trưởng tàu tuần dương ISE) thông qua. Nhưng cuối tháng đó, khi đang thực hiện cuộc hành trình từ đảo Palau đến Davao, chiếc thủy phi cơ của Đô đốc Koga bị rơi do thời tiết xấu khiến ông này tử nạn. Và cũng chính vì lý do đó mà kế hoạch Yu-Go buộc phải hoãn lại.

Cùng vào thời điểm đó, trung tá Fuchida Mitsuo, người chỉ huy trận đánh Trân Châu Cảng, đã đề xuất một kế hoạch tấn công đảo Majuro với quy mô nhỏ hơn. Kế hoạch này được đặt tên là Chiến dịch Tan 1. Sau chuyến đi trinh sát đảo Truk trở về, Fuchida sẽ chỉ huy một cuộc tấn công vào các tàu sân bay của Mỹ ở đảo Majuro bằng cách sử dụng 27 máy bay phóng ngư lôi với sự hỗ trợ của trung tá Egusa Takashige, người chỉ huy 27 máy bay bổ nhào. Ngày 9/6/1944, trung tá Chihaya tiến hành chuyến bay trinh sát cuối cùng từ Truk đi Majuro và sau đó quay trở lại Nauru và Truk, tuy nhiên anh ta không nhìn thấy bóng dáng con tàu nào ở vị trí neo đậu ở đảo Majuro. Đó là lý do khiến Chiến dịch Tan 1 không được triển khai.

Ulithi được hải quân Mỹ sử dụng là căn cứ hải quân “bí mật” lớn trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 2.


Tháng 9/1944, sau khi chiếm được Marianas và Peleliu, Ulithi trở thành nơi neo đậu của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Vị trí neo đậu này có sức chứa trên 1.000 tàu, lớn hơn cả Majuro và Trân Châu Cảng. Bộ Tham mưu hải quân và Hạm đội liên hợp của Nhật đã vạch ra một kế hoạch tấn công vào Ulithi, mang tên Chiến dịch Tan 2. Mục đích chính của chiến dịch này là tấn công hạm đội của Mỹ khi đang neo đậu ở Ulithi. Phó Đô đốc Ugaki Matome (nguyên thuyền trưởng tàu tuần dương HYUGA) đã hăng hái thông qua Chiến dịch Tan 2. Theo đó, hải quân Nhật sẽ sử dụng 24 máy bay ném bom 2 động cơ, 5 thuỷ phi cơ và 4 máy bay xuất phát từ trên bờ làm nhiệm vụ trinh thám. Tuy nhiên, chiến dịch này chưa kịp khởi động thì đã bị hoãn lại không rõ lý do...

Vào đầu tháng 2/1945, đơn vị không quân của hải quân số 141 ở đảo Kisarazu trong Vịnh Tôkyô được lệnh đưa một biên đội gồm 7 máy bay C6N Saiun và 3 tàu ngầm đến Truk để chuẩn bị tấn công Ulithi. Trong đó, đáng chú ý là có tàu ngầm vận tải I-366 tải trọng 1.779 tấn, mang theo 60 tấn hàng hoá, bao gồm 33 tấn nhiên liệu xăng máy bay, do đại uý Tokioka chỉ huy. Tuy nhiên, chuyến đi của Tokioka đã gặp phải vô số các sự cố kể từ lúc bắt đầu khởi hành như: ăng ten sóng ngắn của con tàu gặp sự cố nghiêm trọng, I-366 phải vật lộn với những con sóng cao đến hơn 9 m, khiến nhiều hàng hoá trên tàu bị trôi xuống biển- điều này báo hiệu điềm chẳng lành cho chiến dịch này.

Máy bay trinh sát tầm xa Saiun của Nhật.


Sáng sớm ngày 13/2, chiếc máy bay C6N Saiun của Nhật tiến hành một chuyến bay trinh sát trên vùng trời Ulithi. Khi bay đến vị trí neo đậu của hạm đội, người phi công làm nhiệm vụ quan sát đã không thấy có bất cứ một tàu sân bay nào của Mỹ ở căn cứ này. Anh ta chụp một vài bức ảnh bằng máy ảnh cầm tay của mình. Sau này, các chuyên gia phân tích ảnh của hải quân Nhật Bản phát hiện thấy ở lối vào vị trí neo đậu ở căn cứ Ulithi đã được bảo vệ bằng các lưới chống tàu ngầm.

Sau khi hạ cánh xuống Truk, viên phi công đã báo cáo kết quả chuyến bay trực tiếp lên Phó Đô đốc Hara Chuichi (nguyên thuyền trưởng tàu tuần dương TATSUTA), chỉ huy trưởng hạm đội số 4. Hara gửi một báo cáo mật về Bộ Tham mưu, Hạm đội liên hợp ở Hiyoshi. Sau khi nhận được bức điện của Hara, Đô đốc Toyoda Soemu, Chỉ huy trưởng Hạm đội liên hợp, quyết định hoãn chiến dịch này.

Đình Vũ (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Cuộc tấn công vào Ulithi