11:17 29/11/2016

Trường trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa: Đi lên bằng nội lực

Trải qua 58 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Trường trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa luôn vượt qua mọi khó khăn thách thức, đào tạo, cung cấp hàng nghìn lao động hoạt động trên lĩnh vực: thương mại, du lịch, và công nghiệp cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Một giờ học thực hành của học viên.

Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của nhà trường, thấy giáo Lương Văn Sinh hiệu trưởng cho biết: Trường trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa, được Bộ lao động – Thương binh và Xã hội lựa chọn đầu tư, phát triển đào tạo 2 nghề trọng điểm Quốc gia là: kỹ thuật chế biến món ăn và nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn.

Bên cạnh đó, hiện nhu cầu nhân lực về lĩnh vực du lịch, dịch vụ của tỉnh và xã hội khá lớn. Tuy nhiên, “đầu vào” tuyển sinh do cách tiếp cận của học sinh phổ thông về định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng, các em quan niệm rằng đi học nghề là đi làm thợ nên tương lai không được sáng sủa như các trường khác... dẫn đến việc tuyển sinh của nhà trường gặp không ít khó khăn.

Trước thực trạng đó, công tác tuyển sinh luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Năm học 2015 – 2016 số lượng học viên được tuyển sinh, đào tạo đạt 2490 học viên, tăng 36,4% so với cùng kỳ. Trong đó hệ trung cấp nghề đạt 1.185 học viên, trong đó tuyển mới 503 học viên, đạt 118,5% kế hoạch cả năm học, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Hệ sơ cấp nghề tuyển sinh, đào tạo đạt 287 học viên bằng 57,4% kế hoạch cả năm học, tăng 34,37% so với cùng kỳ. Hệ dạy nghề thường xuyên đạt 1.290 học viên, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Nhiều ngành nghề được học sinh đăng ký đông như: nghề kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ du lịch gia đình; dịch vụ chăm sóc gia đình, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ bảo vệ môi trường kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, bồi dưỡng kỹ thuật an toàn vật liệu nổ...

Ngoài ra, trong năm học 2015 – 2016, nhà trường còn chủ động liên kết đào tạo các hệ trung cấp, sơ cấp nghề với các cơ sở dạy nghề ở các tỉnh như: Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề huyện Tiến Yên, Bình Liêu (TP. Móng Cái – Quảng Ninh); các huyện Đình Lập, Chi Lăng, Tràng Định, Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn)... thu hút đông đảo học sinh tham gia học nghề đạt kết quả tốt.

Có được kết quả trên, là do nhà trường đã chủ động bám sát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, đào tạo những ngành nghề mà xã hội đang cần; tổ chức hình thức đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Với bề dày 58 năm làm nhiệm vụ đào tạo nghề, đến nay trường trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa đã có được vị thế vững chắc trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục phát huy trí tuệ, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, đổi mới công tác quản lý, chương trình nội dung đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo theo hướng đa ngành, đa cấp và thế mạnh về ngành nghề đào tạo, tăng cường liên kết đào tạo nghề với các địa phương trong và ngoài tỉnh; đề ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, công tác quảng bá tuyển sinh và giới thiệu việc làm được nhà trường đặc biệt quan tâm và đầu tư nhân lực, vật lực thỏa đáng.

Trường trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa phấn đấu duy trì và phát triển quy mô tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp nghề đạt từ 1000 – 1500 học viên/năm, trong đó tuyển mới từ 500 – 650 học viên/năm; hệ sơ cấp nghề đạt 500 học viên; hệ dạy nghề thường xuyên đạt 2000 học viên trở lê, có uy tín và chất lượng đào tạo.

Đinh Quang Sinh