07:17 22/07/2014

'Trường tiểu học' bạo hành trẻ tự kỷ: Bị giải thể vẫn hoạt động

Mặc dù bị giải thể, nhưng trường này vẫn ngang nhiên nhận nuôi chăm sóc trẻ chậm phát triển, trẻ tự kỷ với mức học phí nội trú 8 triệu đồng/ tháng

Mặc dù, đã bị rút giấy phép hoạt động và chỉ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tên gọi Công ty TNHH Anh Vương với hoạt động chính là chăm sóc sức khỏe người có công, người già, người tàn tật nhưng công ty này lại ngang nhiên trá hình dưới danh nghĩa là "trường tiểu học Anh Vương" nhận nuôi, giữ trẻ chậm phát triển, trẻ tự kỷ từ 1-18 tuổi với mức học phí nội trú lên đến 8 triệu đồng/tháng.


Trước thông tin, báo chí đăng tải hình ảnh các giáo viên, bảo mẫu của trường "tiểu học Anh Vương" dạy dỗ trẻ bằng cây sắt, móc sắt, tát vào mặt, bóp cổ trẻ... ngay sau đó, Sở GD &ĐT TP Hồ Chí Minh đã đến kiểm tra cơ sở này. Tại buổi kiểm tra này, Sở GD &ĐT TP Hồ Chí Minh phát hiện, trường đã bị rút giấy phép hoạt động vào cuối năm 2013 và hiện chỉ có giấy chứng nhận kinh doanh với danh nghĩa là Công ty TNHH Anh Vương do Sở kế hoạch đầu tư thành phố cấp.


Tuy không có giấy phép hoạt động chuyên môn nhưng công ty này vẫn đặt bảng hiệu là trường tiểu học Anh Vương do UBND quận Tân Bình và phòng GD &ĐT quận cấp và hiện đang nhận nuôi dạy 27 trẻ chậm phát triển, tự kỷ từ 1 - 18 tuổi, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Bên cạnh đó, trong số 10 người đang trực tiếp đứng ra giáo dục, chăm sóc các trẻ thì chỉ có 3 giáo viên có bằng cấp chuyên ngành về giáo dục đặc biệt, còn lại không có văn bằng lao động chuyên môn nghiệp vụ và cũng không có hợp đồng lao động.


Mặc dù đã bị rút phép hoạt động về giáo dục nhưng "trường tiểu học" Anh Vương vẫn ngang nhiên hoạt động sau UBND Phường 15.


Tại buổi kiểm tra, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh bà Nguyễn Thị Kim Thanh, cho biết: Đây là một công ty chứ không phải trường học. Theo giấy phép đăng ký thì đây là một công ty với ngành nghề chính là chăm sóc sức khỏe người có công, người già, người tàn tật nhưng lại trá hình để nhận chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Trước sự việc trên, chúng tôi cũng yêu cầu cơ sở này phải tháo ngay bảng hiệu xuống. Đánh giá việc cơ sở đã bị rút giấy phép hoạt động về giáo dục nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ sau UBND phường 15, quận Tân Bình, bà Thanh cho rằng do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên để xảy ra tình trạng này.


Bên cạnh đó, theo báo cáo kiểm tra từ phòng GD & ĐT quận Tân Bình, trường Anh Vương được phép thành lập ngày 2/10/2009 của UBND quận Tân Bình và ông Chu Văn Việt làm chủ. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động từ tháng 10/2009 đến tháng 12/2011, trường đã nhiều lần vi phạm: Không có hiệu trưởng điều hành quản lý hoạt động chuyên môn; không đảm bảo đầy đủ giáo viên theo quy định và giáo viên không có bằng cấp chuyên môn theo quy định của ngành; chủ trường tự ngưng hoạt động tại địa điểm cấp phép và chuyển địa điểm hoạt động đến địa phương khác mà không thông báo cho cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương; không đăng ký khai trình lao động cũng như chưa ký kết hợp đồng lao động với người lao động; bảo mẫu nhà trường không có chuyên môn nghiệp vụ.


Trước những vi phạm trên, phòng GD &ĐT quận phối hợp với UBND phường 15 kiểm tra, nhắc nhở hướng dẫn thực hiện cho chủ cơ sở rất nhiều lần nhưng chủ cơ sở vẫn không chấp hành. Đến ngày 1/11/2013 phòng gửi văn bản trình Ủy ban đề nghị giải thể và đến ngày 30/12/2013, chủ tịch UBND quận Tân Bình đã ký quyết định giải thể với lý do trường vi phạm các quy định giáo dục của Bộ GD &ĐT và con dấu cũng bị thu hồi ngay sau đó. Tuy nhiên, để qua mắt chính quyền, ngày 5/5/2014, chủ cơ sở này đã nhanh tay xin được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tên Công ty TNHH chăm sóc người khuyết tật Anh Vương (do Sở kế hoạch và đầu tư thành phố cấp). Theo đó hoạt động chính là chăm sóc sức khỏe người có công, người già, người tàn tật không có khả năng tự chăm sóc.


Sau khi biết vụ việc, nhiều phụ huynh đã rất bàng hoàng và nhanh chóng tới trường đưa con về nhà.


Trước những sự việc trên, theo ông Trần Khắc Huy, trưởng phòng giáo dục quận Tân Bình, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ cơ sở chấm dứt nuôi dạy trẻ trước ngày 23/7, đồng thời chủ cơ sở phải trao trả trẻ về với gia đình. Bên cạnh đó, để 27 trẻ tiếp tục được đến trường lớp, phòng giáo dục sẽ giới thiệu, sắp xếp chỗ học cho những trẻ thuộc địa bàn quận tại trường chuyên biệt Hướng Dương. Những trường hợp khác sẽ được giới thiệu đến một số trường trên địa bàn thành phố. Cũng trong thời gian giải quyết, phòng đề nghị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ không để xảy ra bất kỳ một sai phạm nào.


Đan Phương