11:06 15/11/2014

Trường THPT Tiên Hưng - niềm tự hào và trách nhiệm

Trường THPT Tiên Hưng được thành lập ngày 4/9/1965, đặt tại trường cấp 2 Tiên Hưng, thuộc hai xã Minh Tân và Thăng Long, huyện Đông Hưng, Thái Bình, với tên gọi là trường phổ thông cấp 3 Tiên Hưng.

Trường THPT Tiên Hưng được thành lập ngày 4/9/1965, đặt tại trường cấp 2 Tiên Hưng, thuộc hai xã Minh Tân và Thăng Long, huyện Đông Hưng, Thái Bình, với tên gọi là trường phổ thông cấp 3 Tiên Hưng.

Năm học đầu tiên (1965 -1966) trường mới có 5 lớp (4 lớp 8, 1 lớp 9 chuyển từ cấp 3 Duyên Hà về) với 21 thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên và 254 học sinh là con em của 27 xã. Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, phải học nhờ, chỉ có 6 phòng học và 1 phòng thí nghiệm, thầy trò dạy và học trong điều kiện hết sức khó khăn.

Từ năm học 1967 - 1968, giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, thời gian này trường đã có 12 lớp, với 560 học sinh; trường phải đi sơ tán 2 lần về các xã Tây Đô; Mê Linh; Hợp Tiến. Các thầy cô giáo giảng dạy nơi sơ tán phải đi đò qua sông Tiên Hưng, nhà trường đã mua một con đò, lao công nhà trường làm nhiệm vụ chở đò đưa các thầy cô qua sông trong 7 năm liền.

Thầy và trò nhà trường phải giảng dạy và học tập trong điều kiện chiến tranh, giặc Mỹ bắn phá ác liệt. Trường học mỗi nơi một phòng, làm bằng tranh, tre, nứa, lá, rơm rạ. Lớp học bốn phía đều thông ra các cửa hầm, có tường lũy đất bao quanh, có giao thông hào dẫn ra các hầm kèo hình chữ A vững chắc để phòng chống bom đạn của đế quốc Mỹ.

An toàn là nhiệm vụ hàng đầu của thầy và trò trong lúc này. Trong các buổi học, trường có phân công trực chiến; khi có máy bay Mỹ từ xa là báo động để thầy trò vào hầm trú ẩn. Giặc đến xuống hầm, giặc đi ta lại học, đã trở thành nếp sống thời chiến của thầy và trò trường phổ thông cấp 3 Tiên Hưng thời bấy giờ. Học sinh trên đường đi học lúc nào trên đầu cũng đội mũ rơm, lưng khoác nùn rơm; trong cặp có bông băng, nẹp tre. Tuy gian khổ và vất vả, nhưng phong trào văn nghệ ca hát đầu giờ vẫn vang lên như để át nỗi sợ của chiến tranh.

Năm học 1971 - 1972 trường mới chuyển hết từ nơi sơ tán về vị trí bây giờ. Trường đã được xây dựng 3 dãy nhà cấp 4 mái ngói, với 12 phòng học trên diện tích đất của huyện mới cắt thêm cho tổng cộng là 12.260 m2. Số học sinh của trường lúc này đã phát triển được 19 lớp, với 850 học sinh ở cả 3 khối. Trường cũng đã đón nhận và dạy 77 em học sinh K8 ở Quảng Bình, Vĩnh Linh ra học tập. Cuối năm 1972, giặc Mỹ thua to ở chiến trường miền Nam, chúng điên cuồng đánh phá ra miền Bắc. Để đảm bảo an toàn, thầy và trò nhà trường lại phải sơ tán học theo từng nhóm nhỏ ở các thôn, xã. Các thầy cô giáo lại phải xuống từng nhóm để hướng dẫn các em học tập.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, tình cảm thầy trò thật gắn bó gần gũi. Biết bao kỷ niệm của những năm tháng không thể nào quên đã thấm sâu vào ký ức của thầy, trò trường Tiên Hưng. Chính những tình cảm thiêng liêng ấy và sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự giúp đỡ tận tụy của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, che chở của phụ huynh học sinh và nhân dân, đã thôi thúc ý chí quyết tâm sắt đá của thầy, trò, làm nên chất lượng giáo dục, truyền thống của nhà trường.

Sống và học tập trong thời chiến đã rèn luyện ý chí cho học sinh Tiên Hưng, từng lớp học sinh tốt nghiệp ra trường đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hàng chục thầy giáo đã tạm biệt mái trường, xa đàn em thân yêu, lên đường chống Mỹ. Trong cuộc chiến đấu ấy, nhiều học sinh đã lập nên những chiến công xuất sắc. Một số học sinh đã anh dũng hy sinh để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc. Tất cả những phẩm chất và hành động anh hùng đó đã tô thắm lên truyền thống vẻ vang của trường cấp 3 Tiên Hưng.

Từ ngày đầu thành lập, chỉ có vài phòng học tranh tre, nứa lá, trải qua 50 năm gian nan, vất vả, xây dựng và trưởng thành; đến nay cảnh quan, cơ sở vật chất của nhà trường đã thay đổi khang trang, xanh, sạch, đẹp, với quy mô lớn gồm ba tòa nhà 3 tầng, với 45 phòng học và các phòng chức năng kiên cố, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; đầy đủ phòng làm việc của ban giám hiệu, các đoàn thể, các tổ chuyên môn trên khu đất có diện tích 24.588 m2. Học sinh có 36 lớp với 1.640 học sinh. Đội ngũ có 83 cán bộ giáo viên, nhân viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh với 28 Đảng viên. Chi đoàn giáo viên với đội ngũ 34 đoàn viên giáo viên trẻ hăng say với công việc giảng dạy và tự học, tự rèn để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn mới.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua với những con số đáng ghi nhận: 7 thế hệ hiệu trưởng nhà trường; 297 thầy cô giáo thuộc các thế hệ nối tiếp nhau đã và đang công tác tại trường trong nửa thế kỷ qua; đã có 19.910 học sinh tốt nghiệp ra trường tham gia vào tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Có 2.364 học sinh tham gia vào lực lượng vũ trang; 41 học sinh đã anh dũng hy sinh trên chiến trường; 30 học sinh đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và nhà nước; hơn 9.000 học sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều học sinh đã trưởng thành nhanh chóng: Hơn 260 học sinh là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ; hơn 50 học sinh là lãnh đạo từ cấp vụ trở lên; hơn 150 học sinh là cán bộ chủ chốt của tỉnh và huyện, gần 300 học sinh là cán bộ chủ chốt của xã. Hàng trăm học sinh đã trưởng thành là giám đốc các công ty nhà nước và tư nhân thành đạt trong thời kỳ đổi mới.

50 năm xây dựng và phát triển, trường THPT Tiên Hưng có được trang lịch sử vẻ vang về truyền thống và thành tích là nhờ các thế hệ thầy và trò nhà trường đã kiên trì bền bỉ phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vững bước đi lên. Thầy và trò từ lâu đã nghiêm chỉnh thực hiện việc dạy thật tốt, học thật tốt, kiểm tra thi cử nghiêm, đánh giá thực chất chất lượng dạy và học và thật sự thương yêu học sinh như con em ruột của mình. Đây là nhân tố quan trọng để nhà trường có được thành quả ngày hôm nay.

Với niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm, thầy trò trường Tiên Hưng tiếp tục phát huy truyền thống: “Dạy tốt, học tốt”, mà mũi nhọn là đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, đổi mới kiểm tra thi cử; coi trọng giáo dục toàn diện với mục tiêu: Đào tạo các thế hệ học sinh trở thành con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, có tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành nhân cách, phẩm chất và năng lực cho học sinh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Phạm Công Hiệt